Hoạt động sản xuất tác động lớn đến BĐKH
CôngThương - Toàn tỉnh đã có 3.004 ha hoa màu bị mất trắng, tổng thiệt hại ước tính trên 1.073 tỷ đồng. Việc cấp nước sinh hoạt tại TP. Buôn Ma Thuột chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu.
Con người - tác nhân chính
Không riêng Đăk Lăk, khu vực Tây Nguyên hiện có 51.403 ha cây trồng thiếu nước và hạn hán. Sự xâm nhập của nước mặn và những đợt nắng nóng, gió Lào ngày càng tăng khiến tình hình càng trở nên căng thẳng. Cường độ bão lũ ngày càng lớn, chế độ thủy triều bị thay đổi gây ngập lụt khắp nơi. Hậu quả là, trong khi nơi này phải oằn mình chống lũ thì nơi khác lại điêu đứng vì hạn hán cũng như những trận mưa đá dữ dội liên tiếp ở phía Bắc... Tất cả những sự cố trên đều mang tên “Biến đổi khí hậu” (BĐKH).
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tác nhân cơ bản gây ra BĐKH chính là con người. Nguyên nhân sâu xa là sự bùng nổ dân số, chính sách phát triển kinh tế nhanh thúc đẩy sự phát triển “nóng” công nghiệp và cơ sở hạ tầng làm thay đổi cơ cấu sử dụng đất; các tiến bộ khoa học kỹ thuật và nhu cầu ngày một tăng về tiêu thụ năng lượng toàn cầu. Các khu rừng liên tục bị tàn phá, khai thác tận kiệt để lấy gỗ, làm thủy điện, khai khoáng, mở rộng diện tích cư trú, canh tác khiến các mạch nước ngầm bị suy kiệt.
Vùng Tây Nguyên trồng rất nhiều cây công nghiệp nhưng không có quy hoạch, dẫn đến việc khai thác quá mức nguồn nước để tưới cây dẫn đến sự mất cân bằng nghiêm trọng giữa nước mặt và nước ngầm khiến nguồn nước dự trữ tại các sông suối và hồ đập cạn kiệt. Các kênh, rạch bị xâm lấn làm thu hẹp dòng chảy tự nhiên; xây dựng nhà cửa không hợp lý khiến nước thải không thoát được làm ngập úng đô thị. Những công trình thủy điện xây tràn lan khiến dòng chảy xuống hạ lưu bị xáo trộn, nước mặn xâm lấn vào đất liền. Tình trạng xói lở đất các xã ven biển dẫn đến tình trạng mất đất, mất rừng. Nhiều dòng sông bị “bức tử” do nước thải… khiến lũ lụt “hung hãn” hơn, khô hạn khắc nghiệt hơn.
Nên dựng một kịch bản BĐKH khác?
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Các địa phương cần phân loại các dự án ứng phó BĐKH hợp lý để vừa đảm bảo độ bền vững cho các công trình phòng chống thiên tai, vừa an toàn cho tài chính quốc gia. Nếu sử dụng không tiết kiệm, đúng mục đích, dù đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng cũng không giải được bài toán ứng phó BĐKH. |
Tháng 6/2009, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã công bố kịch bản BĐKH ở nước ta với những cảnh báo về nguy cơ mà Việt Nam phải đối mặt cho đến cuối thế kỷ 21. Tuy nhiên, thực tế, BĐKH diễn biến nhanh hơn dự báo và đã hiện hữu ở khắp nơi.
Để hạn chế tác động của BĐKH, Chính phủ đã xây dựng Đề án “Chủ trương, giải pháp chủ động ứng phó với BĐKH và nước biển dâng”. Mục tiêu tổng quát đến năm 2020 là giảm cường độ phát thải khí nhà kính từ 8- 10% so với năm 2010; kiềm chế tốc độ gia tăng ô nhiễm môi trường. Giải pháp là: Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên; từng bước thích ứng với BĐKH, chủ động phòng tránh thiên tai; bảo vệ môi trường sống không bị suy giảm, hướng tới nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường…
Theo các chuyên gia, trong khi chờ đợi hiệu quả của những giải pháp dài hạn thì Chính phủ cần có những kịch bản và biện pháp ngắn hạn trước những diễn biến khôn lường của thời tiết. Cụ thể: Khẩn trương xây dựng kế hoạch xả nước các hồ thủy điện trên tinh thần ưu tiên nước cho sinh hoạt và sản xuất; hướng dẫn người dân thay đổi cơ cấu cây trồng, không canh tác rải rác như các năm; có kế hoạch trữ nước, tăng cường nạo vét kênh, mương để đảm bảo nước lâu dài cho vụ hè thu; khuyến cáo nhân dân không khoan giếng quá sâu gây mất nước trong vùng mà nên áp dụng giải pháp khoan ngang để gom nước chống hạn…
Về trung hạn, cần nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền và người dân về ứng phó với BĐKH; xây dựng pháp luật, cơ chế triển khai các giải pháp quy hoạch. Mặt khác, cần có chính sách rõ ràng, chế tài mạnh mẽ để bảo vệ môi trường. Thực hiện xã hội hóa các nguồn lực để bảo vệ môi trường, hướng đến đầu tư các dự án trồng rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ đầu nguồn; xây dựng các công trình thủy lợi lớn, trọng điểm, đồng thời nâng cấp các công trình thủy lợi vừa và nhỏ hiện đang bị xuống cấp nghiêm trọng nhằm đảm bảo đủ nguồn nước phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất. Quy hoạch mạng lưới thủy điện vừa và nhỏ cần xem xét nhiều góc độ như: Hiệu quả kinh tế, tận dụng nước lũ, bảo vệ môi trường thiên nhiên và đa dạng sinh học, hạn chế chặt phá rừng làm thủy điện, xây dựng quy hoạch vận hành liên hồ hợp lý, xả lũ theo trình tự thống nhất để đừng làm dòng nước cộng hưởng với nhau.
Nhiều chuyên gia còn hiến kế đào hồ chứa dọc đường để chứa lũ, tránh cường độ lũ quá mạnh tác động đến dân cư; bố trí hồ thủy điện, thủy lợi có thể trữ được nước; xây dựng các trạm thông báo về lũ, luồng, phân tích đường đi của lũ.