Lãnh đạo Tổng công ty thuốc lá đi kiểm tra trạm thu mua nguyên liệu
CôngThương - Làm giàu từ cây thuốc lá
Bà Chu Thị Huyền - Phó Chủ tịch UBND huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn - cho biết: Trước đây, đời sống kinh tế của nông dân trong huyện gặp rất nhiều khó khăn. Phần lớn các hộ thuộc diện đói, nghèo…, song từ khi có chính sách khuyến khích trồng và phát triển cây nguyên liệu thuốc lá phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu, cuộc sống người dân đã chuyển mình rõ nét.
Minh chứng điều này, bà Huyền cho biết: Hiện toàn huyện có trên 3.000 hộ nông dân trồng thuốc lá, tạo việc làm cho 5.000 lao động trực tiếp tham gia sản xuất. Năm 2013, diện tích trồng thuốc lá đạt 692ha, tăng 79ha so với năm 2012. Theo bà Huyền, với năng suất trung bình đạt 1,7-1,8 tấn/ha như hiện nay, giá bán trung bình khoảng 40.000 đồng/kg…, hàng năm, nông dân thu nhập khoảng 50 tỷ đồng và nộp ngân sách khoảng 3 tỷ đồng. Đến nay, toàn huyện không còn hộ trồng thuốc lá thuộc diện nghèo đói, thậm chí nhiều nhà làm giàu từ trồng cây thuốc lá. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng nông thôn như: Đường giao thông, kênh mương thủy lợi được đầu tư, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, huyện Ngân Sơn xác định phát triển cây thuốc lá là cây trồng có giá trị kinh tế, giúp dân thoát nghèo và làm giàu. “Người nông dân ngày càng tin tưởng vào phát triển cây thuốc lá, khẳng định đây là cây xóa đói, giảm nghèo hiệu quả. Họ đã thay đổi tập quán sản xuất từ nhỏ lẻ, manh mún sang đầu tư thâm canh hình thành vùng nguyên liệu” - bà Huyền chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Thịnh - Giám đốc Công ty CP Ngân Sơn - cho biết: Ngân Sơn và Viện Kinh tế kỹ thuật thuốc lá (thuộc Vinataba) hiện đang quản lý và phát triển vùng nguyên liệu thuốc lá tại 5 tỉnh phía Bắc là: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang. Với sự hỗ trợ của chính quyền các địa phương, diện tích cây thuốc lá trong thời gian qua phát triển ổn định, năng suất và chất lượng đã đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các nhà máy chế biến. Niên vụ 2012 – 2013, hơn 14 nghìn hộ nông dân tham gia trồng thuốc lá tại các địa phương với tổng diện tích trồng thuốc lá tại 5 tỉnh trên đạt khoảng 10.000 ha. “Không chỉ từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước, từ khi phát triển cây nguyên liệu thuốc lá, kinh tế nhiều địa phương, đặc biệt là các địa phương có vùng đất cằn cỗi không có khả năng phát triển các cây nông nghiệp đã khởi sắc” - ông Thịnh nhấn mạnh.
Trong chuyến thăm vùng nguyên liệu thuốc lá ở một số tỉnh phía Bắc, ông Vũ Văn Cường - Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinataba - chỉ đạo: Trong xu thế cạnh tranh, có nhiều đơn vị thu mua trên cùng địa bàn, 2 đơn vị quản lý là Công ty CP Ngân Sơn và Viện Kinh tế kỹ thuật thuốc lá cần xây dựng chiến lược đầu tư để quản lý, chủ động nguồn nguyên liệu, góp phần xóa đói, giảm nghèo tại các địa phương. Đồng thời, giao lưu gắn kết giữa DN với chính quyền địa phương nhằm trao đổi kinh nghiệm, tìm hiểu đời sống nông dân vùng trồng nguyên liệu. |
Nhiều chính sách hỗ trợ nông dân
Theo ông Nguyễn Văn Thịnh, để đầu tư phát triển vùng nguyên liệu có hiệu quả, công ty đã thực hiện đúng hướng và bền bỉ việc duy trì mối quan hệ giữa "bốn nhà" (Nhà nước- nhà nông- nhà khoa học- nhà doanh nghiệp) và đưa chính sách "tam nông" của Ðảng vào chiến lược sản xuất - kinh doanh. Theo đó, công ty duy trì thực hiện chính sách khuyến khích đầu tư trồng thuốc lá cho nông dân như: Thực hiện ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm ngay từ đầu vụ để nông dân yên tâm sản xuất; cấp miễn phí hạt giống, các loại bao nilon bảo quản nguyên liệu; tổ chức các lớp dạy nghề cho nông dân nhằm trang bị kiến thức từ khâu trồng trọt đến thu hoạch.
Đồng thời, đội ngũ cán bộ kỹ thuật của công ty đã đến từng địa phương chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, hướng dẫn bà con nông dân thực hiện đúng quy trình gieo, trồng, hái sấy, bảo quản, thu mua, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng đáp ứng yêu cầu sản xuất của các nhà máy thuốc lá.
Ông Thịnh khẳng định, với việc hỗ trợ gieo trồng và bao tiêu sản phẩm đã hạn chế được tình trạng ép giá, giúp nông dân luôn có lãi. Tuy nhiên, hiện nay vẫn có tình trạng khi giá nguyên liệu tăng, tư thương và một số doanh nghiệp không tham gia đầu tư phát triển vùng trồng nhưng lại vào tranh mua sản phẩm, gây khó khăn cho đơn vị đầu tư trong việc thu hồi vốn tạm ứng trước. Vì vậy, ông Thịnh cho rằng, chính quyền các huyện cần đề cao công tác tuyên truyền đến người dân để thực hiện nghiêm chỉnh cam kết với DN trong quá trình phát triển cây thuốc lá, nhất là khâu tiêu thụ.