Thời của vàng nhẫn và câu chuyện quản lý thị trường vàng
Không âm thầm tăng giá với mức tăng “nhỏ giọt” chỉ 200.000-300.000 nghìn đồng/lượng như thời gian trước đây, giá vàng nhẫn đã bất ngờ tìm lại vị thế khi liên tục lập đỉnh mới và mỗi lần thay đổi giá cũng phải 500.000 700.000đồng/lượng.
Ngày 5/3/2024, thị trường vàng trong nước chứng kiến sự lên ngôi của vàng nhẫn khi tăng lên hơn 68,5 triệu đồng/lượng, cao hơn ngày hôm trước 650.000 đồng/lượng mua vào và 550.000 đồng/lượng bán ra.
Giá vàng nhẫn tăng mạnh do giá thế giới hôm nay tăng cao. Chốt phiên giao dịch ngày 4/3, giá vàng thế giới giao ngay tăng hơn 30 USD lên 2.115 USD một ounce. Đây là mức cao nhất từ phiên 4/12, khi giá lập đỉnh lịch sử tại 2.135 USD.
Vàng nhẫn tăng giá mạnh đặt câu chuyện quản lý thị trường vàng cần được giải quyết rốt ráo |
Trước khi có vàng miếng thì tích trữ vàng nhẫn là thói quen nhiều đời của người Việt. Tiện dụng, dễ thanh khoản, giá cả không biến động quá nhiều so với giá thế giới là những ưu điểm của vàng nhẫn. Tuy nhiên, khi vàng miếng xuất hiện với sự bảo chứng về thương hiệu thì có nhiều thời điểm vàng nhẫn dường như “lép vế”, giao dịch kém sôi động và ít được quan tâm.
Phải đến khi thương hiệu vàng miếng SJC được giao về Ngân hàng nhà nước quản lý, việc đưa vàng ra thị trường phải có sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước khiến giá vàng miếng một mình một chợ, nhảy múa lên giá bất chấp sự điều chỉnh của giá thế giới thì người dân mới quay trở lại nhiều hơn với vàng nhẫn. Nhìn giá vàng SJC thời gian gần đây thì thấy rõ điều này. Trong khi vàng nhẫn luôn tiệm cận gần với giá thế giới, chỉ chênh khoảng 1-2 triệu đồng/lượng, có thời điểm ngang bằng giá thế giới, thì SJC luôn có mức chênh giá ngất ngưởng, trung bình là từ 13-15 triệu đồng/lượng. Ở thời điểm thị trường vàng thế giới lên cơn sốt, giá SJC chênh tới 17-20 triệu đồng/lượng. Đơn cử như chiều 5/3/2024, SJ giao dịch 78,6 triệu đồng/lượng mua vào và 80,6 triệu đồng/lượng bán ra, cao hơn giá thế giới xấp xỉ 18 triệu đồng/lượng.
Vàng SJC tăng giá được lý giải là 10 năm qua không được tăng thêm nguồn cung mà chỉ dựa vào lượng vàng miếng ước khoảng 30 triệu lượng đã được doanh nghiệp chủ sở hữu thương hiệu SJC (Công ty vàng bạc đá quý TP. Hồ Chí Minh) đưa ra cho đến thời điểm Ngân hàng Nhà nước chính thức quản lý thương hiệu vàng miếng này. Không ai có con số chính xác được hiện trên thị trường có bao nhiêu lượng vàng miếng SJC được lưu thông nên có thời điểm người có thật nhiều tiền muốn mua vàng để cất giữ cũng không đơn giản.
Chủ một cửa hàng vàng bạc trên phố Trần Nhân Tông chia sẻ rằng, mỗi cửa hàng chỉ “găm”chừng vài chục lượng vàng để giao dịch, mua bán vòng quanh, cửa hàng to hơn cũng chỉ tới con số trên dưới 100 lượng, các công ty vàng bạc lớn có thể nhiều hơn. Chỉ cần có đơn hàng 5-7 trăm lượng vàng là chắc chắn thị trường vàng sẽ có “sóng” bởi các cửa hàng phải mua gom.
Chính vì sự khan hiếm của vàng miếng SJC mà vàng nhẫn đã âm thầm lấy lại vị thế trong thời gian gần đây. Nếu tính mức giá 68,5 triệu đồng/lượng của ngày hôm nay thì giá vàng nhẫn đã tăng khoảng 7% tính từ đầu năm đến nay, gần 4,5 triệu đồng một lượng. Còn nếu so với mức giá của thời điểm 1 năm trước, mỗi lượng vàng nhẫn đã hơn 13 triệu đồng, tương đương mức tăng gần 25%.
Nhưng diễn biến tăng giá của vàng nhẫn trên thị trường cũng bắt đầu tiềm ẩn sự bất bình thường khi chênh so với giá thế giới khoảng 4,5 triệu đồng/lượng, cao nhất từ trước tới nay.
Sự tăng giá của vàng nhẫn được giới kinh doanh lý giải là không chỉ là do tác động của giá thế giới mà còn do người dân ưu tiên mua nhiều hơn trong khi nguồn vàng nguyên liệu không được nhập khẩu, doanh nghiệp chỉ gia công chế tác mua lại từ nguồn trôi nổi trên thị trường, phân kim từ nguồn nguyên liệu có sẵn trong nước. Thêm nữa, lo ngại vàng miếng SJC có thể xuống giá khi nhà nước có sự can thiệp sâu.
Không vàng hóa nền kinh tế là mục tiêu của Chính phủ trong quản lý thị trường vàng. Điều này không chỉ giúp giữ ổn định dự trữ ngoại hối mà còn kỳ vọng nguồn tiền định đầu tư cho tích trữ vàng quay trở lại đầu tư cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận tâm lý, thói quen của người dân coi vàng là một loại tài sản có tính thanh khoản tốt và là kênh đầu tư an toàn so với bất động sản hay chứng khoán. Vì thế, để kiên định với mục tiêu quản lý đã đề ra thì rất cần sửa đổi cơ chế, chính sách quản lý vàng, hoạt động kinh doanh vàng, qua đó cũng giảm bớt vấn đề đôla hóa nền kinh tế. Mà mấu chốt là Nghị định 24.
Thị trường vàng cần một mô hình quản lý mới, cởi bỏ chiếc áo chật là Nghị định 24 với một số lời toán cần giải đáp một cách cụ thể hơn. Thứ nhất, phải giải cho được hiện tượng “một mình một chợ” của SJC như hiện nay. Thứ hai, nên cân nhắc và xem xét việc nhập khẩu vàng nguyên liệu với tỉ lệ phù hợp để không ảnh hưởng tới dự trữ ngoại hối. Việc nhập khẩu này có thể do Nhà nước đứng ra điều tiết, giám sát, thậm chí tính đến phương án cấp hạn ngạch cho một số doanh nghiệp vàng bạc có uy tín làm đầu mối nhập khẩu.
Tại Chỉ thị 06 ngày 15/2/2024 Thủ tướng Chính phủ đã giao NHNN khẩn trương tổng kết Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng; đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng trong tình hình mới, hoàn thành trong quý I năm 2024.
Trước đó, cuối tháng 12/2023, khi thị trường vàng trong nước rung lắc dữ dội, tăng giảm với biên độ lớn, đại diện Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông điệp của nhà điều hành là nhà đầu tư nên thận trọng trong giao dịch đầu tư vàng và cũng đã sẵn sàng để triển khai phương án can thiệp bình ổn thị trường vàng thông qua việc tăng cung vàng miếng SJC ra thị trường. Đồng thời, sẽ trình báo cáo tổng kết Nghị định 24 trong tháng 1/2024, trong đó có đề xuất sửa đổi, bổ sung một số cơ chế quản lý thị trường vàng để phù hợp với bối cảnh mới của thị trường.
Mặc dù đến thời điểm này xã hội chưa có được thông tin tổng kết về Nghị định 24, nhưng tin tưởng rằng thị trường vàng trong nước sẽ đi vào quỹ đạo khi cơ chế quản lý được thay đổi phù hợp với thực tế của thị trường.