Thái Bình: Sớm ổn định đời sống nhân dân sau bão số 3 Thái Bình: Mực nước các sông dâng cao, UBND tỉnh ra Công điện khẩn |
Theo thông tin phản ánh, trong ngày 10/9, trên các nền tảng mạng xã hội, một số tài khoản, hội nhóm kín tại tỉnh Thái Bình đã đăng tải, lan truyền nhiều thông tin không đúng sự thật, chưa được kiểm chứng, thông tin sai bản chất, thổi phồng nội dung... về tình hình mưa lũ, đặc biệt là sự an toàn của các công trình thủy lợi, cầu cống, đê điều... trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
Cụ thể, theo thông tin từ UBND xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư cho biết, hiện trên một số nền tảng mạng xã hội và người dân có thông tin lan truyền hệ thống đê Hồng Hà thuộc địa phận xã Vũ Đoài bị vỡ. Cùng với đó có một số thông tin cũng cho rằng tuyến đê thuộc địa phận xã Vũ Hòa, huyện Kiến Xương cũng bị vỡ, nứt.
Liên quan tới thông tin này, tối ngày 10/9, Cổng thông tin điện tử Thái Bình nêu rõ: Hiện nay, trên mạng xã hội và một bộ phận người dân đang lan truyền thông tin một số tuyến đê trên địa bàn tỉnh như huyện Vũ Thư, Kiến Xương, Đông Hưng, Hưng Hà bị vỡ, khiến người dân hoang mang. Nhiều người dân đổ xô tích trữ đồ ăn trước những tin đồn thất thiệt. Về việc này, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh Thái Bình khẳng định: Các thông tin trên là hoàn toàn không chính xác. Tính đến thời điểm 20 giờ ngày 10/9, hệ thống đê điều toàn tỉnh và các tuyến đê chính trên địa bàn tỉnh vẫn bảo đảm an toàn.
Theo UBND tỉnh Thái Bình, do ảnh hưởng của xả lũ các hồ thủy điện và mưa lớn, mực nước trên hệ thống các sông khu vực tỉnh Thái Bình đang lên nhanh: sông Trà Lý trên mức báo động III; sông Hồng, sông Luộc vượt báo động II. Tuy nhiên, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, chính quyền các địa phương, các cơ quan, đơn vị đã và đang tập trung thực hiện đồng độ các biện pháp ứng phó với lũ trên các sông; tăng cường tuần tra, canh gác ngày đêm đê điều theo lệnh báo động số III trên sông Trà Lý; báo động số II trên sông Hồng, sông Luộc, sông Hóa. Cùng với đó, các đơn vị liên quan cũng tăng kiểm tra, rà soát, phát hiện và xử lý kịp thời những hư hỏng của đê, kè, cống do lũ gây ra, đặc biệt là các trọng điểm xung yếu trên địa bàn theo phương châm “4 tại chỗ” với mục tiêu bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng và bảo vệ tài sản của nhân dân.
Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh hiện nay có một số diện tích bờ vùng, đê bao có người dân sinh sống, sản xuất nằm trong hành lang thoát lũ có hiện tượng nước tràn qua đê đang được các lực lượng theo dõi, gia cố. Trong trường hợp báo động lũ cấp II hoặc III, đối với những khu vực này, các địa phương đã chủ động kiểm tra, rà soát, xét thấy không an toàn sẽ chủ động di dời người và tài sản vào trong đê chính để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho nhân dân.
Cũng theo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, hiện nay, Thủy điện Hòa Bình đã đóng một cửa xả lũ; cùng với việc tiêu thoát nước cửa biển qua hệ thống cống Lân và Trà Linh đang rất tốt. Do đó, trong đêm ngày 10/9 và ngày 11/9, dự báo mực nước lũ trên các sông sẽ xuống thấp.
Cũng trong chiều tối ngày 10/9, trao đổi với phóng viên Vuasanca về việc vỡ đê tại Vũ Thư, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Bình khẳng định đây là thông tin hoàn toàn sai sự thật. Theo đó, đến 15h ngày 10/9 hệ thống đê Hồng Hà tại xã Vũ Đoài vẫn bảo đảm 100% và có các nhân lực trực chiến tại các tuyến đê. Hiện UBND xã Vũ Đoài đã cấm các phương tiện lưu thông trên các tuyến đê giáp sông Hồng để bảo đảm an toàn.
Trong chiều ngày 10/9, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải khi đi kiểm tra hệ thống đê tuyến hữu Trà Lý và Tả Hồng Hà 2 trên sông Trà Lý và sông Hồng qua địa bàn TP Thái Bình, huyện Vũ Thư.
Trực tiếp kiểm tra những điểm đê xung yếu, rất đáng quan ngại của huyện Vũ Thư khi lũ đang có diễn biến phức tạp trên sông Trà Lý và sông Hồng Hà (bao gồm, kè Súy Hãng, xã Minh Lãng; điếm Phù Sa, xã Tự Tân; khu vực đê bao, đê bối thôn Thái Sa, xã Vũ Vân), Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải yêu cầu, các cấp, ngành, địa phương và mỗi người dân cần bình tĩnh nhưng không được chủ quan, lơ là, theo dõi từng giây từng phút cả ngày lẫn đêm diễn biến lũ, nhất là những tác động từ phía thượng nguồn mang lại.
Đồng thời, tuân thủ nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, huyện; chủ động mọi phương án ứng phó với các tình huống lũ lụt. Phải sẵn sàng từ công tác lãnh đạo chỉ đạo đến triển khai thực hiện; đặc biệt là tại từng điểm xung yếu…
Trước nguy cơ cao xảy ra lũ lụt, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình nhấn mạnh, phương châm lấy việc bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và tài sản cho nhân dân làm hàng đầu; bằng mọi giá phải bảo đảm an toàn tính mạng cho nhân dân trong tình huống khẩn cấp.
Bí thư Tỉnh ủy Ngô Đông Hải cùng đoàn công tác kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với lũ tại đê bối thôn Thái Sa, xã Vũ Vân của huyện Vũ Thư - Ảnh: Cổng thông tin điện tử Thái Bình |
Chiều ngày 10/9, ông Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bình cũng đã đi kiểm tra một số công trình đê, kè trọng điểm xung yếu, công tác ứng phó với lũ và vận hành trạm bơm tiêu úng trên địa bàn huyện Hưng Hà, Quỳnh Phụ.
Kiểm tra công tác di dời người và tài sản các hộ dân sinh sống ngoài đê chính, đê bối tại xã Tân Lễ (Hưng Hà), xã Quỳnh Lâm (Quỳnh Phụ), Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bình nhấn mạnh, hiện nay mực nước lũ trên sông lên rất nhanh, đây là trận lũ lớn trong nhiều năm trở lại đây, diễn biến rất phức tạp, khó lường, trong khi hệ thống đê điều nhiều năm chưa được thử thách với lũ lớn. Do đó, ông Nguyễn Tiến Thành đề nghị huyện Hưng Hà, Quỳnh Phụ khẩn trương rà soát, nghiêm túc thực hiện di dời người và tài sản đến nơi an toàn theo chỉ đạo của chính quyền địa phương các cấp; kiên quyết không để thiệt hại về tính mạng của người dân, giảm thiểu tối đa thiệt hại về tài sản. Đồng thời tăng cường thông tin về tình hình mưa lũ đến người dân; vận động nhân dân chủ động các phương án phòng, chống ngập úng.
Dự báo, lũ trên các sông tiếp tục lên cao, vì vậy Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bình yêu cầu các địa phương, các ngành chức năng không chủ quan, lơ là, tập trung mọi lực lượng để ứng phó với diễn biến của mưa, lũ.
Kiểm tra trọng điểm xung yếu kè Việt Yên, xã Điệp Nông (Hưng Hà); cống Tân Mỹ, xã Quỳnh Ngọc (Quỳnh Phụ) bị rò cánh phai lấy nước sa; ông Nguyễn Tiến Thành tỉnh yêu cầu huyện Quỳnh Phụ phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Thái Bình, chính quyền xã Quỳnh Ngọc khẩn trương huy động phương tiện, vật tư, nhân lực xử lý rò cánh phai, không để diễn biến phức tạp. Các cấp ủy, chính quyền hai huyện và xã Điệp Nông, Quỳnh Ngọc duy trì ứng trực 24/24h, nhất là theo dõi sát sao những khu vực xung yếu, trọng điểm, cần thiết sửa chữa, gia cố kịp thời tránh xói mòn, nước thẩm lậu qua thân đê và sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ, di dời người dân và tài sản, vật nuôi đến nơi an toàn khi nước trên sông tiếp tục dâng cao. Chủ động theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến tình hình mưa lũ; kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ” theo nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, không để bị động, bất ngờ.
Chiều 10/ 9, ông Nguyễn Khắc Thận - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Thái Bình cũng đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với mưa lũ trên các tuyến đê tả Trà Lý, tả Hồng Hà 1 thuộc địa phận hai huyện Đông Hưng và Hưng Hà.
Qua kiểm tra thực tế tại các điếm canh đê, điểm xung yếu thuộc các tuyến đê nói trên và nghe lãnh đạo Sở NNPTNT, lãnh đạo các địa phương và đơn vị liên quan báo cáo, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình biểu dương sự vào cuộc chủ động, khẩn trương, trách nhiệm của các địa phương, các lực lượng thường trực ứng phó với mưa lũ; đồng thời nhấn mạnh: Hiện nay, mưa lũ diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, vì vậy các địa phương trong tỉnh quán triệt nghiêm chỉ đạo của trung ương, của tỉnh tại các công điện, thực hiện khẩn trương, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là.
Trước những thông tin sai sự thật về tình hình tại một số tuyến đê bao, lãnh đạo tỉnh Thái Bình đề nghị người dân cần kiểm chứng thông tin và không đăng tải các nội dung sai sự thật gây hoang mang dư luận, mất an ninh trật tự ảnh hưởng tới công tác phòng, chống, khắc phục ảnh hưởng do mưa bão, lũ gây ra.
Cùng với đó, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thái Bình yêu cầu lực lượng chức năng khuyến cáo người dân kịp thời nắm bắt cập nhật thông tin liên quan đến tình hình mưa, lũ; cần tin tưởng và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh tại các công điện, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là.
Tối ngày 10/9, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thái Bình phát đi thông tin lũ khẩn cấp trên sông Trà Lý, tin lũ trên sông Hồng, sông Luộc tỉnh Thái Bình (21h00 ngày 10/9/2024). Cụ thể Diễn biến lũ trong 12h qua: Hiện nay hồ Hòa Bình duy trì mở 01 cửa xả, hồ Tuyên Quang duy trì mở 6 cửa xả. Mực nước trên các sông khu vực tỉnh Thái Bình đang lên chậm. Mực nước lúc 20h ngày 10/9 tại trạm Quyết Chiến (sông Trà Lý) là: 4,89m (cao hơn báo động III: 0,99m), trạm Thái Bình (sông Trà Lý): 3,49m (ở mức báo động III); tại trạm Tiến Đức (sông Hồng): 6,06m (cao hơn báo động II: 0,46m); tại trạm Triều Dương (sông Luộc): 5,85m (cao hơn báo động II: 0,45m). 2. Dự báo: Mực nước trên các sông ít thay đổi trong một vài giờ tới sau đó lên lại. Mực nước tại các trạm trên sông Trà Lý tiếp tục duy trì cao hơn báo động III trong đêm nay và ngày mai. Mực nước tại Quyết Chiến lúc 13h ngày 11/9 ở mức 5,35m (cao hơn báo động III: 1,45m); trạm Thái Bình ở mức 4,10m (cao hơn báo động III: 0,60m) Mực nước tại Tiến Đức, Triều Dương tiếp tục lên trên báo động II và có khả năng đạt báo động III vào sáng mai (11/9) sau đó biến đổi chậm. 3. Cảnh báo nguy cơ ngập lụt, khả năng xảy ra các thiên tai khác đi kèm: Nguy cơ rất cao xảy ra ngập lụt vùng trũng thấp bãi bồi ven sông Trà Lý, sông Hồng, sông Luộc tại các huyện Hưng Hà, Đông Hưng, Vũ Thư, Quỳnh Phụ, Kiến Xương, thành phố Thái Bình và sạt lở đất, đê kè xung yếu. 4. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ: Cấp 2-3. 5. Cảnh báo tác động của lũ: Lũ lên cao có thể gây ra tình trạng ngập lụt tại các vùng trũng thấp khu vực ven sông, bãi bồi ngoài đê chính; gây tràn, vỡ các đê bối ven sông ảnh hưởng tới các hoạt động giao thông đường thủy, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp dân sinh và các hoạt động kinh tế xã hội. Mực nước lũ cao nhiều ngày có thể làm sạt lở đê kè ảnh hưởng đến an toàn các tuyến đê sông.
|