Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương chứng kiến lễ ký kết một số dự án đầu tư vào tỉnh Bình Thuận, trong đó có một số nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai cho biết, lãnh đạo tỉnh luôn xác định doanh nghiệp là động lực quan trọng để phát triển kinh tế và luôn đồng hành, tháo gỡ khó khăn, tạo lập môi trường kinh doanh cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp vào Bình Thuận.
Ông Nguyễn Ngọc Hai nhấn mạnh, với bờ biển dài 192 km, Bình Thuận có nhiều bãi tắm đẹp, đồi cát trắng hoang sơ, khí hậu trong lành. Nhiều khu vực có cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn như Hàm Tiến - Mũi Né, Thuận Quý - Kê Gà, núi Tà Cú, Hàm Thuận - Đa Mi, Vĩnh Hảo - Cà Ná, Bàu Trắng, Thác Bà, Núi Ông. Bên cạnh đó, Bình Thuận còn có các điểm di tích văn hóa, lịch sử nổi tiếng như tháp Chăm Pôshainư, chùa núi Tà Cú, dinh Thầy Thím, chùa Hang...
Thủ tướng tham quan mô hình nuôi tôm giống của Tập đoàn Việt - Úc |
Với các lợi thế trên, Bình Thuận kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào 3 lĩnh vực: Phát triển du lịch xanh, bền vững; năng lượng tái tạo và nông nghiệp công nghệ cao. Đây là 3 trụ cột quan trọng để phát triển bền vững, tiến tới hình thành 3 trung tâm mang tầm quốc gia gồm trung tâm du lịch - thể thao biển; trung tâm năng lượng và trung tâm chế biến sâu khoáng sản titan.
Hiện, Bình Thuận có 1.281 dự án được chấp thuận đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư hơn 233.675 tỷ đồng. Trong đó, du lịch hiện thu hút nhiều dự án nhất với 381 dự án, vốn đầu tư gần 52.400 tỷ đồng, công nghiệp 311 dự án với vốn đầu tư gần 164.700 tỷ đồng. Số còn lại tập trung đầu tư vào các lĩnh vực xăng dầu 168 dự án; nông - lâm sản 163 dự án; dịch vụ 152 dự án; thủy sản 60 dự án, dịch vụ du lịch 35 dự án và khu dân cư 11 dự án.
Theo Danh mục kêu gọi đầu tư từ nay đến năm 2030, Bình Thuận đang kêu gọi đầu tư vào 9 dự án trong lĩnh vực du lịch - dịch vụ - hạ tầng; 31 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp và 7 dự án khác trong lĩnh vực nông - lâm - thủy sản.
Tại Hội nghị, 20 nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đã ký kết ghi nhớ với UBND tỉnh Bình Thuận để đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, điện gió, chế biến nông sản, chăn nuôi… Để các dự án kêu gọi đầu tư sớm trở thành hiện thực, nhiều doanh nghiệp cho rằng, Bình Thuận cần thông thoáng hơn trong lĩnh vực cải cách hành chính, cần được trợ vốn và bảo đảm quyền lợi cho doanh nghiệp khi đầu tư và nêu lên những bất cập cần phải tháo gỡ.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Bình Thuận là mảnh đất “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, có nhiều lợi thế mà nơi khác không có được. Thủ tướng nhất trí với định hướng thu hút đầu tư theo hướng xây dựng, phát triển Bình Thuận xanh, sạch, vì sức khỏe con người, quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư, nhà nước, người dân. Bình Thuận cần có tư duy đổi mới, cách làm mới để tiếp tục phát huy vốn đầu tư trong nước và quốc tế. Nâng cao chất lượng quy hoạch như quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch các sản phẩm thế mạnh là điều kiện để phát triển bền vững.
Bên lề Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã cùng lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao Quyết định Chủ trương đầu tư cho một số doanh nghiệp đầu tư các dự án gồm: Nhà máy Điện gió Hòa Thắng 1; Nhà máy Điện mặt trời Hòa Phong 1 và 2; Trung tâm dịch vụ du lịch hàm Tiến - Mũi Né; Khu Phức hợp nông nghiệp công nghệ cao chăn nuôi bò và các sản phẩm từ sữa. |
Thủ tướng lưu ý, cần quán triệt chủ trương xã hội hóa nguồn lực, nhất là huy động nguồn lực để phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, chất lượng. Thủ tướng cũng đề nghị các tổ chức tài chính cùng các nhà đầu tư nghiên cứu đầu tư vào hạ tầng, chứ không chỉ đầu tư sản xuất.
Bình Thuận cần có cơ chế, chính sách cụ thể tập trung thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn có uy tín, tiềm lực tài chính để đầu tư vào các lĩnh vực thế mạnh của Bình Thuận như du lịch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp chất lượng cao, kinh tế biển, công nghệ chế biến...
Bình Thuận cũng cần quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, xây dựng chính quyền đối thoại, lắng nghe để xử lý các vướng mắc, khó khăn của nhà đầu tư, người dân. Bảo đảm an ninh, trật tự an toàn cho nhà đầu tư, du khách, để mọi người tới đây an tâm. Không chỉ thu hút doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, Bình Thuận cần khuyến khích tinh thần khởi nghiệp ở địa phương.
Thủ tướng với trái thanh long ruột đỏ - đặc sản của tỉnh Bình Thuận |
Với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, Thủ tướng đề nghị có chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững ở Bình Thuận. Gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường.
Tại hội nghị, với sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Bình Thuận đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 14 dự án với tổng vốn đầu tư 43.000 tỷ đồng và ký thỏa thuận ghi nhớ đăng ký đầu tư cho 20 dự án với tổng vốn đăng ký trên 83.000 tỷ đồng trên nhiều lĩnh vực như nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp và thương mại, tổ hợp du lịch và phát triển năng lượng sạch…
TIN LIÊN QUAN | |