Kết nối DN nhỏ về công nghiệp hỗ trợ với các tập đoàn nước ngoài
5 tháng đầu năm, vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm chỉ bằng 78% so với cùng kỳ năm trước. Theo ông, đâu là nguyên nhân?
Có nhiều nguyên nhân khiến thu hút FDI vào Việt Nam giảm. Trong đó, theo tôi có 3 nguyên nhân chính sau. Thứ nhất, trước đây Việt Nam vẫn được nhà đầu tư nước ngoài biết đến là một quốc gia có lợi thế về lao động dồi dào và chi phí nhân công thấp. Nhưng hiện nay lợi thế này đã không còn.
Thứ ba, thu hút FDI giảm là do môi trường đầu tư Việt Nam chưa thực sự hấp thụ được những dự án FDI có chất lượng, có hàm lượng gia tăng cao do công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, khiến nhà đầu tư nước ngoài không mạnh dạn nâng cấp sản xuất tại Việt Nam.Thứ hai, sau một thời gian “dễ dãi” trong lựa chọn đầu tư, các địa phương cũng đã bắt đầu chú ý đến sàng lọc nhà đầu tư, sàng lọc dự án, nhằm hạn chế những dự án trên giấy tờ, dự án sử dụng nhiều lao động, sử dụng nhiều đất đai, ô nhiễm môi trường.
TS. Nguyễn Đình Cung- Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư |
FDI đầu tư tại Việt Nam tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với hơn 70% tổng vốn đăng ký. Nhiều ý kiến cho rằng nếu cứ như vậy, Việt Nam sẽ trở thành công xưởng lắp ráp của thế giới. Quan điểm của ông về điều này như thế nào?
Tôi thì không nghĩ vốn FDI tập trung nhiều vào lĩnh vực công nghiệp chế biến là xấu. Tôi cũng không lo ngại Việt Nam trở thành công xưởng lắp ráp của thế giới, vì nếu trở thành công xưởng lắp ráp sẽ giúp Việt Nam phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, đào tạo ra đội ngũ công nhân có trình độ cao. Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo cũng giúp Việt Nam tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn.
Tuy nhiên, để không ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, trong quá trình thu hút đầu tư, các địa phương cũng nên chủ động lựa chọn, sàng lọc dự án để thu hút được những dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.
Công nghiệp hỗ trợ vẫn là một “điểm yếu” của Việt Nam hiện nay. Theo ông, để phát triển ngành công nghiệp này, chúng ta cần những giải pháp gì?
Công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển không phải chúng ta không có khả năng phát triển mà do chúng ta thiếu một cơ chế rõ ràng, nên chưa tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực này.
Thời gian tới, để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, nhà nước cần có chính sách phát triển ổn định, đi kèm với đó là cơ chế minh bạch, thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia. Cụ thể, cần tổ chức các hoạt động kết nối doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ với những tập đoàn lớn đang đầu tư tại Việt Nam, giúp hai bên có thể hiểu được nhu cầu và những khó khăn của nhau, từ đó có những hỗ trợ kịp thời.
Thu hút FDI thời gian tới nên theo hướng nào, thưa ông?
Theo tôi, thu hút FDI thời gian tới nên chú ý đến chất lượng hơn là chạy theo số lượng. Vì nếu chúng ta cứ thu hút FDI bằng mọi giá thì các dự án FDI quá nhiều, vô tình lấn át đầu tư trong nước. FDI vào Việt Nam giảm đi cũng là một cách để chúng ta chú ý đến khu vực tư nhân trong nước nhiều hơn, có những cải cách phù hợp, tạo điều kiện cho khu vực này phát triển.
Xin cảm ơn ông!
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: 5 tháng đầu năm Việt Nam thu hút được 4,29 tỷ USD vốn FDI, bằng 78% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút được 3,15 tỷ USD, chiếm 73,4% tổng vốn đăng ký. |