Tháng 11 thu hút vốn FDI chỉ đạt 512 triệu USD thông qua 74 dự án đăng ký mới được cấp phép đầu tư. So với tháng 10, kết quả này giảm gần 100 triệu USD
CôngThương - Thông tin này do Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra. Như vậy, những mong đợi về sự tăng cao đột biến trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong những tháng cuối năm để đạt mục tiêu từ 22 tỷ đến 25 tỷ USD đang ngày càng xa vời.
Bởi lẽ, 11 tháng qua, tính cả vốn đầu FDI đăng ký cấp mới và những doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tăng thêm vốn chỉ đạt được hơn 13,3 tỷ USD.
Để đạt được mục tiêu đề ra, trong tháng còn lại của năm nay, cả nước cần phải thu hút ít nhất là khoảng 10 tỷ USD. Trong khi đó, các địa phương cho rằng, trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay không có nhiều dự án với quy mô vốn lớn hàng tỷ USD để được cấp phép trong năm nay, nhất là các dự án về bất động sản vốn chiếm phần lớn lượng vốn đầu tư của khu vực FDI trước đây bởi lĩnh vực này cũng đang gặp khó khăn cho việc kinh doanh.
Trong số 53 đối tác đầu tư vào Việt Nam trong năm nay, Hà Lan đứng vị trí thứ nhất về số vốn đăng ký với 2,32 tỷ USD. Hàn Quốc về vị trí thứ hai là 2,28 tỷ USD và Hoa Kỳ là 1,92 tỷ USD. Về địa phương thu hút đầu tư, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với 2,47 tỷ USD, tiếp tục dẫn đầu trong thu hút đầu tư vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tiếp theo là Quảng Ninh 2,2 tỷ USD...
Mặc dù, thu hút nguồn FDI mới đang bị giảm nhiều, nhưng tình hình giải ngân của các doanh nghiệp thuộc khu vực vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn ở trên đà tăng trưởng. Cụ thể trong tháng 11, đã có 950 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được giải ngân, nâng tổng số vốn giải ngân từ đầu năm đến nay đạt 9,95 tỷ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
VOV