Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh, năm 2022 là năm đặc biệt của ngành nông nghiệp khi toàn ngành gặp khó khăn do dịch bệnh, chuỗi cung ứng trong nước và nước ngoài đứt gãy. Tuy nhiên, Bộ Công Thương đã vào cuộc, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn duy trì chuỗi cung ứng nông sản.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam |
Thứ trưởng Trần Thanh Nam chỉ rõ, ngay từ đầu nhiệm kỳ, 2 bộ đã ký bản ghi nhớ với 8 nội dung phối hợp. Năm vừa qua, hai Bộ đã có nhiều chương trình phối hợp chặt chẽ để thực hiện bản ghi nhớ này.
Đơn cử, khi nông sản ùn tắc tại một số cửa khẩu, Bộ Công Thương đã tham mưu Chính phủ và đích thân các lãnh đạo Bộ, trong đó Bộ trưởng Bộ Công Thương đã nhiều lần lên biên giới để cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giải quyết vấn đề ùn tắc nông sản.
“Năm 2022, ngành nông nghiệp tăng trưởng trên 3%; kim ngạch xuất khẩu đạt 54 tỷ USD, thặng dư 10 tỷ USD. Kết quả này có sự hỗ trợ của các tham tán thương vụ các thị trường nước ngoài nói riêng và Bộ Công Thương trong tháo gỡ khó khăn, giúp ngành nông nghiệp đạt mục tiêu tăng trưởng” – Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
Năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ rõ, những khó khăn về thị trường sẽ vẫn còn tồn tại. Để giải quyết khó khăn về chuỗi cung ứng toàn cầu, 2 bộ cần phối hợp để tiếp tục tháo gỡ khó khăn. Đồng thời, phối hợp với các tham tán thương mại để tìm ra giải pháp hài hòa lợi ích các sản phẩm ở cả xuất khẩu xuất và nhập khẩu. Thời gian qua, ở 1 só thị trường, ta đã làm tốt việc cân bằng cán cân thương mại, nhưng một số thị trường khác thì chưa thực sự tốt.
Bên cạnh đó, hiện nay, để giảm bớt chi phí sản xuất thì giảm bớt chi phí logistics là vấn đề quan trọng. Thời gian qua, đã có nhiều trung tâm logistics các vùng, trung tâm được xây dựng. Bộ Công Thương cần nỗ lực quan tâm phối hợp giải quyết vấn đề chi phí logistics ngành nông sản để giảm chi phí cho hàng hóa.
Thêm nữa, cần tăng cường công tác an ninh an toàn thực phẩm, đặc biệt ở chợ đầu mối để lan tỏa ra các chợ nông thôn.
Đặc biệt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày càng thấm nhuần sự quan trọng của thương hiệu nông sản. Do đó, Bộ đã trình Bộ Công Thương về đề án thương hiệu quốc gia nhằm phối hợp đẩy mạnh xây dựng thương hiệu quốc gia cho ngành nông sản. Bộ cũng mong muốn Bộ Công Thương phối hợp để nâng cao năng lực cơ giới hóa ngành nông nghiệp.