Khơi dậy, truyền cảm hứng và khát vọng sáng tạo
Lễ chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5 với chủ đề “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - động lực phát triển bền vững”.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam |
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, trong 10 năm qua kể từ khi Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 được thông qua, Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã thực sự trở thành ngày hội của lực lượng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cả nước.
Nhiều hoạt động chào mừng đã được các bộ, ngành, địa phương; các viện nghiên cứu, trường đại học tổ chức rộng khắp trên phạm vi toàn quốc như các Lễ trao giải thưởng; các triển lãm về các kết quả nghiên cứu khoa học, sáng kiến hữu ích; mở cửa các phòng thí nghiệm, cơ sở nghiên cứu cho học sinh, sinh viên và người dân tham quan, tìm hiểu về hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ.
Nhiều cơ quan thông tấn, báo chí đã đăng tải các phóng sự, phim tài liệu giới thiệu các thành tựu khoa học và công nghệ thông qua các hình thức viết tin, bài trên các báo, trang thông tin điện tử, nền tảng số và mạng xã hội.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm gian hàng giới thiệu sản phẩm khoa học công nghệ tại sự kiện |
Bên cạnh đó, nhiều phong trào thi đua nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật của cán bộ nghiên cứu, học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân; phong trào nâng cao năng suất, chất lượng tại các doanh nghiệp được tổ chức rộng rãi, thu hút được sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo nhân dân.
Có thể nói, các hoạt động phong phú, thiết thực chào mừng Ngày Khoa học và công nghệ Việt Nam trong 10 năm qua đã khơi dậy, truyền cảm hứng và khát vọng sáng tạo trong cộng đồng; dần hình thành văn hóa đổi mới sáng tạo và nuôi dưỡng tình yêu khoa học trong giới trẻ, góp phần kiến tạo một xã hội tôn trọng khoa học và tư duy sáng tạo.
Lễ chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam |
Lễ kỷ niệm chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam lần thứ 10 càng có ý nghĩa hơn khi năm nay, ngành khoa học và công nghệ kỷ niệm tròn 60 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội lần thứ nhất Hội Phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam. Trong đó Người đã nhấn mạnh nhiệm vụ của khoa học và công nghệ là phải cải tiến lề lối sản xuất, nâng cao năng suất lao động.
“Lời dạy của Người cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị, thể hiện tầm nhìn chiến lược sâu rộng, tư tưởng lớn đối với định hướng phát triển lâu dài của nền khoa học và công nghệ nước nhà và đã được khẳng định trong các nghị quyết của Đảng” - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh.
Gần đây nhất, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định, chúng ta phải “đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế…”.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu |
Để làm được điều đó, cần có sự quyết tâm và nỗ lực lớn hơn nữa của lực lượng khoa học và công nghệ. Bên cạnh đó, rất cần có sự quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện của lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương cũng như sự chung tay của toàn xã hội để những người làm khoa học kiên trì theo đuổi giấc mơ lớn và niềm đam mê, vượt lên khó khăn, thách thức tạo ra nhiều thành quả thiết thực, mang lại lợi ích cho đất nước, người dân và xã hội, đóng góp cho kho tàng tri thức của nhân loại.
Tạo điều kiện tốt hơn cho hoạt động nghiên cứu khoa học
Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, với vai trò quản lý nhà nước của mình, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các cơ chế, chính sách tạo môi trường và điều kiện tốt hơn nữa cho hoạt động nghiên cứu khoa học; phát triển và ứng dụng công nghệ đồng bộ với hoạt động đổi mới sáng tạo.
Phát biểu tại buổi lễ, TS. Phan Đăng Phong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí bày tỏ lòng cảm ơn Lãnh đạo Chính phủ, Bộ KHCN, Bộ Công Thương đã có những chính sách đúng đắn, thiết thực, giúp thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đồng thời, hy vọng trong thời gian tới, các chính sách đối với khoa học và công nghệ ngày càng hoàn thiện để Việt Nam ngày càng có nhiều doanh nghiệp khoa học và công nghệ sở hữu các công nghệ nền, có thể tự lực, tự cường trong công tác thiết kế, chế tạo các dây chuyền thiết bị toàn bộ cho các ngành công nghiệp trong nước nói riêng và công nghiệp nước nhà nói chung.
TS. Phan Đăng Phong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí phát biểu |
“Chỉ khi đó ngành cơ khí Việt Nam và nền khoa học và công nghệ nước nhà mới có thể vươn tới tầm châu lục và quốc tế, tạo ra nhiều sản phẩm thiết thực để xây dựng nước Việt Nam hùng cường, cộng đồng các nhà khoa học yên tâm cống hiến cho sự nghiệp khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo động lực cho sự phát triển bền vững trong thời gian tới” - TS. Phan Đăng Phong cho hay.
Ông Nguyễn Đức Tài - Đồng sáng lập và giám đốc điều hành Công ty cổ phần Lumi Việt Nam chia sẻ, chúng tôi nhận ra rằng con người là tài sản, là vốn quan trọng nhất của doanh nghiệp. Tuy nhiên, giữa kiến thức và thực tế luôn có 1 khoảng cách lớn, làm sao các em sinh viên ra trường có thể làm việc được ngay. Sứ mệnh gắn với Lumi là hỗ trợ phát triển và đào tạo ra hàng vạn kỹ sư góp phần phát triển khoa học đất nước.
“Thực hiện điều này, trong những năm vừa qua Lumi đã hợp tác và tài trợ phòng Lab, chuyển giao toàn bộ giáo trình đào tạo IoT cho 12 trường đại học: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên, Đại học Sao Đỏ, Đại học Hồng Đức, Đại học Cần Thơ… với hy vọng 1 ngày không xa, Việt Nam sẽ có nhiều doanh nghiệp IoT, 4.0 và sản phẩm Make in Việt Nam hiện diện ở nhiều quốc gia trên thế giới” - ông Nguyễn Đức Tài bày tỏ.