Tại tuyến đường Hoàng Hoa Thám thuộc địa phận giáp ranh giữa hai phường Vĩnh Ninh và Phú Nhuận (TP. Huế) nhiều hàng quán đấu nối đèn điện, lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh buôn bán.
Không chỉ lấn chiếm vỉa hè để buôn bán, nhiều hàng quán còn đưa bàn ghế ra lòng đường |
Ghi nhận của PV Vuasanca vào tối 17/4, tình trạng lấn chiếm vỉa hè của các hộ dân buôn bán ở khu vực này rất phức tạp. Qua quan sát, dù với diện tích chật chội nhưng khu vực này được sắp xếp với trên 20 lô hàng kinh doanh các mặt hàng ăn uống như cá viên chiên, chè, ốc các loại, bún bò Huế, trà sữa…. Thời gian hoạt động từ 20h-24h, thậm chí có lúc đến 2-3 giờ sáng.
Tuyến đường Hoàng Hoa Thám nằm sát khách sạn Sài Gòn Morin, đường Lê Lợi, phố đi bộ, cầu Trường Tiền nên đây là điểm giao của nhiều tuyến đường lớn thu hút rất đông khách hàng đến ăn uống. Nhiều lúc đông khách, đoạn đường Hoàng Hoa Thám bị ùn ứ gây mất an toàn giao thông, rác thải từ các hàng quán gây mất vệ sinh môi trường. Đặc biệt, nhiều hàng quán còn đặt luôn bàn ghế dưới lòng đường để phục vụ khách hàng.
Chứng kiến tình trạng này, nhiều người dân lưu thông qua con đường Hoàng Hoa Thám không khỏi bức xúc. Anh Phạm Văn Sĩ - tài xế xe dịch vụ đưa đón khách tại TP. Huế chia sẻ: Thời điểm này du lịch Huế đang khởi sắc trở lại, nhiều khách du lịch đến tham quan. Đường Hoàng Hoa Thám là một trong những tuyến đường quan trọng nối liền những điểm nổi tiếng ở Huế. Tuy nhiên, thời gian gần đây, khi đưa đón khách qua đường Hoàng Hoa Thám vào khoảng 21-23 giờ thường bị ùn tắc do người dân tập trung ăn uống, mua bán ngay dưới lòng đường gây mất an toàn giao thông.
“Trước đây, đường Hoàng Hoa Thám rất yên tĩnh, tuy nhiên từ khi tuyến đường này mọc lên những hàng quán trái phép gây mất an ninh trật tự và an toàn giao thông. Thậm chí đến 2 giờ sáng vẫn còn chạy xe nẹt pô, rú ga liên tục rất ồn ào…”, chị N.M quản lý một khách sạn gần đường Hoàng Hoa Thám chia sẻ.
Các hàng quán tự phát mọc lên không theo quy hoạch, buôn bán tràn lan, không chỉ ảnh hưởng đến an toàn giao thông mà còn gây ô nhiễm môi trường, mất mĩ quan đô thị. Dù biết những tác động tiêu cực đó nhưng thời gian qua, phường Vĩnh Ninh (TP. Huế) đã triển khai nhiều giải pháp để dẹp các chợ tạm, nhưng rồi cũng như “bắt cóc bỏ đĩa”.
Ông Nguyễn Anh Tài - Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Ninh - cho biết: Đặc thù của phường Vĩnh Ninh là một phường đô thị, do đó tình trạng buôn bán hàng rong diễn ra khá phức tạp. Ngoài những khu vực nóng như Bệnh viện Trung ương Huế, chợ Bến Ngự, nay lại xuất hiện thêm tình trạng bán hàng đêm tại đường Hoàng Hoa Thám, Trương Định. Đây là khu vực kết hợp giữa 2 phường, Vĩnh Ninh và Phú Nhuận.
Ông Nguyễn Anh Tài - Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Ninh, TP. Huế |
Theo ông Tài, khoảng một tháng vừa qua, Công an TP. Huế, Đội Quản lý đô thị thành phố và hai phường đã tổ chức lực lượng xử lý chốt chặn từ 20h-23h tại khu vực này, về cơ bản đã giải quyết. Tuy nhiên thời gian vừa qua, do tập trung giải quyết tình trạng lấn chiếm vỉa hè khu vực Bệnh viện Trung ương Huế nên lực lượng có giảm, một số nhân sự rút về chốt tại bệnh viện nên khu vực này xuất hiện tái lấn chiếm.
“Trong thời gian tới, UBND phường sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch, đề nghị Công an thành phố, Đội Quản lý đô thị cùng phối hợp với phường Phú Nhuận xử lý chốt chặn khu vực này nhằm giải quyết dứt điểm chợ đêm ở đây”, ông Tài nhấn mạnh.
Rác thải từ các hàng quán gây mất vệ sinh môi trường |
Trong khi đó, ông Nguyễn Long Vượng - Chủ tịch UBND phường Phú Nhuận - cho biết: Chợ đêm tự phát không phải bây giờ mà trước đây cũng đã tồn tại, phường đã biết từ lâu. Đặc biệt thời gian gần đây sau một thời gian ra quân giữa năm 2020 đến nay, UBND phường đã phối hợp với Đội Quản lý đô thị thành phố, Công an thành phố thường xuyên quán triệt ra quân lập lại trật tự ở tuyến đường này.
Tuy nhiên theo ông Vượng, đây là một vấn đề lớn của thành phố, mong lãnh đạo thành phố sắp xếp vị trí phù hợp để đưa những hộ dân này về một khu tập trung cho họ tiếp tục kinh doanh buôn bán.
Ông Nguyễn Long Vượng – Chủ tịch UBND phường Phú Nhuận |
Lãnh đạo phường Phú Nhuận cũng thẳng thắn chia sẻ: Các hàng quán này chủ yếu là phục vụ cho các khách du lịch đi chơi khuya từ 23 - 24h đến 2 - 3h sáng. Trong khi đó, lực lượng của phường không đủ để đảm bảo tập trung xử lý dứt điểm trong thời gian dài. Hiện nay phường chủ yếu tập trung đẩy đuổi các trường hợp lấn chiếm vỉa hè. Tuy nhiên những hộ dân bán hàng ở đây chủ yếu dùng xe đẩy nên rất khó xử lý.
Trao đổi với PV Vuasanca , ông Lê Văn Phiệt - Đội trưởng Đội Quản lý đô thị TP. Huế - cho biết: Hiện nay, trên địa bàn thành phố không chỉ đoạn đường Hoàng Hoa Thám mà nhiều nơi thuộc sự quản lý của các phường về trực tự đô thị. Nếu phát hiện vấn đề các hộ dân lấn chiếm đường phố để buôn bán, nhất là vào thời điểm ban đêm, cản trở giao thông gây mất trực tự thì địa phương phải làm tờ trình xin ý kiến của lãnh đạo thành phố xin lực lượng phối hợp, trong đó có lực lượng quản lý đô thị, công an thành phố để phối hợp thực hiện.
“Đội Quản lý đô thị thành phố cũng đã nhiều lần xử lý các trường hợp vi phạm tại tuyến đường Hoàng Hoa Thám, tuy nhiên lần này lặp lại, chắc chắn chúng tôi sẽ đề nghị hai phường xây dựng kế hoạch để phối hợp xử lý dứt điểm trả lại lòng đường và trật tự tại đường Hoàng Hoa Thám và các khu vực lân cận”, ông Phiệt nhấn mạnh.
Luật sư Phạm Ngọc Hải (Đoàn luật sư TP. Đà Nẵng) cho biết: Theo quy định tại Điều 35, Điều 36 Luật Giao thông đường bộ 2008 thì lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông, nghiêm cấm các hành vi họp chợ, mua, bán hàng hóa trên đường bộ. Hành vi họp chợ, mua bán hàng hóa trên đường bộ sẽ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính tùy thuộc vào từng nhóm hành vi cũng như tuyến đường khác nhau. Đối với đoạn đường đô thị, hè phố thì mức xử phạt hành chính được áp dụng theo Điểm b Khoản 5 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP là phạt tiền từ 2.000.000 - 3.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 - 6.000.000 đồng đối với tổ chức nếu có hành vi: Sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để: Họp chợ; kinh doanh dịch vụ ăn uống; bày, bán hàng hóa; sửa chữa phương tiện, máy móc, thiết bị; rửa xe; đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo; xây, đặt bục bệ; làm mái che hoặc thực hiện các hoạt động khác gây cản trở giao thông. |
Một số hình ảnh PV ghi lại tại tuyến đường Hoàng Hoa Thám
Do tận dụng cả lòng đường để buôn bán nên mỗi lần có xe ô tô đi qua giao thông ở tuyến đường Hoàng Hoa Thám bị ùn tắc |
Hơn 20 hàng quán lấn chiếm vỉa hè tại tuyến đường Hoàng Hoa Thám |
Nhiều hàng quán còn ngang nhiên đưa bàn ghế xuống lòng đường để phục phụ khách |