CôngThương - Sáng 25/6, tại TPHCM, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh dự phiên khai mạc "Diễn đàn thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các ngân hàng châu Phi và các nước ASEAN trong khối Pháp ngữ".
Những năm qua, trao đổi thương mại giữa các nước ASEAN và các nước châu Phi khối Pháp ngữ đã có những bước tiến quan trọng, trong đó, trao đổi thương mại Việt Nam-châu Phi năm 2013 đạt mức 4,29 tỷ USD, tăng trên 22% so với năm 2012. Tuy nhiên con số này chưa thực sự tương xứng với tiềm năng phát triển vốn có, đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa của các quốc gia cũng như của các ngân hàng, doanh nghiệp trong khối.
Hoàn thiện khuôn khổ hợp tác - vấn đề quan trọng
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết tăng trưởng xuất khẩu Việt Nam sang châu Phi và ngược lại đều tăng ở mức 30-40%/năm. Tuy nhiên, cản trở lớn nhất hiện nay đối với phát triển thương mại Việt Nam-châu Phi là khâu thanh toán. Các ngân hàng châu Phi chưa tiếp cận với phương thức thanh toán hiện đại (như đặt cọc hay trả chậm) nên khi thực hiện thanh toán như hiện nay sẽ dễ gặp rủi ro, còn nếu thông qua các ngân hàng quốc tế thì chi phí cao.
Ngoài ra, chi phí vận tải lớn, sự thiếu hụt thông tin và nỗ lực của các tổ chức xúc tiến thương mại giữa hai bên còn hạn chế đã ảnh hưởng tới sự phát triển thương mại giữa hai khu vực.
Từ đó, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng cần hoàn thiện khuôn khổ hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ các nước châu Phi, hoạt động của Ủy ban liên Chính phủ cũng cần phải mở rộng hoạt động tại các nước châu Phi.
Ông Sylvere Bankimbaga, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ các Ngân hàng và Tổ chức tín dụng châu Phi, cho biết sáng kiến hợp tác thúc đẩy thương mại 2 khu vực Nam-Nam đã được xúc tiến từ 3 năm trước đây. Mới đây, việc cấp “Giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông di động” của Tập đoàn Viettel tại Cộng hòa Burundi là điển hình tích cực mà Câu lạc bộ có được trong quá trình trao đổi thông tin giữa hai bên.
Sự có mặt của đông đảo các ngân hàng, doanh nghiệp tại Diễn đàn này đã thể hiện cam kết phát triển hơn nữa mối quan hệ hợp tác lâu dài, cũng như thiết lập mối quan hệ trực tiếp giữa các ngân hàng nhằm hỗ trợ trao đổi thương mại giữa hai khối, góp phần tăng cường và thúc đẩy quan hệ hợp tác Nam-Nam trong không gian kinh tế Pháp ngữ.
Diễn đàn thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các ngân hàng châu Phi và các nước ASEAN trong khối Pháp ngữ do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Câu lạc bộ các Ngân hàng châu Phi và Tổ chức quốc tế Pháp ngữ phối hợp tổ chức. |
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết với Việt Nam, những thành quả của phát triển kinh tế thời gian qua và việc ký kết những hiệp định thương mại tự do với các khu vực phát triển trong tương lai gần sẽ trở thành một mắt xích quan trọng trong mạng lưới liên kết kinh tế rộng lớn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng như đóng vai trò cầu nối đến Cộng đồng Kinh tế ASEAN thống nhất được hình thành vào năm 2015.
Việt Nam sẽ tạo điều kiện thúc đẩy các hoạt động hợp tác phát triển
Là thành viên tích cực, xây dựng và có trách nhiệm của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ, Việt Nam luôn cam kết ủng hộ chủ trương xây dựng Chiến lược kinh tế Pháp ngữ trong khuôn khổ hợp tác kinh tế của một không gian Pháp ngữ năng động, đồng thời phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn mối quan hệ hợp tác với các thành viên của khối nói chung, cũng như các nước bạn bè châu Phi, ASEAN truyền thống nói riêng.
Hiện Việt Nam có quan hệ thương mại với trên 220 quốc gia và vùng lãnh thổ với kim ngạch trên 155 tỷ USD, tăng bình quân gần 20%/năm trong suốt 20 năm qua. Tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hiện đạt 192 tỷ USD với hơn 12.000 dự án.
Mặc dù bối cảnh kinh tế thế giới biến động phức tạp, năm 2013, tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn đạt mức 5,4% và dự kiến khoảng 5,8% trong năm 2014; xuất khẩu tăng 20% trong 3 năm liên tiếp; lạm phát được kiềm chế, kinh tế vĩ mô chuyển biến tích cực; tài chính, tiền tệ ổn định thông qua việc điều chỉnh chính sách linh hoạt, thận trọng.
Việt Nam đang nỗ lực thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững với 3 trọng tâm là: Tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu tài chính-ngân hàng và tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước.
Trong dài hạn, Việt Nam sẽ đẩy mạnh hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm mang lại diện mạo và động lực mới cho sự phát triển của Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ tạo điều kiện thúc đẩy các hoạt động hợp tác phát triển với các nước châu Phi nói chung và các nước châu Phi nói tiếng Pháp nói riêng, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp hai khối, khuyến khích các ngân hàng đi tới ký kết các thoả thuận hợp tác lẫn nhau.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh hy vọng Diễn đàn sẽ mở một trang mới cho sự hợp tác, tạo dựng niềm tin sẽ mở ra cho các ngân hàng, doanh nghiệp hai khối trong việc thúc đẩy trao đổi thương mại và đầu tư.
Theo Chính Phủ.Vn