Thúc đẩy liên kết khoa học công nghệ và thương mại hóa sản phẩm |
Để giải bài toán nhân lực cho ngành công nghiệp ôtô, cần thúc đẩy liên kết đào tạo cũng như có các chính sách hỗ trợ thiết thực từ nhà nước đối với vấn đề này.
Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), tính đến hết năm 2020, ngành công nghiệp ôtô Việt Nam có khoảng trên 40 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, lắp ráp xe ôtô; tổng công suất lắp ráp thiết kế khoảng 755 nghìn xe/năm. Trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 35%, doanh nghiệp trong nước chiếm khoảng 65%. Với tốc độ phát triển của ngành công nghiệp ôtô hiện nay, nhu cầu tuyển dụng nhân sự của các doanh nghiệp rất lớn. Riêng các doanh nghiệp ôtô lớn của Việt Nam như: VinFast, Trường Hải cũng đẩy mạnh kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất nên nhu cầu nhân lực ngành kỹ thuật ôtô được dự báo sẽ tăng lên.
Đào tạo gắn với thực tế giúp sinh viên ra trường có khả năng thích ứng cao |
Nắm bắt nhu cầu nguồn nhân lực của doanh nghiệp, nhiều cơ sở đào tạo đã tập trung nguồn lực để đào tạo nhân lực trong lĩnh vực này. Tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã mở ngành công nghệ kỹ thuật cơ điện tử ôtô. Với tổng số hơn 30 phòng thực hành thí nghiệm, cơ sở vật chất trang thiết bị thí nghiệm được đầu tư đồng bộ tiếp cận với những công nghệ mới của ngành cùng đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn vững vàng, nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy... Sau khi tốt nghiệp ra trường, sinh viên có thể làm việc tại các doanh nghiệp hàng đầu về ôtô tại Việt Nam như: Toyota, Thaco, VinFast, Ford Việt Nam, Honda Việt Nam, Huyndai-Kefico…
Đại diện Khoa Công nghệ ôtô, Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết, để đáp ứng được đòi hỏi của doanh nghiệp, khoa xác định mục tiêu đưa người học làm chủ công nghệ kỹ thuật cơ điện tử trên ôtô theo đà phát triển khoa học, kỹ thuật thời đại mới, thích ứng nhanh và đảm trách tốt mọi công tác quản lý - điều hành, xử lý - ứng dụng, hội nhập.
Còn tại Trường Đại học Sao Đỏ, nhà trường cũng đã tăng cường đầu tư trang thiết bị tiên tiến, hiện đại để trang bị các kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về cơ khí ôtô, máy động lực, hệ thống truyền động, truyền lực, hệ thống điều khiển,… cho sinh viên. Qua đó, sinh viên có khả năng áp dụng những nguyên lý kỹ thuật cơ bản, kỹ năng thực hành cao trên những ôtô đời mới của các hãng xe hiện nay như: Toyota Altis, Toyota Camry, Lexus, Ford Everest…
“Đào tạo “lý thuyết gắn với thực tế” nên trên 95% sinh viên của khoa đã có việc làm ổn định tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ và doanh nghiệp ôtô như: Toyota, Hyundai, Ford, Thaco, Mitsubishi, Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới,… với mức thu nhập cao và ổn định, nhiều cựu sinh viên đang giữ vai trò chủ chốt là những kỹ sư vận hành, giám sát sản xuất, kiểm định viên, cố vấn dịch vụ…” - TS. Nguyễn Đình Cương - Trưởng Khoa Ôtô, Trường Đại học Sao Đỏ, cho hay.
Đánh giá cao chất lượng đào tạo, kỹ năng và khả năng thích ứng của sinh viên, bà Đỗ Thu Hoàng - Phó Tổng giám đốc Công ty Ôtô Toyota Việt Nam - khẳng định, Khoa Ôtô – Trường Đại học Sao Đỏ là cơ sở có truyền thống đào tạo chất lượng cao, được các cơ quan, doanh nghiệp khẳng định về chất lượng nguồn nhân lực sau đào tạo và được Công ty Toyota Việt Nam lựa chọn là cơ sở thứ 7 thực hiện chương trình hỗ trợ đào tạo kỹ thuật Toyota (T-TEP).
Tuy nhiên, theo đánh giá của doanh nghiệp ôtô, dù nhiều cơ sở đào tạo khá nhiều, song chất lượng chưa đồng đều và đào tạo còn mang tính thực nghiệm nên sinh viên không được thực hành và tiếp cận thực tế. Điều đó khiến nhiều sinh viên khi ra trường còn bỡ ngỡ và các doanh nghiệp phải mất chi phí đào tạo lại sau đó.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương- Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - cho hay, hiện các doanh nghiệp rất khó tuyển dụng lao động chất lượng cao trong ngành công nghiệp do đây là ngành khắc nghiệt khi đòi hỏi trình độ, kiến thức cao. Ngoài ra, các trường năng lực đào tạo chưa bắp kịp với chuẩn quốc tế, các thiết bị đào tạo còn hạn chế, nên các doanh nghiệp đều phải đào tạo lại. “Do vậy, để thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2030 trong đó có ngành ôtô, trước hết cần có những chính sách hỗ trợ thiết thực về đào tạo nguồn nhân lực”- bà Hương nhấn mạnh.
Để nâng cao trình độ, năng lực và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu cho các doanh nghiệp ngành công nghiệp ôtô, nhà nước cần bố trí nguồn lực đủ lớn để hỗ trợ nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. |