Bảo đảm đầu ra cho nông sản
Mấy năm trở lại đây, hàng trăm hộ dân trồng nghệ ở xã Nông Thượng, TP Bắc Kạn (tỉnh Bắc Kạn) không còn lo chuyện đầu ra cho sản phẩm bởi đã có liên kết sản xuất với Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Tân Thành. Việc sản xuất theo chuỗi liên kết không chỉ giúp bảo đảm đầu ra ổn định mà còn làm tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn. Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Thành Nguyễn Thị Hồng Minh cho biết: “Hiện nay, HTX đang liên kết với khoảng 300 hộ trồng nghệ, diện tích gần 94 ha. Ðể chất lượng nghệ đạt tiêu chuẩn, HTX cung cấp giống, phân bón và hướng dẫn quy trình sản xuất cho người dân địa phương. Ðồng thời, HTX ký hợp đồng tiêu thụ toàn bộ sản phẩm nghệ khi đến kỳ thu hoạch với giá bình quân khoảng 5.000 đồng/kg. Ðặc biệt, nếu giá nghệ trên thị trường cao hơn so với giá ký hợp đồng, HTX cũng sẵn sàng tăng giá thu mua nhằm bảo đảm lợi ích cho nông dân. Bên cạnh đó, HTX còn mạnh dạn đầu tư máy sấy công nghiệp loại lớn và các thiết bị khác theo hướng an toàn, khép kín. Ðến nay, sản phẩm tinh bột nghệ của HTX đã có mặt tại 14 tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ðắk Lắk… và đang tiếp tục hướng sản phẩm vào TP Hồ Chí Minh”.
Mô hình “Sản xuất theo chuỗi giá trị cây nghệ nếp Bắc Kạn” của HTX Nông nghiệp Tân Thành, xã Nông Thượng, TP Bắc Kạn. |
Từ một tổ hợp tác phát triển lên thành HTX, đến nay HTX Nông nghiệp Tân Thành đã có những bước đi vững chắc khi doanh thu tăng theo từng năm. Năm 2015 (khi còn là tổ hợp tác), doanh thu chỉ khoảng 300 triệu đồng thì đến năm 2017 thành lập HTX, doanh thu đã tăng lên hơn hai tỷ đồng và đến năm 2019 đạt khoảng bảy tỷ đồng.
Tại tỉnh Lạng Sơn, hiện nay, việc xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp liên kết theo chuỗi đang là hướng đi giúp người dân nâng cao giá trị sản phẩm bền vững. Ðến nay, toàn tỉnh có khoảng 160 doanh nghiệp đăng ký đầu tư hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, đây là những mắt xích quan trọng trong phát triển, hình thành các chuỗi giá trị khép kín từ dự báo thị trường, cung ứng đầu vào đến chế biến, bao tiêu sản phẩm. Ðặc biệt, trên địa bàn tỉnh có 37 mô hình điển hình có liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; trong đó, có 25 mô hình trồng trọt, sáu mô hình chăn nuôi, bốn mô hình lâm nghiệp và hai mô hình thủy sản.
Sản xuất gắn với nhu cầu thị trường
Theo Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến nay cả nước có hơn 781 nghìn hộ dân, gần 3.000 HTX nông nghiệp tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với hơn 1.000 doanh nghiệp. Ðối với các chuỗi nông sản an toàn, trên địa bàn cả nước có 1.420 chuỗi được chứng nhận với 1.538 sản phẩm như rau, củ, quả, lúa gạo, cà-phê, hồ tiêu, điều, chè, thịt gà, tôm, cá tra, các loại trái cây... Bên cạnh đó, cả nước có 3.287 điểm bán các sản phẩm nông sản theo chuỗi giá trị, trong đó có 854 địa chỉ kinh doanh đã được cấp giấy xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.
Tuy nhiên, việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản cũng gặp nhiều khó khăn do một số sản phẩm nông sản chưa hình thành được tổ chức liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ cho nên người dân chưa mạnh dạn đầu tư, dẫn đến năng suất, sản lượng thấp, hiệu quả chưa tương xứng; việc sản xuất quy mô còn nhỏ, manh mún, tính bền vững chưa cao, giá trị thấp do chưa tận dụng nguồn nguyên liệu và phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị; nhiều mô hình doanh nghiệp đầu tư và có hợp đồng bao tiêu sản phẩm nhưng không ít người dân khi được thương lái trả giá cao hơn tự ý phá hợp đồng, khiến cho doanh nghiệp mất niềm tin không muốn đầu tư vào sản xuất…
Nhằm khắc phục những hạn chế trong việc sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, một trong những giải pháp quan trọng là phát huy sức mạnh của lực lượng khuyến nông trên địa bàn cả nước. Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Lê Quốc Thanh: “Khi có sản phẩm, vai trò của đơn vị kết nối rất quan trọng, vì vậy việc thông qua hệ thống khuyến nông là cần thiết để bảo đảm đầu ra ổn định. Hiện nay, Trung tâm đang thúc đẩy vai trò của hệ thống khuyến nông trong việc kết nối giữa sản xuất gắn với tiêu thụ nhằm rút ngắn khoảng cách giữa người sản xuất với đơn vị tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, người tiêu dùng sẽ được tiếp cận những sản phẩm nông nghiệp bảo đảm chất lượng. Không những vậy, khi được kết nối để sản xuất theo chuỗi liên kết sẽ chặt chẽ hơn, giá trị sản xuất cũng tăng lên”.
Mặt khác, theo Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, các bộ, ngành, địa phương cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, của các HTX, tổ hợp tác, người sản xuất trong việc sản xuất gắn với nhu cầu của thị trường; sản xuất các sản phẩm an toàn để ký kết các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm bền vững; các cơ quan chức năng cần cung cấp thông tin về giá cả, xu hướng biến động thị trường, nông sản để các đơn vị, người sản xuất chủ động sản xuất, kinh doanh, hạn chế tình trạng cung thừa cầu; tăng cường áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn để nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu; quy hoạch vùng sản xuất, xây dựng và hoàn thiện các hồ sơ vùng trồng; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, đăng ký và bảo hộ thương hiệu, nhất là các thương hiệu quốc gia, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể…