Thúc đẩy thực thi Chiến lược thực hiện Cộng đồng Kinh tế ASEAN
Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan phát biểu tại phiên khai mạc. Ảnh: Internet.
- Bốn trụ cột đó bao gồm: xây dựng thị trường chung, cơ sở sản xuất thống nhất, phát huy năng lực cạnh tranh khu vực, phát triển kinh tế công bằng và thúc đẩy hội nhập với các đối tác ngoài khối.
Cho đến nay ASEAN đã hoàn thành 71% tổng số biện pháp trong Lộ trình chiến lược thực hiện AEC trong giai đoạn 2009-2011.
Về vấn đề trụ cột xây dựng thị trường chung ASEAN, cho đến nay, các nước đã cơ bản hoàn tất văn bản pháp lý thực hiện cam kết giảm và loại bỏ hoàn toàn thuế quan theo Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA) cho toàn bộ giai đoạn thực hiện.
Phương hướng hợp tác ưu tiên của ASEAN hiện nay là mở rộng sang các các vấn đề phi thuế quan như tiêu chuẩn kiểm dịch, chất lượng, thực thi thuận lợi hóa thương mại, hoàn thiện quy chế cấp chứng nhận xuất xứ và các hàng rào phi thuế quan khác nhằm thúc đẩy lưu chuyển hàng hóa giữa các nước ASEAN.
Bên cạnh đó, các bộ trưởng đã thông qua Hướng dẫn về thủ tục cấp giấy phép xuất nhập khẩu chung của ASEAN nhằm nâng cao tính minh bạch trong hoạt động quản lý xuất nhập khẩu của các thành viên.
Hội nghị AEM 43 xác định ưu tiên phân bổ nguồn lực cho mục tiêu xây dựng Khuôn khổ chung về thu hẹp khoảng cách phát triển nhằm thúc đẩy trụ cột thứ ba về phát triển cân bằng trong ASEAN.
Hội nghị nhất trí củng cố Trụ cột thứ 3 về phát triển công bằng là ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn hội nhập kinh tế ASEAN, nâng cao phúc lợi xã hội cho người dân ASEAN, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các thành viên ASEAN.
Trong hai ngày 12-13/8/2011, liên quan đến hợp tác kinh tế ASEAN với các đối tác ngoài khối,các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã có nhiều hội nghị tham vấn với Bộ trưởng Kinh tế các đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc và Niu-di-lân, Ấn Độ, Nga và Hoa Kỳ, Hội nghị Tham vấn các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN+3 và Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế Đông Á (ASEAN+6).
Các phiên tham vấn đã tập trung phân tích các vấn đề trong đàm phán và thực thi các Hiệp định khu vực thương mại tự do (FTA) giữa ASEAN và các đối tác, đồng thời thống nhất nhiều biện pháp tích cực nhằm nâng cao hiệu quả thực chất của FTA với cộng đồng doanh nghiệp.
Trong đó, nhữngbiện pháp chủ yếu bao gồm: xúc tiến các chương trình quảng bá về FTA, đơn giản hóa thủ tục về cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, tăng cường hợp tác hải quan, hài hòa tiêu chuẩn chất lượng, xúc tiến thương mại và đầu tư.
Bộ trưởng các nước cũng thông qua kế hoạch đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp nhằm gắn kết các nỗ lực về chính sách hội nhập khu vực với nhu cầu phát triển của doanh nghiệp ASEAN, góp phần đưa ASEAN tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất của khu vực và toàn cầu.
Trong bối cảnh khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đang xuất hiện nhiều cấu trúc liên kết mới nổi, các Bộ trưởng kinh tế ASEAN nhấn mạnh sự cần thiết phát huy “Vai trò trung tâm” của ASEAN trong các hoạt động liên kết của khu vực, đồng thời nhất trí xây dựng Mô hình liên kết giữa ASEAN với các đối tác với mục tiêu thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 21 sẽ được tổ chức vào tháng 11 năm 2011.
Đây sẽ là chìa khóa quan trọng, góp phần tạo nên một không gian kinh tế đồng nhất và rộng lớn hơn giữa ASEAN với các đối tác.
Nhân dịp này, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế các nước Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam (CLMV) lần thứ 3 đã được tổ chức ngày 14/8/2011. Tại Hội nghị, các Bộ trưởng đã rà soát tình hình triển khai Chương trình hành động hợp tác kinh tế CLMV năm 2011.
Đồng thời, Hội nghị đã thảo luận và thông qua dự kiến Chương trình hành động năm 2012, Điều khoản tham chiếu và Mẫu đề xuất dự án hợp tác kinh tế CLMV. Nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế giữa các nước CLMV vì mục tiêu thu hẹp khoảng cách phát triển và hội nhập bền vững, Hội nghị cũng đã thảo luận cơ chế báo cáo kết quả hợp tác kinh tế CLMV lên Hội nghị Cấp cao CLMV.
Bên lề Hội nghị AEM 43, nhiều hội nghị khác đã diễn ra như: Hội nghị lần thứ 25 của Hội đồng Cộng đồng Khu vực Thương mại Tự do ASEAN (AFTA); Hội đồng Khu vực Đầu tư ASEAN lần thứ 14...
Đối với Việt Nam, hội nhập kinh tế ASEAN luôn là một bộ phận quan trọng trong chính sách kinh tế đối ngoại của nước ta. Hiện nay, ASEAN là một đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch hai chiều đạt 26,7 tỷ USD (2010),là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn thứ 3 của các doanh nghiệp Việt Nam, chỉ sau thị trường Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU). ASEAN cũng là đối tác thương mại cung cấp nguồn hàng hoá lớn thứ 2 cho các doanh nghiệp Việt Nam, chỉ đứng sau Trung Quốc. |
Phượng Nguyễn