Thực hiện quy định bảo vệ môi trường trong doanh nghiệp
Cán bộ phụ trách BVMT Cty CP Dệt may Sơn Nam vận hành trạm xử lý nước thải
- Nhiều doanh nghiệp thực hiện không đầy đủ các quy định về BVMT. Tại nhiều khu, CCN chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ô nhiễm môi trường tại các làng nghề vẫn khó kiểm soát, chậm xử lý và khắc phục; có nơi tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất kinh doanh ngày càng trầm trọng. Những tồn tại, hạn chế trên chủ yếu do nhận thức, ý thức trách nhiệm về BVMT của chính quyền, cán bộ quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng còn yếu kém. Nhiều quy định pháp luật về BVMT còn chồng chéo, mâu thuẫn, không khả thi nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời dẫn đến việc thực thi pháp luật BVMT chưa nghiêm; ở nhiều doanh nghiệp, tình trạng vi phạm về pháp luật BVMT ngày càng nghiêm trọng. Trong quá trình hoạch định chính sách, yêu cầu BVMT chưa được quan tâm đúng mức, nguồn lực tài chính dành cho công tác BVMT còn hạn hẹp, việc huy động sức mạnh tổng hợp của cộng đồng và vai trò giám sát thực thi pháp luật về BVMT của các tổ chức chính trị xã hội còn hạn chế…
Để sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến căn bản trong lĩnh vực BVMT, ngày 18-3-2013, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực BVMT. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 24/KH-UBND ngày 26-4-2013 về thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ, yêu cầu các cấp, các ngành xác định nội dung, phân công trách nhiệm cụ thể, đồng thời tăng cường sự phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp BVMT. Trong đó, chú trọng xây dựng hạ tầng kỹ thuật về BVMT đối với các khu, CCN; kiểm soát, xử lý và khắc phục ô nhiễm môi trường tại các làng nghề; tăng tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn, nước thải công nghiệp; kiểm soát chặt chẽ khí thải, bụi và tiếng ồn phát sinh từ các cơ sở sản xuất. Ngày 16-4-2013, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt danh sách 12 cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh năm 2012 để xử lý, bao gồm cơ sở nhuộm của ông Phạm Văn Nghị thôn Nhị Nương, xã Phương Định (Trực Ninh); Cty CP Bia Hà Nội - Nam Định; Cty CP Thương mại Khánh Phong (TP Nam Định); Cty CP May I (Tổng Cty Dệt may Nam Định); Cty TNHH VN Harim Corporation (CCN An Xá); Cty TNHH May Daeyang Nghĩa Hưng; Xí nghiệp May Xuân Trường… Các cơ quan có thẩm quyền căn cứ vào danh sách tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, yêu cầu các đơn vị gây ô nhiễm cam kết, lập đề án BVMT, bảo đảm các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh, các ngành chức năng và chính quyền các địa phương đã triển khai nhiều chương trình BVMT trong doanh nghiệp. Ngành Công thương xây dựng phương án, tăng cường nguồn nhân lực tập trung thực hiện công tác kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh hoá chất, phân bón hoá học, thuốc bảo vệ thực vật; kiểm soát ô nhiễm môi trường và khuyến khích, hỗ trợ đầu tư, thực hiện các công trình, biện pháp BVMT đối với các cơ sở hoạt động trong các cụm, điểm CN-TTCN, chợ và các khu thương mại. Sở KH và CN chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sạch, thân thiện môi trường, công nghệ xử lý chất thải… vào hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ có ảnh hưởng đến môi trường. Trong đó, chú trọng khuyến khích, hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp áp dụng công nghệ tái chế, tái sử dụng chất thải và có biện pháp chế biến thành sản phẩm hữu ích phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng phát triển bền vững. Sở TN và MT chỉ đạo Phòng TN và MT các huyện, thành phố phối hợp với cán bộ phụ trách địa bàn của Chi cục BVMT tiến hành rà soát, yêu cầu các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nằm trên địa bàn thực hiện đầy đủ các yêu cầu BVMT; đồng thời tổng hợp, lập danh sách để theo dõi và kiểm tra việc thực hiện quy định về đánh giá chiến lược BVMT, cam kết BVMT theo Điều 39 Nghị định số 29-2011/NĐ-CP ngày 18-4-2011. Theo đó, đến hết ngày 5-6-2013 các doanh nghiệp phải hoàn tất các nội dung: Lập hồ sơ và trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt hoặc xác nhận đề án BVMT; Lập hồ sơ, trình cơ quan có thẩm quyền xác nhận đã hoàn thành các công trình, biện pháp BVMT trước khi đưa dự án vào hoạt động, đã thực hiện các nội dung BVMT theo đề án BVMT được phê duyệt. Đối với những doanh nghiệp cố tình vi phạm, Sở TN và MT sẽ tiến hành kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật và giám sát, đôn đốc các cơ sở khắc phục vi phạm sau xử phạt. Huyện Trực Ninh đặt mục tiêu đến năm 2015, 100% cơ sở sản xuất mới xây dựng trên địa bàn huyện phải áp dụng công nghệ sạch hoặc đưa trang thiết bị giảm thiểu ô nhiễm, xử lý chất thải đạt chuẩn về BVMT, 100% doanh nghiệp có dụng cụ phân loại rác thải tại nơi sản xuất, kinh doanh; 90% cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn lao động, có cây xanh trong khuôn viên thuộc khu vực sản xuất, kinh doanh; các doanh nghiệp đảm bảo thu gom 90% chất thải công nghiệp, dịch vụ, xử lý trên 60% chất thải nguy hại… Với sự tập trung vào cuộc của các ngành chức năng, việc thực hiện các quy định của pháp luật về BVMT trong doanh nghiệp ở tỉnh ta đã có hiệu quả tích cực. Tất cả các doanh nghiệp trong tỉnh đều được thông tin và nắm bắt đầy đủ các yêu cầu, quy định và lộ trình thực hiện các biện pháp BVMT. Ý thức của các doanh nghiệp về BVMT ngày càng được nâng cao, nhiều doanh nghiệp chủ động thực hiện các biện pháp BVMT thiết thực, hiệu quả. Tiêu biểu như: Cty CP Dệt may Sơn Nam, đã đầu tư trên 3 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý nước thải công suất 400m3/ngày đảm bảo lượng nước thải đạt tiêu chuẩn QCVN 13-2008/BTNMT của Bộ TN và MT trước khi xả thải ra môi trường.
Thời gian tới, các ngành chức năng của tỉnh sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về BVMT tại các khu, CCN; xử lý các doanh nghiệp vi phạm, kiên quyết tạm đình chỉ hoạt động hoặc cấm hoạt động theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng Luật BVMT; thực hiện công khai thông tin doanh nghiệp vi phạm pháp luật về BVMT. Hoàn thành việc xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung tại các KCN Mỹ Trung, Bảo Minh; xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung tại 4 CCN: Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng), Đồng Côi (Nam Trực), Quang Trung (Vụ Bản), Thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường). Triển khai hiệu quả việc xử lý môi trường các làng nghề thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm môi trường và cải thiện ô nhiễm môi trường giai đoạn 2012-2015; đề án tổng thể BVMT làng nghề đến năm 2020 định hướng đến năm 2030; xây dựng, ban hành quy chế huy động vốn từ ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn khác để đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng các làng nghề được công nhận, đặc biệt là các làng nghề truyền thống.
Theo báo Nam Định