Quốc hội Việt Nam đã chính thức thông qua Hiệp định EVFTA. Ông đánh giá thế nào về sự kiện quan trọng này và vai trò của Bộ Công Thương trong việc hiệp định được phê chuẩn?
Quốc hội phê duyệt Hiệp định EVFTA đã chính thức mở ra bước ngoặt để Việt Nam bước vào “sân chơi” lớn của một nền kinh tế hàng đầu thế giới với 27 quốc gia thành viên. Vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được củng cố, khẳng định.
Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN nâng cao năng lực cạnh tranh |
Nhắc đến vai trò Bộ Công Thương, trước hết phải nhấn mạnh rằng, đây là cơ quan đàm phán hạt nhân, nắm vai trò quan trọng để Việt Nam kết thúc thành công hiệp định. EVFTA là hiệp định đàm phán kéo dài, nhiều khó khăn, song các nhà đàm phán Việt Nam, trong đó nòng cốt là Bộ Công Thương, đã tính toán kỹ lưỡng, cẩn trọng với các kinh nghiệm đàm phán từ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) để từng bước đi qua nhiều vòng đàm phán bài bản. Đặc biệt, trong EVFTA, Việt Nam đã thành công khi đảm bảo các nguyên tắc, cam kết quan trọng ở từng nội dung, nhất là các dòng thuế có lợi cho Việt Nam; ngoài tiếp tục phát triển thị trường đối với hàng hóa truyền thống đã có mặt tại EU, còn mở ra cánh cửa lớn để nhiều mặt hàng mới xâm nhập thị trường EU.
Khi đề cập đến Hiệp định EVFTA đối với DN, chúng ta thường nói tới cơ hội và thách thức sẽ song hành. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?
Ông Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch thường trực, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) |
Hiệp định EVFTA có hiệu lực, vai trò trung tâm của Chính phủ, trong đó có Bộ Công Thương, đã chuyển sang cho DN. Đây vừa là áp lực nhưng cũng là sứ mệnh để khẳng định vị thế Việt Nam trong sân chơi hội nhập của thế giới; thúc đẩy đầu tư, giáo dục, lao động phát triển bền vững…
EVFTA là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, xét về mặt mạnh, yếu, ký kết hiệp định với EU, DN Việt Nam đã hưởng lợi hơn nhiều DN ở các quốc gia khác chưa có hiệp định với EU. Không chỉ vậy, hiệp định thực thi trong bối cảnh quan hệ thương mại toàn cầu có những thay đổi mới, với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung dự báo còn kéo dài; những bất ổn trong quan hệ EU - Trung Quốc; cùng hiệu quả từ chống dịch Covid-19, Việt Nam đang là điểm đến đầu tư uy tín, được các nhà đầu tư quốc tế quan tâm trong tính toán dịch chuyển.
Tuy nhiên, tham gia EVFTA, có nghĩa chúng ta đang bước vào “sân chơi” lớn, thực hiện luật chơi chung với các quy định, cam kết bao trùm lên nhiều lĩnh vực thương mại, đầu tư nên DN cần phải thấu hiểu các cam kết từ hiệp định để tận dụng hiệu quả. Trong đó, DN cần nhận thức rõ, EU với hệ thống hàng rào kỹ thuật khắt khe hàng đầu thế giới; hệ thống pháp luật rất phức tạp, đồ sộ, nếu DN không nắm bắt, sẽ bị thiệt và gặp bất lợi trong kinh doanh.
Để thực hiện sứ mệnh trong “sân chơi” lớn, ngoài tự thân DN, Chính phủ cũng như cơ quan quản lý cần trợ lực gì cho DN để sớm nắm bắt cơ hội mà hiệp định mang lại?
Kế hoạch của Chính phủ đến năm 2025, Việt Nam có khoảng 25% DN tham gia xuất khẩu trực tiếp. Để chuẩn bị cho mục tiêu này, theo tôi, Bộ Công Thương cần dồn lực hỗ trợ DN tìm hiểu thị trường, mở rộng cơ hội xuất khẩu; trong đó, các cơ quan đại diện thương mại phải tích cực tạo cầu nối để DN khai thác thị trường. Chính phủ cần có thêm cơ chế thông thoáng thu hút FDI, để chúng ta có thêm các DN làm đầu tàu hút vốn, làm chất xúc tác hỗ trợ cho DN tham gia xuất khẩu. Đặc biệt, có cơ chế mở hơn với DN FDI theo ngành, lĩnh vực nhằm tạo lợi thế lâu dài, nâng cao khả năng xuất khẩu cho lĩnh vực mũi nhọn.
Điểm đáng lưu ý, EU là thị trường đặc biệt coi trọng xuất xứ hàng hóa, nhưng đây lại là vấn đề DN Việt Nam chưa chú trọng. Vì vậy, Bộ Công Thương cần hướng dẫn, tuyên truyền sâu rộng để DN nhận thức được vấn đề này, nắm rõ các quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa khi thực hiện các giao dịch với DN từ EU. Ngoài ra, dù cơ chế đang tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất cho DN thực hiện đổi mới sáng tạo, tạo cụm liên kết, tham gia chuỗi giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh, tuy nhiên, nhà nước nên tập trung cải thiện mạnh mẽ hơn về chính sách, như tín dụng, thuế, hải quan tháo gỡ các rào cản cho DN cạnh trạnh, phát triển.
Trước sự kiện quan trọng của nền kinh tế cũng như DN, hiệp hội đã lên kế hoạch cụ thể nào để hỗ trợ DN tiếp cận và hưởng lợi từ Hiệp định EVFTA, thưa ông?
Cuối năm 2019, trước khi Quốc hội phê chuẩn hiệp định, chúng tôi đã tổ chức nhiều chương trình tuyên truyền cho DN có chiều sâu, chất lượng. Là tổ chức đại diện cho một khu vực DN rộng lớn, có nhiều DN xuất khẩu hàng hóa sang EU, tuy nhiên, quy mô DN còn nhỏ, nên chúng tôi luôn xác định, muốn tận dụng hiệu quả hiệp định, trước hết phải liên kết tạo quy mô lớn, gia tăng tiềm lực hơn nữa cho DN. Theo đó, các chương trình, hoạt động của hiệp hội đều hướng tới mục tiêu tạo chuỗi liên kết DN, khuyến khích liên kết ngành, theo chuỗi giá trị. Mục tiêu này cũng phù hợp với chính sách, chủ trương của Chính phủ trong bối cảnh hội nhập.
Khi Hiệp định EVFTA đi vào thực thi, VINASME có nhiều lợi thế để hỗ trợ DN hơn so với Bộ Công Thương. Với quan điểm người “chia lửa”, chúng tôi đã xác định rõ vai trò của mình, dù vậy, chúng tôi cũng rất cần Bộ Công Thương tiếp sức, chia sẻ các nội dung, chương trình để giúp DN tận dụng hiệu quả hiệp định. Theo đó, Bộ Công Thương cần phối hợp chặt chẽ với VINASME trong tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các cam kết hiệp định; có quy chế, chính sách thuận lợi, thông thoáng để VINASME vượt qua một số rào cản quy định trong hỗ trợ DN củng cố nguồn lực, khai thác thuận lợi thị trường quốc tế.
Xin cảm ơn ông!