Ông Dũng cho biết, ngành sản xuất trong nước đã cung cấp các thông tin, bằng chứng cho thấy sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan đang bị bán phá giá vào Việt Nam. Bộ Công Thương đang tiến hành điều tra nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của ngành mía đường trong nước trước các hành vi phản cạnh tranh từ bên ngoài.
Ảnh minh hoạ |
- Đây được xem như là biện pháp bảo vệ doanh nghiệp trong bối cảnh dù đã gia nhập vào WTO được 10 năm nhưng ngành mía đường vẫn đang đứng trước khó khăn. Ông đánh giá như thế nào về việc này?
Trong những năm gần đây, lượng đường thế giới dư thừa, giá đường thấp hơn giá thành, đường sản xuất ra không tiêu thụ được, tồn kho lớn, dòng tiền không được lưu thông, trong khi ngân hàng hạn chế định mức cho vay. Trong khi đó nhiều loại đường lỏng tràn vào không kiểm định chất lượng, không đánh thuế nhập vào Việt Nam; cùng với việc hiệp định ATIGA có hiệu lực, đường nhập lậu không được kiểm soát làm cho ngành mía đường trong nước đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.
Giá đường thấp đã làm cho giá mía tụt giảm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến vùng nguyên liệu; thu nhập của người trồng mía tụt giảm, diện tích mía bị thu hẹp (chỉ còn lại 30% so với 5 năm trước đây), năng suất, chất lượng mía chưa được cải thiện, nhà máy không đủ nguyên liệu để sản xuất.
PGS. TS Trần Việt Dũng, Trưởng khoa Luật Quốc tế, Đại học Luật TP HCM |
Và để bảo vệ mình, các thị trường, trong đó có Việt Nam cũng đã và đang tăng cường các biện pháp phòng vệ đối với mía đường nhập khẩu.
Kinh nghiệm từ các nước trên thế giới cho thấy áp thuế PVTM cao cũng đồng nghĩa giá đường sẽ được đẩy lên. Nhờ vậy, nông dân có thể bán được mía giá tốt, tăng thêm thu nhập. Nhưng điều đó cũng dễ dẫn đến tình trạng người trồng mía “chủ quan”, không đầu tư cải thiện năng suất, từ đó đánh mất lợi thế khi hội nhập.
Trong khi đó, áp thuế giá PVTM cao cũng sẽ khiến giá thành sản xuất các sản phẩm từ đường như bánh kẹo, nước ngọt… gia tăng, gây khó khăn cho doanh nghiệp sử dụng đường và người tiêu dùng. Bên cạnh đó, nếu giá đường cao, trong khi năng lực sản xuất nội địa chưa đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường sẽ dễ phát sinh tình trạng nhập lậu đường, thị trường đường rơi vào tay các đầu nậu buôn lậu. Điều này không chỉ gây bất lợi cho doanh nghiệp sản xuất đường vì phải cạnh tranh với đường lậu, gây thiệt hại cho ngành mía đường mà còn khiến nhà nước bị thất thu nguồn thuế. Chưa kể, người tiêu dùng và doanh nghiệp thực phẩm, đồ uống sẽ “thiệt thòi” khi phải chịu một mức chi phí cao hơn cho đường tiêu dùng, sản xuất.
Nếu áp thuế PVTM quá thấp, giá đường sẽ gia tăng không đáng kể. Lúc này, tình trạng đường nhập lậu sẽ được kiểm soát. Thuế PVTM thấp cũng kéo theo giá đường, nguồn nguyên liệu đầu vào chủ yếu của nhiều dòng sản phẩm chế biến thực phẩm, nước uống cũng giảm đi tương ứng. Giá thành đầu vào của các doanh nghiệp sử dụng đường giảm nên những sản phẩm này khi đến tay người tiêu dùng sẽ có giá thành “mềm” và cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, cả nông dân và nhà sản xuất đường sẽ phải chịu áp lực về chi phí khi thu nhập từ đường và mía không đủ bù đắp. Vì vậy, nhà nước dù siết được tình trạng đường lậu nhưng vẫn chưa thể khôi phục toàn bộ ngành mía đường.
- Nhưng ở góc nhìn khác, nếu không có đường Thái Lan, ngành mía đường trong nước sẽ không thật sự chủ động thay đổi công nghệ. Vậy theo ông, đây đã là thời điểm thích hợp để Việt Nam áp thuế chính thức với các sản phẩm đường của Thái Lan chưa?
Vì việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nói chung và chống bán phá giá nói riêng nhằm mục đích chính là đảm bảo các điều kiện cạnh tranh công bằng trên thị trường, từ đó, bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng của ngành sản xuất trong nước, nên nếu sau khi xem xét lại, Cơ quan điều tra thấy các điều kiện để áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức được đáp ứng, thì việc áp dụng biện pháp chính thức đó là cần thiết.
Theo các quy định của WTO và của Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 của Việt Nam, biện pháp chống bán phá giá tạm thời không được áp dụng quá 120 ngày kể từ ngày quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời có hiệu lực, nên đến cuối năm nay, Bộ Công Thương sẽ có quyết định chính thức về biện pháp chống bán phá giá đánh lên các sản phẩm này.
- Nhiều quan điểm tỏ ra lo ngại rằng khi Việt Nam áp dụng biện pháp tự vệ, sẽ làm ảnh hưởng không tốt tới tâm lý các nhà đầu tư và các đối tác FTA, hoặc nghiêm trọng hơn là có thể dẫn đến hành động trả đũa, thưa ông?
Việc áp dụng biện pháp tự vệ hay các biện pháp phòng vệ thương mại khác là một thực tiễn phổ biến trên thế giới. Vì vậy, tôi nghĩ rằng điều này sẽ không tác động nhiều đến tâm lý của các nhà đầu tư hay các đối tác trong các FTA vì họ đã rất quen với các biện pháp này. Hơn nữa, khi các nhà đầu tư thực hiện các hoạt động đầu tư tại Việt Nam, Việt Nam sử dụng hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại để tái thiết lập các điều kiện cạnh tranh công bằng trên thị trường lại có thể được coi là cách thức cần thiết để bảo vệ cho lợi ích của chính các nhà đầu tư đó.
Còn vấn đề áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại có dẫn đến hành động trả đũa không? Điều này còn tùy thuộc vào bối cảnh của việc sử dụng biện pháp đó. Tuy nhiên, ở đây, tôi cũng cần nhấn mạnh đến nguy cơ Việt Nam có thể bị khởi kiện ra WTO do các biện pháp phòng vệ thương mại được áp dụng không tương thích với các quy định của WTO. Việt Nam đã từng thắng kiện Hoa Kỳ hay Indonesia tại WTO vì các thành viên này đã áp dụng biện pháp chống bán phá giá hoặc tự vệ lên tôm hay tôn lạnh nhập khẩu từ Việt Nam.
Do đó, để đảm bảo không bị khởi kiện ra WTO, tôi cho rằng Việt Nam cần phải đảm bảo việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đó tuân thủ đầy đủ các quy định của WTO.
- Vậy theo ông, mức thuế PVTM bao nhiêu là hợp lý?
Như trên tôi đã phân tích, mỗi kịch bản đều đem lại những lợi ích và tiềm ẩn nhiều bất cập. Vì thế, nhà nước cần xác định một mức thuế PVTM hợp lý để đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên, ổn định thị trường và tái lập môi trường cạnh tranh công bằng.
Mức thuế PVTM giữa đường trắng và đường thô nên chênh lệch ở mức 15-17% là đảm bảo hài hoà các lợi ích của nông dân, nhà sản xuất, người tiêu dùng và mức thuế áp dụng phải ngăn được đường lậu tràn vào thị trường nội địa ( điển hình vụ việc buôn lậu đường thời gian vừa qua báo chí đã phản ánh rất nhiều...) môi trường cạnh tranh công bằng tạo động lực phát triển kinh tế đất nước trong thời kỳ hội nhập nói chung và phát triển ngành mía đường nói riêng để đóng góp vào GDP cả nước.
- Cuối cùng, ông có lời khuyên gì cho doanh nghiệp Việt trong bối cảnh vòng xoáy của các vụ kiện thương mại đang có chiều hướng gia tăng ở các nước trên thế giới?
Trong bối cảnh hiện tại, nhất là khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, Việt Nam có thể trở thành thị trường trung chuyển để hàng hóa Trung Quốc vào thị trường Mỹ và ngược lại. Một số doanh nghiệp Việt Nam, vì lợi ích trước mắt, có thể chấp nhận ghi sai nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa để hàng Trung Quốc có thể mang xuất xứ Việt Nam, từ đó, giúp cho hàng đó có thể vào được thị trường Hoa Kỳ, hoặc hưởng lợi từ các cam kết cắt giảm thuế quan mà hàng hóa Việt Nam được hưởng trên cơ sở các FTA thế hệ mới đã có hiệu lực, trong đó có CPTPP.
Do đó, điều quan trọng nhất vẫn là các doanh nghiệp Việt Nam cần hướng tới lợi ích lâu dài, trên cơ sở các giao dịch làm ăn chân chính, tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật trong nước và các điều ước thương mại quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Ngoài ra, khi gặp phải các cuộc điều tra hoặc các biện pháp thương mại khác từ nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần tích cực thông báo, phối hợp và trợ giúp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để giải quyết tốt các tranh chấp đó.
Sự liên hệ, phối hợp công – tư chặt chẽ sẽ là yếu tố quan trọng, trong bối cảnh Việt Nam có thể, trong tương lai, phải sử dụng nhiều hơn nữa cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO, để bảo vệ các doanh nghiệp Việt Nam khi gặp phải các rào cản thương mại ở nước ngoài.
- Xin cảm ơn ông!