Thứ hạng của Thương hiệu quốc gia Việt Nam vài năm vừa qua đã liên tục được cải thiện, nằm trong nhóm thương hiệu mạnh trên thế giới theo bảng đánh giá, xếp hạng của các tổ chức quốc tế, nhờ có những nỗ lực của Chính phủ về cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, tăng qui mô và giá trị xuất nhập khẩu, cùng với các hoạt động hỗ trợ thương hiệu sản phẩm và thương hiệu doanh nghiệp, trong đó có sự đóng góp tích cực từ các hoạt động của Chương trình Thương hiệu quốc gia (THQG).
Trong khuôn khổ hoạt động của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, định kỳ 2 năm/lần trong một thấp kỷ vừa qua, Bộ Công Thương đã tổ chức bình xét, công bố các doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp chia sẻ, theo đuổi các giá trị của Chương trình THQG Việt Nam hướng tới “chất lượng - đổi mới, sáng tạo”. Sau 6 kỳ tổ chức công bố sản phẩm đạt THQG, đã có 375 lượt doanh nghiệp có các sản phẩm đạt và được công nhận. Hoạt động của Chương trình THQG đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu; đồng thời, tôn vinh các thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp tiêu biểu đại diện cho Thương hiệu quốc gia Việt Nam, hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực kinh doanh, phát triển và bảo vệ thương hiệu. Thực tiễn cho thấy, các doanh nghiệp tham gia Chương trình THQG đều đã duy trì được khá tốt tốc độ tăng trưởng cao cả về lợi nhuận, doanh thu, thị phần ở cả trong và ngoài nước.
Thông qua chương trình THQG, các doanh nghiệp có sản phẩm đạt và được công nhận THQG đã được Bộ Công Thương hỗ trợ quảng bá, tham gia một số hội chợ, triển lãm lớn theo định hướng xuất khẩu như Hội chợ Thương mại quốc tế (Vietnam Expo), Triển lãm Quốc tế công nghiệp thực phẩm Việt Nam (Vietnam Foodexpo)... và hỗ trợ quảng bá, phát triển thương hiệu qua các diễn đàn, hội nghị, hội thảo cũng như các sự kiện trong khuôn khổ Chương trình THQG.
Trong khuôn khổ Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, ngành thực phẩm nhận được sự quan tâm hỗ trợ tích cực từ các hoạt động phát triển thương hiệu. Trong đó, Chương trình Thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam đã thu hút sự tham gia của 9 hiệp hội ngành hàng (lương thực, cà phê, chè, rau quả, thủy sản, tiêu, điều, mật ong, dừa). Bộ Công Thương đã hỗ trợ các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông sản về công tác xây dựng, quảng bá thương hiệu theo hướng xây dựng một hình ảnh chung về thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam, tăng cường nhận thức và công nhận ở quy mô quốc tế về giá trị của thực phẩm Việt Nam qua các hoạt động quảng bá hình ảnh thương hiệu thực phẩm Việt Nam (Foods of Vietnam) tại các hội chợ, triển lãm, các sự kiện xúc tiến thương mại lớn trong và ngoài nước như Triển lãm Vietnam Foodexpo, Hội chợ Gulfood Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất), Hội chợ Anuga 2019 và Hội chợ Biofach (Cộng hòa Liên bang Đức)...
Trong quá trình tổ chức Hội nghị quốc tế về Công nghiệp thực phẩm Việt Nam, Bộ Công Thương cũng đã tổ chức các chương trình giao dịch thương mại bên lề nhằm hỗ trợ kết nối trực tiếp giữa các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nông sản của Việt Nam với các nhà nhập khẩu nước ngoài, các tập đoàn thu mua, các đại siêu thị trong và ngoài nước như CJ (Hàn Quốc), AEON (Nhật Bản), Walmart (Hoa Kỳ), MM Mega Market (Thái Lan), Central Group/Big C (Thái Lan), Lotte (Hàn Quốc), Saigon Co.op, Hapro, Satra, Vinmart...
Đến nay, chương trình Thương hiệu thực phẩm Việt Nam, đã không chỉ góp phần tăng cường nhận thức về tầm quan trọng của thương hiệu cho các doanh nghiệp trong nước, mà còn được công nhận ở quy mô quốc tế về giá trị của thực phẩm Việt Nam, qua đó góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành thực phẩm, tăng cường công tác xúc tiến thương mại và đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm của Việt Nam ra thị trường thế giới.
Tiếp nối những thành công của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã đạt được, ngày 8/10/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1320/2019/QĐ-TTg, phê duyệt Chương trình THQG Việt Nam giai đoạn 2020 - 2030. Trong đó, đặt mục tiêu xây dựng hình ảnh Việt Nam là quốc gia có uy tín về hàng hóa, dịch vụ; tăng niềm tự hào và sức hấp dẫn của đất nước và con người Việt Nam, thúc đẩy phát triển ngoại thương và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Công bố sản phẩm đạt danh hiệu Thương hiệu quốc gia năm 2018 |
Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam giai đoạn 2020-2030 sẽ được thực hiện trên cơ sở thống nhất, đồng bộ với chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ, phấn đấu kim ngạch xuất khẩu của nhóm sản phẩm đạt THQG có mức tăng cao hơn mức tăng bình quân của cả nước; giá trị THQG Việt Nam tăng bình quân 20%/năm theo thống kê, đánh giá của các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới. Giai đoạn 2020-2030, có 1.000 sản phẩm được công nhận đạt THQG và mỗi năm tăng 10% số doanh nghiệp được vào danh sách doanh nghiệp có giá trị thương hiệu cao nhất của các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới. Phấn đấu 90% số doanh nghiệp trên cả nước có nhận thức về vai trò của thương hiệu trong sản xuất, kinh doanh, đầu tư; 100% sản phẩm đạt THQG Việt Nam sẽ được quảng bá trong nước và tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm.
Nội dung hoạt động trọng tâm của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam giai đoạn 2020 -2030 là tập trung nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của thương hiệu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư; nâng cao năng lực xây dựng, phát triển, quản trị thương hiệu cho doanh nghiệp nhằm đáp ứng các tiêu chí của Chương trình; quảng bá THQG Việt Nam gắn với quảng bá thương hiệu các sản phẩm đạt danh hiệu THQG.
Để triển khai Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam giai đoạn 2020-2030, Bộ Công Thương cho biết, sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các tổ chức, cá nhân liên quan xây dựng định hướng, nội dung theo đúng chức năng, thẩm quyền, đảm bảo phù hợp giữa mục tiêu và nội dung của chương trình với các điều kiện thực tế của ngành, địa phương. Đồng thời, Bộ Công Thương sẽ xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân và đơn vị thực hiện; trực tiếp xây dựng, thực hiện các đề án thuộc chương trình theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thu hút các nguồn lực phục vụ hoạt động của chương trình; tổ chức triển khai, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện chương trình.