Nhân “Tháng hành động vì Người tiêu dùng”, nhằm đề cao hơn nữa trách nhiệm của DN với người tiêu dùng trong bối cảnh dịch Covid- 19, chỉ ra những giải pháp kinh doanh hiệu quả, góp phần thích nghi với giai đoạn hiện nay, chiều ngày 24/4, tại Hà Nội, đã diễn ra Tọa đàm Trực tuyến với chủ đề “DN và người tiêu dùng chung tay trong đại dịch Covid- 19”.
Đã xử lý 17 nghìn gian hàng vi phạm
Với diễn biến phức tạp của Covid- 19, do dịch bệnh nên tâm lý hạn chế tiếp xúc với người xung quanh khiến người tiêu dùng lựa chọn mua sắm trực tuyến nhiều hơn, đây cũng là xu hướng phát triển của tương lai. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương ban hành chương trình hành động, trong đó đã sớm có những chỉ đạo điều hành, quản lý và phát triển TMĐT tại Việt Nam.
Toàn cảnh buổi tọa đàm |
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) – cho hay, Cục đã phối hợp với các DN tiến hành đưa hàng hoá DN Việt lên các sàn giao dịch lớn. Sớm chỉ đạo các sàn đảm bảo rà soát các sản phẩm, chống hàng giả hàng nhái, ưu tiên hiển thị các sản phẩm chống dịch, các nhu yếu phẩm cung cấp trong dịch. Đẩy mạnh triển khai hệ thống giải quyết khiếu nại bảo vệ người tiêu dùng. Đồng thời, xử lý nghiêm hiện tượng các gian hàng bán thiết bị phòng dịch tăng giá... “Đến ngày 24/4, đã xử lý khoảng 17 nghìn gian hàng trên các sản TMĐT và khoảng 38,4 nghìn sản phẩm vi phạm”, bà Huyền nói.
Về cơ bản thì trên các sàn TMĐT hiện chia thành 2 nhóm: Nhóm của những DN kinh doanh sản phẩm nhập khẩu và kinh doanh các sản phẩm có nguồn gốc từ Việt Nam. Ông Bùi Huy Hoàng – Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và công nghệ số - Cục TMĐT và Kinh tế số - cho hay, trước đây, các DN bán các sản phẩm có nguồn gốc từ Việt Nam chưa nhiều. Tuy nhiên, dịch Covid- 19 cho thấy sự thay đổi lớn trong cách triển khai của các DN kinh doanh các dòng sản phẩm có nguồn gốc đến từ Việt Nam. “Nhiều DN quan tâm đến TMĐT và cho rằng đây hướng đi mới cho mình, giúp họ kinh doanh hiệu quả hơn”, ông Hoàng nói.
Cục TMĐT và Kinh tế số cũng đã tập trung hỗ trợ DN bán các sản phẩm nguồn gốc từ Việt Nam trên hai kênh chính là trên chợ, siêu thị truyền thống và trên các sàn giao dịch TMĐT. Với các kênh siêu thị truyền thống, Cục hỗ trợ DN phân phối hàng hóa trên siêu thị truyền thống và có giám sát của Bộ Công Thương. Với các sàn giao dịch điện tử, Cục tập trung hỗ trợ DN trong khâu phân phối hàng và cũng sẽ có sự giám sát của Bộ Công Thương. Thông qua các kênh truyền thông, người tiêu dùng đã dần nhận thấy đây là kênh bán hàng hiệu quả để giải tỏa được câu hỏi khi mua hàng hóa trên môi trường trực tuyến không đảm bảo được chất lượng. Ngoài ra, Cục cũng hỗ trợ DN phân phối hàng trực tiếp tới tay người tiêu dùng mà không qua khâu phân phối.
Người tiêu dùng, DN phải tỉnh táo
Xác định bán hàng trực tuyến là xu thế tất yếu trong tương lai và Covid- 19 là lý do đẩy nhanh hơn nữa xu hướng tiêu dùng của người Việt, đưa hệ thống bán hàng online tiếp cận tời người tiêu dùng nhanh. Để đón đầu xu hướng này, ông Hoàng Chương – Giám đốc điều hành Miền Bắc – Công ty cổ phần Masan Meatlife- cho hay, Công ty đã triển việc bán hàng cho khách hàng thông qua nhiều kênh bán khác có thể mua hàng từ các cơ sở như: Web, Fage…
Ông Phan Văn Dũng - Phó Tổng Giám đốc công ty CP VN Kỹ nghệ súc sản (VISSAN) – chia sẻ, theo kế hoạch năm 2020 Công ty sẽ xây dựng trang website TMĐT. Do đó, ngay từ tháng 2/2020, Công ty đã đã nhanh bán hàng qua số hotline của công ty. Sau Chỉ thị 16 của Chính phủ về cách ly xã hội và giãn cách xã hội thì người tiêu dùng đã hạn chế tới siêu thị nên buộc Công ty tiến hành bán hàng qua hình thức này để phục vụ người tiêu dùng. Với 55 cửa hàng giới thiệu sản phẩm chúng tôi tạo thành 55 kho hàng ở khắp nội, ngoại thành và người tiêu dùng chỉ cần gọi hotline là mua được hàng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đẩy nhanh website của công ty và đồng thời đưa hàng lên sàn TMĐT như Lazada, Tiki… trong lúc giãn cách xã hội.
DN ngày càng kinh doanh nhiều hơn trên các ứng dụng TMĐT và đây là xu thế tất yếu. Bà Nguyễn Thị Minh Huyền nhấn mạnh, việc DN bán hàng và đăng ký với Bộ Công Thương sẽ giúp DN mang được uy tín với cộng đồng và tránh được các tình huống về công tác hậu kiểm. Việc đăng ký cũng giúp người tiêu dùng tiện kiểm tra thông tin trước khi mua hàng. Về phía người tiêu dùng, bà Huyền mong muốn các khách hàng hãy là người tiêu dùng thông thái bằng việc sẽ mua hàng trên các sàn giao dịch điện tử đã đăng ký với Bộ Công Thương. Tra cứu trước khi mua hàng, tìm hiểu các quy định của các sàn để ghi lại lịch sử giao dịch, nếu có tranh chấp xảy ra, cơ quan liên quan có thể hỗ trợ kịp thời.
Ông Hồ Tùng Bách - Phó Trưởng phòng Bảo vệ người tiêu dùng - Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) – cho hay, hoạt động TMĐT đang là xu thế nhưng có hai mặt. Người tiêu dùng, DN phải tỉnh táo. “Khi truy cập một trang TMĐT, người tiêu dùng kéo xuống cuối trang xem ứng dụng đã đăng ký chưa, có nhiều trường hợp mạo danh đã xảy ra. Theo tôi, với mỗi gian hàng uy tín, khi người tiêu dùng truy cập sẽ có đường dẫn vào trang thông tin, nêu rõ tên công ty, địa chỉ, mã số thuế..., như vậy mới là wesite chính xác”, ông Hồ Tùng Bách lưu ý.
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số - Bộ Công Thương: Để hỗ trợ cộng đồng DN thời gian trước mắt và lâu dài trong phát triển TMĐT, Cục sẽ phát động chương trình người tiêu dùng dùng hàng nông sản Việt trên Gian hàng Việt; xây dựng nền tảng ứng dụng TMĐT ứng phó tình huống khẩn cấp; huy động sự tham gia các công ty chuyển phát và hệ thống thanh toán trung gian để cung cấp dịch vụ cho DN tham gia quy trình TMĐT trọn gói có thể ứng phó với tình huống khẩn cấp không chỉ dịch Covid- 19 như hiện nay mà trong các tình huống có thể xảy ra trong tương lai; đẩy mạnh triển khai hệ thống quản lý, giám sát và giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng trên môi trường TMĐT thông qua cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT tại Việt Nam (online.gov.vn) để kịp thời giải quyết tranh chấp, khiếu nại trên môi trường trực tuyến. |