Thương mại điện tử Việt Nam tiến xa với Online Friday
Theo Visa, công ty hàng đầu trong lĩnh vực thanh toán điện tử, tính từ đầu năm đến tháng 9/2017, giao dịch điện tử của chủ thẻ Visa tại Việt Nam đã tăng 81% so với năm trước. Giá trị các giao dịch điện tử cũng tăng 42% trong cùng kỳ.
Ở Việt Nam, thương mại điện tử ngày càng trở nên phổ biến hơn và là một phần quan trọng trong cuộc sống thường ngày khi ngày càng có nhiều người ưa chuộng mua sắm trực tuyến. Thanh toán các giao dịch mua sắm trực tuyến qua thẻ tín dụng Visa đã tăng 86%, thanh toán qua thẻ ghi nợ Visa thậm chí còn tăng đến 105%.
Vé máy bay và các sản phẩm phục vụ mục đích du lịch là những mặt hàng “đắt khách” nhất, theo sau đó phải kể đến sản phẩm liên quan đến vận tải, thời trang hay viễn thông. Giao dịch tại các kênh mua sắm trực tuyến tại Việt Nam tăng lên 135% và giao dịch tại các kênh mua sắm trực tuyến quốc tế tăng đến 61%. Trung bình mỗi giao dịch có giá trị khoảng 42 USD, tương đương 950.000 đồng.
Giám đốc Visa tại Việt Nam, Campuchia, Lào - ông Sean Preston - chia sẻ: “Chúng tôi rất vui mừng khi được chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử, điều đó cho thấy người Việt Nam đã thoải mái và cởi mở hơn với mua sắm trực tuyến tại các cửa hàng trong và ngoài nước.”
“Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của chính phủ khi lan tỏa ngày hội Online Friday 2017 – Sự kiện trải nghiệm công nghệ số và thương mại điện tử, tổ chức bởi Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), nhằm thúc đẩy thanh toán điện tử tại Việt Nam. Vì mục tiêu này, Visa sẽ mang đến cho ngày hội những công nghệ thanh toán mới như thanh toán không tiếp xúc, thanh toán di động và thanh toán mã QR. Tôi tin rằng chúng ta cần nhiều hơn nữa những sáng kiến tương tự để giúp Việt Nam sớm đạt được mục tiêu mà chính phủ đề ra, tiến tới xây dựng xã hội không tiền mặt vào năm 2020", ông Sean Preston cho biết.
Mặc dù mua sắm trực tuyến mang tới nhiều tiện ích hơn cho người dùng, nghiên cứu gần đây của Visa về thái độ thanh toán của người tiêu dùng cho thấy hành vi mua sắm trực tuyến của các đối tượng được khảo sát chịu ảnh hưởng lớn từ các phương tiện truyền thông xã hội, 73% trong số họ thường đọc các bài giới thiệu, bình luận hay phản hồi trước khi mua sắm.
Nghiên cứu cũng cho thấy rằng để trải nghiệm mua sắm trực tuyến diễn ra thoải mái hơn, 76% người được khảo sát chọn mua sắm ở nhà bán lẻ yêu thích vì yếu tố dễ thanh toán và 53% chọn vì có thể so sánh được giá cả.
"Với khả năng truy cập Internet ngày càng dễ dàng cùng lượng thiết bị kết nối gia tăng nhanh chóng rõ ràng đã tạo nên ảnh hưởng tích cực đến hành vi mua sắm của người dùng Việt", ông ông Sean Preston kết luận.