Thương mại điện tử xuyên biên giới: "Cuộc chiến" dịch vụ nhận mua hộ
Ông Hà Anh Quân - với kinh nghiệm 6 năm trong lĩnh vực nhận oder hàng - cho biết, xu hướng mua hàng order từ nước ngoài hiện nay của người tiêu dùng Việt đang thay đổi nhanh chóng. Trong giai đoạn đầu, khi nói đến order, mọi người hay nghĩ đến hàng điện tử, công nghệ, nước hoa… Tuy nhiên, sau một thời gian, thị hiếu và thu nhập nâng cao, tất cả các mặt hàng tiêu dùng, kể cả các sản phẩm nhỏ nhất, người tiêu dùng đều mong muốn có thể mua sắm từ nước ngoài.
Xu hướng đặt hàng trên mạng tăng nhanh |
Theo ông Chiến Phạm - Giám đốc điều hành US Express, có 4 yếu tố ảnh hưởng đến xu hướng mua hàng order hiện nay của người tiêu dùng Việt, đó là: Lối sống ngày càng có xu hướng hiện đại hơn, người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn cho các sản phẩm cao cấp, ưu tiên cao cho sức khỏe và sự an khang. Đặc biệt, xu hướng kết nối và mong muốn theo đuổi xu hướng thế giới rất nhanh chóng, đây là đặc điểm chi phối nhiều nhất đến hoạt động order hiện nay. "Xu hướng hội nhập và lan tỏa mong muốn theo đuổi với xu hướng chung của thế giới là cơ hội thực sự cho các doanh nghiệp (DN) làm dịch vụ order tự động có thể vận hành và hoạt động trên thị trường mua hộ hàng quốc tế" - ông Chiến Phạm nói.
Nắm bắt cơ hội này, US Express ra đời vào tháng 12/2017, đến tháng 7/2018 chính thức kết nối với kho hàng Amazon. Xác định chiến lược đi riêng so với các DN mua hộ tại thị trường Việt Nam, US Express sử dụng công nghệ để kết nối với mạng lưới đa kênh nhất, nhiều kho hàng nhất có thể tại Mỹ và trên thế giới. Đến thời điểm này, US Express kết nối thành công với 7 kho hàng lớn tại Mỹ. Kế hoạch đặt ra là cuối năm 2020 sẽ kết nối với 50 kho hàng, trở thành đơn vị tiên phong tại Việt Nam về phát triển công nghệ kết nối eCommerce xuyên biên giới và đứng đầu Việt Nam về hệ thống mua hộ hàng nước ngoài tự động.
Ông Chiến Phạm cho hay, kết nối nhiều kho hàng, hệ thống công nghệ tự động, chính sách và chi phí minh bạch, tốc độ xử lý đơn hàng nhanh kèm theo dịch vụ khách hàng là những lợi thế mà US Express cạnh tranh với các đơn vị tương tự và hệ thống order thủ công.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của order 4.0 là việc nắm bắt sở thích và tâm lý khách hàng. Điều này, US Express không làm được, vì toàn bộ yêu cầu của khách hàng được thực hiện tự động, thông qua công nghệ. "Tuy nhiên, xu hướng tiêu dùng và thói quen của người tiêu dùng thay đổi rất nhiều" - ông Chiến Phạm tự tin về kế hoạch kinh doanh của công ty.
Các order thủ công có lợi thế về tỷ giá, nắm bắt rõ tâm lý và sở thích của khách hàng… để chăm sóc khách hàng chu đáo. Tuy nhiên, theo ông Hà Anh Quân, với những tiến bộ công nghệ, rõ ràng, thị trường sẽ bị thu hẹp rất nhiều đối với các order thủ công. Khách hàng sẽ lựa chọn đơn vị cung cấp sản phẩm rẻ nhất, nhanh nhất và mang lại chất lượng hàng hóa mà họ tin tưởng nhất.
Các chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, đây là "cuộc chơi" công bằng giữa các đơn vị order lớn có lợi thế về công nghệ với đơn vị nhỏ với lợi thế về chăm sóc khách hàng, tư vấn… "Order thủ công có thể kết hợp với order tự động bền chặt để cộng hưởng thế mạnh, trở thành khách hàng, đối tác của nhau, tạo thế win - win và mục tiêu cuối cùng là phục vụ người tiêu dùng" - ông Chiến Phạm nói.
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng thương mại điện tử nhanh trên thế giới, với tốc độ 35% mỗi năm, gấp 2,5 lần so với Nhật Bản. |