Thương mại TP. Hồ Chí Minh: Xây dựng chữ “tín”, “hậu cần” tin cậy |
Từ gạo châu củi quế đến chinh phục thị trường
Ông Hoàng Đức Minh, cựu cán bộ ngành thương mại ngụ ở quận 3 nhìn nhận về hoạt động mua sắm ở Thành phố sau 46 năm như vậy. Không chỉ có ông Hoàng Đức Minh, ký ức của nhiều người Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh khó mà quên được tình cảnh xếp hàng trong đêm mua gạo, mắm, muối, than củi… bằng tem phiếu trong những năm đầu Thành phố được giải phóng. Chiến tranh làm cho nền sản xuất kiệt quệ, dẫn đến nguồn cung hàng hóa thiếu hụt so với nhu cầu của xã hội, hàng hóa thiếu yếu đến đời sống của người dân trở nên khan hiếm và đắt đỏ.
Cho đến nhưng năm của tập kỷ 90 của thế kỷ trước, người dânThành phố dù không còn dùng tem phiếu để mua hàng nhu yếu phẩm nhưng hàng hóa vẫn còn rất khan hiếm. Còn nhớ vào các dịp lễ tết, tình trạng thị trường bị khan hàng sốt giá, nạn đầu cơ, găm hàng, nâng giá qúa cao luôn xảy ra.
Bước vào thời kỳ đổi mới, TP. Hồ Chí Minh đi đầu cả nước trong việc thay đổi nhiều thiết chế theo nhu cầu của hội nhập, một trong những lĩnh vực đổi mới nhanh và hiệu qủa là ngành ông thương nghiệp với mức tăng trưởng bình quân mỗi năm trên 2 con số và tiếp tục lớn mạnh không ngừng.
Kể từ những năm đầu 1990, hoạt động thương mại của Thành phố thật sự chuyển mình và bứt phá mạnh mẽ dễ nhận diện là việc nâng cấp hệ thống chợ truyền thống, xây mới ba chợ đầu mối (Bình Điện, Hóc Môn,Thủ Đức), siêu thị nước ngoài xuất hiện, tổ chức lại kênh phân phối, lưu thông hàng hóa, kết nối giao thương, bán hàng bình ổn giá… theo hướng chuyên nghiệp.
Lượng hàng hóa cung ứng cho thị trường dồi dào, chất lượng ngày càng được nâng cao, mẫu mã đa dạng, giá cả bình ổn qua mạng lưới 237 chợ truyền thống, 238 siêu thị, 46 trung tâm thuơng mại, 2.735 cửa hàng bán lẻ và hệ thống bán hàng online với hàng chục nghìn địa chỉ giao nhận hàng đến tay người mua.
Cùng với nâng cấp, mở rộng mạng lưới thương mại, hàng trăm nghìn doanh nghiệp (DN) mới ra đời, đủ sức tham gia cung cấp hàng hóa cho thị trường trong nước đồng thời xuất khẩu hàng hóa đến hàng trăm quốc gia. Các DN của Thành phố ra đời, xây dựng cho mình một thương hiệu mạnh và không ngừng phát triển, có thể kể như Tổng công ty Thương mại Sài Gòn, Saigon Food, Saigon Co.op. Vissan, Ba Huân, Tân Quang Minh…
Nhiều loại nông sản chất lượng cao bày bán tại siêu thị Co.opmart đủ sức đáp ứng mọi nhu cầu của người dân Thành phố |
Theo ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op, tổng doanh thu Saigon Co.op năm 2020 ước đạt hơn 33.000 tỷ đồng. Tại thị trường Thành phố, doanh thu của hệ thống Co.opmart chiếm trên 45% thị phần ở kênh siêu thị, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ ước đạt hơn 1.000 tỷ đồng. Năm 2021, Saigon Co.op đặt mục tiêu doanh thu tăng trưởng bình quân 8 -10%, lợi nhuận trước thuế tăng bình quân từ 4 - 5%/năm và phấn đấu mở rộng mạng lưới đạt tối thiểu 2.000 điểm bán...Ông Nguyễn Anh Đức chia sẻ, Saigon Co.op đặt mục tiêu là nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam và phấn đấu trở thành thương hiệu uy tín, đạt tốp cao tại thị trường bán lẻ hiện đại trong khu vực ASEAN. Cụ thể, tháng 5/2013, Saigon Co.op đã liên kết với hệ thống siêu thị FairPrice (Singapore) để phát triển hệ thống siêu thị tại thị trường trong nước và điều kiện để đưa hàng Việt từ Singapore đi nhiều quốc gia khác trong khu vực.
Công ty TNHH SX&TM Tân Quang Minh (Bidrico) là DN sản xuất nước giải khát nổi tiếng của thành phố, hiện có hơn 400 nhà phân phối nước giải khát trên cả nước và xuất khẩu sang 14 quốc gia có tiêu chuẩn khắt khe nhất trên thế giới. Ông Nguyễn Đặng Hiến - Tổng giám đốc Công ty Tân Quang Minh cho biết, mặc dù tình hình dịch Covid-19 ảnh hưởng mãnh mẽ đến giao thương hàng hóa với các nước nhưng các sản phẩm nước uống của công ty vẫn được xuất khẩu đều đặn. Đơn cử như thị trường Nhật Bản, các loại nước uống mang thương hiệu Bidrico hiện vẫn đều xuất khẩu đều đặn từ 1-2 container hàng dù dịch Covid- 19 ở đây vẫn còn diễn biến phức tạp.
Đưa hàng Việt vươn xa
Hoạt động xuất khẩu hàng hóa của TP Hồ Chí Minh đã và đang tiếp tục đạt nhiều thành tích ấn tượng. Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh - cho biết, mặc dù đại dịch Covid- 19 tác động mạnh đến hoạt động kinh tế nhưng kim ngạch xuất khẩu của các DN Thành phố qua cửa khẩu cả nước 3 tháng đầu năm 2021 ước đạt 10,73 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ; trong đó kim ngạch xuất khẩu không tính dầu thô ước đạt 10,58 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ.
Ông Vũ nói rằng, UBND TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm thương mại - tài chính của khu vực Đông Nam Á. Để đạt được mục tiêu này, ngành Công Thương Thành phố tiếp tục nâng cấp mạng lưới thương mại hiện có, đầu tư các trung tâm logistics, xây dựng hạ tầng thương mại điện tử đồng thời hỗ trợ tối đa cho cộng đồng DN sản xuất hàng hóa chất lượng cao để chinh phục thị trường các nước.
Hàng chất lượng cao sản xuất trong nước và nhập khẩu tại siêu thị MM phục vụ tối đa nhu cầu người mua |
Ông Hà Ngọc Sơn - Trưởng phòng Quản lý xuất nhập khẩu - Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh - cho biết trong năm nay ngành Công Thương Thành phố sẽ tập trung kêu gọi đầu tư vào 7 trung tâm logistics, triển khai kết nối ngân hàng và DN, kích cầu đầu tư với ngành công nghiệp hỗ trợ, hỗ trợ DN sản xuất các sản phẩm công nghiệp tiêu biểu, mở rộng thị trường trong và ngoài nước; xây dựng hạ tầng để phát triển thương mại điện tử trở thành ngành mũi nhọn…
Theo ông Sơn, doanh thu thương mại điện tử của Việt Nam hiện đạt vào khoảng 10 tỷ USD/năm, trong đó Thành phố chiếm 50%, tức 5 tỷ USD/năm. Tại TP. Hồ Chí Minh, tỷ lệ DN bán hàng trên sàn thương mại điện tử đạt 5%, website tương thích thiết bị di động (34,2%), website đạt cấp độ 4 (2,4%), DN có ứng dụng di động (9,1%), tỷ lệ kết nối internet để mua hàng hóa của người tiêu dùng đạt 62,5%, thanh toán trực tuyến (17,9%) và giá trị mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng mỗi năm tăng khoảng 13,8%. “Trong tương lai, Thành phố sẽ là trung tâm thương mại của khu vực Đông Nam Á và các giao thương về hàng hóa đều được kết nối trực tuyến, giúp hàng Việt dễ dàng đi các nước”, ông Sơn chia sẻ.