Việt Nam – Mexico hướng tới quan hệ đối tác toàn diện
Đại sứ Mexico tại Việt Nam- Bà Sara Valdés Bolaño chia sẻ, trải qua 45 năm (1975- 2020) kể từ khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, đến nay mối quan hệ hữu nghị, hợp tác song phương giữa hai nước đã và đang được lãnh đạo và nhân dân hai nước củng cố trên tất cả các lĩnh vực. Gần đây, Chính phủ hai nước cũng đã quyết định thúc đẩy các biện pháp nhằm hướng tới quan hệ đối tác toàn diện vì lợi ích của hai dân tộc và hòa bình cũng như sự ổn định trong khu vực.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh và Đại sứ Đại sứ Mexico tại Việt Nam- Bà Sara Valdés Bolaño (giữa) công bố cấp Chứng thư xuất khẩu qua Internet cho hàng dệt may sang Mexico vào tháng 6/2019 |
Về mặt chính trị đối ngoại, trải qua 45 năm, Việt Nam và Mexico đã xây dựng mối quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống tốt đẹp, sự chia sẻ trong chính sách đối nội và đối ngoại do có cùng những mục tiêu phát triển và vị thế địa chiến lược. Hai bên cũng thường xuyên ủng hộ nhau trên các diễn đàn đa phương và quốc tế quan trọng như Liên hợp quốc, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC).
Bà Bolaño cũng nhấn mạnh Chính phủ hai nước luôn ủng hộ các sáng kiến của nhau. Mới đây nhất, Việt Nam đã đồng tài trợ cho nghị quyết "Hợp tác quốc tế để đảm bảo tiếp cận toàn cầu với các loại thuốc, vaccine và thiết bị y tế cần thiết để đối phó với dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19" do Mexico thúc đẩy tại Đại hội đồng Liên hợp quốc. Hai nước đang nỗ lực xây dựng một liên minh quan trọng về các vấn đề cùng quan tâm như đấu tranh chống biến đổi khí hậu, giảm nghèo, giáo dục, phát triển khoa học và công nghệ.
Phát triển kinh tế, tính đến nay Mexico hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam ở khu vực Mỹ Latinh và ngược lại Việt Nam là thị trường xuất nhập khẩu lớn thứ tám ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương của Mexico. Trong khoảng 10 năm gần đây, thương mại hai chiều đạt tốc độ tăng trưởng từ 10- 15%/năm. Tổng kim ngạch trao đổi thương mại năm 2019 giữa hai quốc gia đã đạt trên 6 tỷ USD. Đặc biệt, trong quý 1/2020 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mexico đạt 797,9 triệu USD, nâng tổng kim ngạch hai chiều lên 925,7 triệu USD.
Thực thi CPTPP hiệu quả
Thực thi CPTPP đã đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam và Mexico có thỏa thuận thương mại tự do và đang mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới mới cho cộng đồng DN hai nước – Đại sứ Sara Valdés Bolaño nhấn mạnh.
Việc hai nước triển khai thực thi CPTPP sẽ giúp thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại, đầu tư song phương, tương xứng với tiềm năng của thị trường hai nước vốn chiếm tới hơn 220 triệu người tiêu dùng chiếm khoảng 45% tổng số dân, và 15% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khối mậu dịch tự do mới này. Các sản phẩm thế mạnh Việt Nam xuất khẩu sang Mexico là điện thoại di động, thiết bị điện tử, giày thể thao, hàng dệt may, nông thủy sản. Đáng chú ý, gạo và hàng nông sản đang là những mặt hàng có tiềm năng lớn. Theo cam kết CPTPP, gạo trắng vào Mexico được hưởng thuế 0% vào năm thứ 11 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, với lộ trình giảm trong 10 năm đầu cắt giảm 2% mỗi năm. Đây sẽ là cơ hội để DN xuất khẩu gạo Việt Nam tăng khối lượng xuất khẩu vào Mexico trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, thực thi CPTPP là một cơ để hai nước khai thác hết tất cả các thế mạnh, đi vào chiều sâu trong bối cảnh hội nhập toàn diện, đa phương hóa. Bởi thực tế cho thấy Mexico là cầu nối giữa Bắc Mỹ, Mỹ La tinh và vùng Caribe, điều này giúp các DN Việt Nam giảm đáng kể các chi phí hậu cần, vận chuyển và lưu kho các sản phẩm xuất khẩu cho các khu vực thị trường trên. Bên cạnh đó, sự gần gũi giữa Mexico với Mỹ thông qua Hiệp định USMCA (Hiệp định thương mại Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) là phiên bản mới của Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đã được thông qua từ tháng 12/2019 cũng là một lợi thế để hàng hóa từ các quốc gia châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng tiếp cận thêm các thị trường lớn tiềm năng này.