Thương mại Việt Nam - Trung Quốc: Kéo lại cân bằng lợi thế
- Mất cân bằng cán cân thương mại
Năm 2010, kim ngạch thương mại hai nước đạt 27,33 tỷ USD, tăng 28% so với năm 2009. Tuy nhiên, theo bà Lê Hoàng Oanh, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại - Bộ Công Thương, cán cân thương mại Việt-Trung đang ở thế mất cân bằng.
Buôn bán với Trung Quốc chiếm khoảng 14,07% tổng kim ngạch ngoại thương của Việt Nam, trong khi Việt Nam chỉ chiếm 0,78% tổng kim ngạch ngoại thương của Trung Quốc. Năm 2010, Việt Nam XK 7,3 tỷ USD, tăng 49% và nhập khẩu (NK) 20,02 tỷ USD, tăng 21,8% so với năm 2009. Cơ cấu mặt hàng của Việt Nam sang Trung Quốc chưa có sự chuyển dịch. Nhóm hàng nguyên, nhiên liệu chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, trung bình khoảng 55% trong 3 năm qua. Nhóm hàng nông - lâm - thủy sản được coi là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam, nhưng trong giai đoạn 2006-2010, tỷ trọng trung bình chỉ chiếm khoảng 15% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc. Nhóm hàng công nghiệp có mức tăng trưởng cao, song 3 năm qua, cũng chỉ chiếm tỷ trọng trung bình 10% trong tổng kim ngạch XK.
Trung Quốc trở thành thị trường Việt Nam nhập siêu lớn nhất, chủ yếu là nguyên, nhiên liệu đầu vào như xăng dầu, hóa chất, sắt thép, máy móc thiết bị, phân bón… Ông Đào Ngọc Chương Phó vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Á - Thái Bình Dương nói:” Những tháng đầu năm 2011, nhập siêu có dấu hiệu chững lại, song từ nay đến cuối năm, chưa biết có đạt được mức nhập siêu Quốc hội giao!”.
Tận dụng lợi thế
Chủ trương, lấy đầu tư thay cho tăng trưởng XK Trung Quốc tạo điều kiện, khuyến khích doanh nghiệp (DN) đầu tư sang Việt Nam, nhằm bổ sung tiềm năng kinh tế. Năm 2011, hai nước phấn đấu đưa kim ngạch thương mại đạt 30 tỷ USD. Về thu hẹp cán cân thương mại, theo ông Chương, hai nước đã nhìn nhận vấn đề này ở nhiều cấp. Ông cho biết, trong một cuộc họp gần đây, Thứ trưởng Bộ Thương mại - Trung Quốc, ông Khương Tăng Vĩ đã khẳng định, Trung Quốc không có nhu cầu về thặng dư. Vì vậy, Việt Nam cần nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cân bằng thương mại hai nước.
Thời gian tới, Trung Quốc vẫn tiếp tục là thị trường trọng điểm, đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Các DN Việt Nam bắt đầu tận dụng lợi thế, XK các mặt hàng Trung Quốc cần và NK nguyên phụ liệu mà Trung Quốc có lợi thế hơn các thị trường khác để phục vụ sản xuất và hàng XK. Theo Bộ Công Thương, nhóm hàng công nghiệp sẽ là động lực tăng trưởng chính của Việt Nam sang Trung Quốc. XK cao su của Việt Nam đang có xu hướng tăng lên, phục vụ ngành công nghiệp ô tô của Trung Quốc. Ngoài ra, nông sản nhiệt đới đang là lợi thế của các DN XK Việt Nam. Đặc biệt, sắn lát đang tăng “phi mã”, kim ngạch đạt 0,5 tỷ USD/năm. Dự báo, XK sắn lát của Việt Nam sang Trung Quốc năm 2011 có thể đạt kim ngạch khoảng 800 triệu USD. Các loại hoa, quả nhiệt đới hiện cung không đủ cầu. Nếu Việt Nam khắc phục được khó khăn về vận tải, tiếp thị, các loại hoa, quả tươi sẽ mở rộng được thị phần tại thị trường Trung Quốc.
Ông Đào Ngọc Chương Phó vụ trưởng Vụ thị trường Châu Á - Thái Bình Dương Để cải thiện tình hình mất cân bằng thương mại song phương, Trung Quốc sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam xúc tiến thương mại sang thị trường này qua việc tổ chức các hội chợ thương mại, các đoàn khảo sát… Bộ Thương mại Trung Quốc cũng sẽ hỗ trợ cho các DN có thực lực ở nước này sang đầu tư tại Việt Nam nhằm thu hẹp khoảng cách thương mại. Để tránh bị lừa đảo khi làm ăn với các đối tác Trung Quốc, DN Việt Nam có thể yêu cầu DN Trung Quốc xuất trình giấy phép kinh doanh do Cục Quản lý hành chính công thương tại các tỉnh, thành Trung Quốc cấp. Tuyệt đối không tin vào giấy phép kinh doanh mà trên đó có in hàng chữ “Chỉ có giá trị tham khảo”. Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc cũng có thể cung cấp danh sách các công ty đặc biệt này và báo giá dịch vụ thẩm định để DN Việt Nam tham khảo. Ngoài ra, giấy phép kinh doanh, nếu là bản sao, phải có công chứng. Khi ký hợp đồng, DN Việt Nam không nên chấp nhận mẫu hợp đồng mà DN Trung Quốc đưa sẵn vì các điều khoản chế tài thường có lợi cho họ. Cơ quan trọng tài cần ghi vào Hợp đồng là trọng tài kinh tế phía Việt Nam hoặc nước thứ ba. Vì việc xét xử tranh chấp thương mại theo cơ quan trọng tài tại Trung Quốc thường tốn kém, phức tạp về thủ tục và ngôn ngữ (nhiều DN nhỏ của Việt Nam đã phải bỏ cuộc khi theo đuổi các vụ kiện vì phí tổn cao khi cơ quan trọng tài ở Trung Quốc). Đ.H |
Hải Vân