Sinh thời, Bác Hồ luôn là tấm gương mẫu mực, sáng ngời về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Người không những chỉ rõ tác hại của nạn lãng phí, mà nhiều lần Người còn nhấn mạnh: “Lãng phí không phải chỉ là tiêu tốn tiền của, mồ hôi nước mắt của Nhân dân, mà nguy hiểm hơn là tham ô, lãng phí và quan liêu là thứ “giặc nội xâm” nguy hiểm, làm tha hóa, suy thoái đạo đức cách mạng, phá hoại tinh thần trong sạch, ý chí vượt khó của cán bộ, đảng viên, là nguy cơ đe dọa trực tiếp đến an nguy quốc gia và sự tồn vong của chế độ”; “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ”.
Tình hình tham nhũng, tiêu cực và vấn nạn lãng phí mặc dù đã được toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta luôn đấu tranh, phòng chống quyết liệt. Song, như Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ: “Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí... chưa có chuyển biến rõ rệt... phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí vẫn còn hạn chế... Tham nhũng, lãng phí... vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp... ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội”.
Vấn nạn lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển xã hội. Trong đó, gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo; tạo rào cản vô hình làm lỡ thời cơ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đó là, chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa có tính căn bản, đáp ứng yêu cầu thực tiễn công cuộc đổi mới dẫn đến việc thực thi pháp luật còn hạn chế, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực; thủ tục hành chính rườm rà, làm mất thời gian, công sức của doanh nghiệp, cá nhân.
Bộ máy Nhà nước có nơi, có lúc hoạt động chưa hiệu quả gây lãng phí cơ hội phát triển của địa phương, vùng và đất nước. Một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, thiếu năng lực, né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm. Năng suất, chất lượng lao động thấp; tài nguyên thiên nhiên, tài sản công do quản lý, sử dụng chưa hiệu quả. Trong đó, chậm giải ngân vốn đầu tư công, cổ phần hóa, xử lý thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước; chậm sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, cũng như xử lý các dự án, các chương trình, mục tiêu quốc gia, các gói tín dụng hỗ trợ phát triển an sinh xã hội. Lãng phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng diễn ra dưới nhiều hình thức. Đặc biệt là lãng phí thời gian, tiền bạc của Nhà nước và nhân dân vào những căn bệnh hình thức, phô trương không đáng có.
Vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có bài viết và kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, cả hệ thống chính trị đồng lòng chống lãng phí. Theo đó, cần thống nhất nhận thức việc đấu tranh phòng, chống lãng phí là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đầy cam go, phức tạp; không kém phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tập trung tuyên truyền sâu rộng, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên và người lao động. Trước hết là sự nêu gương của người đứng đầu tại từng cơ quan, tổ chức, cá nhân về ý nghĩa, tầm quan trọng và trách nhiệm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tiết kiệm, chống lãng phí phải được thể hiện rõ qua những cam kết, kế hoạch. Phải có lãnh đạo, chỉ tiêu cụ thể, tiến hành thường xuyên, triệt để. Xây dựng, triển khai thiết thực các cuộc vận động, phong trào thi đua về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.
Hai là, tập trung hoàn thiện và tổ chức triển khai có hiệu quả thể chế phòng, chống lãng phí; xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể có hành vi, việc làm gây thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước, xã hội và nhân dân. Đẩy mạnh phát hiện, xử lý nghiêm minh các vụ vi phạm gây lãng phí lớn tài sản của xã hội, Nhà nước và nhân dân, theo tinh thần "xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực".
Ba là, tập trung giải quyết triệt để các nguyên nhân dẫn đến lãng phí tài sản, tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực để phát triển đất nước và chăm lo đời sống nhân dân. Trong đó, đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật; cải cách triệt để, giảm tối đa thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp, chống bệnh quan liêu. Nâng cao sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, năng lượng, nhân lực, vật lực trong lao động, xây dựng đất nước.
Bốn là, cần xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí; đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành việc làm thường xuyên như “rửa mặt hàng ngày” một cách tự giác, tự nguyện. Xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong các cơ quan, tổ chức và mỗi cá nhân; khuyến khích nhân dân tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo thói quen quý trọng tài sản của Nhà nước, công sức của nhân dân, sự đóng góp của tập thể và công sức của mỗi cá nhân; coi việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ hằng ngày.
Để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được hiệu quả, thiết thực, trước hết, cần phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu của cán bộ, đảng viên; kết hợp chặt chẽ giữa sự phấn đấu, rèn luyện của bản thân mỗi cán bộ, đảng viên với sự giúp đỡ, kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là những người đứng đầu phải là người tiên phong, gương mẫu trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.