Những công nghệ sản xuất kết hợp giữa các yếu tố vật lý, kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo (AT), robot, mạng internet kết nối vạn vật (IoT), đo lường và in 3D tại triển lãm công nghiệp hỗ trợ Vietnam Mannufacturing 2018 do Công ty Reedtradex (Thái Lan) tổ chức đã cho thấy một bức tranh rõ nét về mô hình nhà máy thông minh trong kỷ nguyên của cách mạng công nghiệp 4.0.
Universal Robots là một trong số những doanh nghiệp dẫn đầu, thành công trong việc tạo ra robot cộng tác (Cobot) thương mại đầu tiên trên thế giới. Bà Shermine Gotfredsen - Tổng Giám đốc của Universal Robots tại Đông Nam Á và Châu Đại dương cho biết, robot hợp tác được thiết kế để cộng tác với con người. Ngoài khả năng sẵn có trong việc tương thích với ngành công nghiệp 4.0, robot hợp tác đã đóng một vai trò quan trọng trong việc cho phép các công ty vừa và nhỏ, với tiềm lực kinh tế chưa cao, có thể bắt đầu áp dụng tự động hoá quy trình sản xuất. “Một số nhà sản xuất đã và đang vận hành hệ thống cơ khí cũ trong hơn 50 năm. Trong thời đại công nghiệp cạnh tranh hiện nay, điểm cốt lõi là cách các nhà sản xuất không thể chỉ nâng cấp, mà cần tận dụng và thay thế các máy móc lỗi thời một cách hiệu quả” - bà Shermine Gotfredses nhấn mạnh.
Robot cộng tác chỉ là một trong số những công nghệ tiên tiến và là xu hướng của nhà máy thông minh hiện nay. Nhà máy thông minh là nơi máy móc được kết nối internet và liên kết với nhau qua hệ thống có thể tự hình dung toàn bộ quy trình sản xuất rồi đưa ra quyết định. Báo cáo mới từ Viện chuyển đổi kỹ thuật số của Capgemini, các nhà máy thông minh có thể đóng góp tới 500 tỷ đô la Mỹ giá trị gia tăng cho nền kinh tế toàn cầu trong 5 năm tới. Công nghệ thông minh mang lại lợi thế cạnh tranh đáng kể cho các nhà sản xuất, như tăng sản lượng, chất lượng và tăng tính đồng bộ.
Ông Suttisak Wilanan - Phó Giám đốc điều hành Công ty Reed Tradex cho biết, 76% các nhà sản xuất đang tiến hành xây dựng hoặc bắt đầu đầu tư chuyển đổi thành nhà máy thông minh, chỉ 14% trong số đó hài lòng với kết quả đạt được. Nhà máy thông minh là một sự thay đổi lớn, các nhà sản xuất khó tránh khỏi sự choáng ngợp trong giai đoạn đầu, đặc biệt là đối với quốc gia đang trên đà phát triển sản xuất như Việt Nam. Hành trình này cần được lập trình kĩ lưỡng theo từng bước, tránh việc thay đổi đột ngột.
Với đà thu hút FDI thời gian qua, Việt Nam đang dần trở thành nhà cung ứng toàn cầu, theo ông Suttisak Wilannan, sự phát triển của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đang rất ổn định, có khả năng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời tạo đà tăng dần tỷ lệ nội hóa. “Tuy nhiên, các doanh nghiệp nội địa tìm kiếm cho mình cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu cần phải có một lộ trình đổi mới công nghệ để cải thiện năng lực sản xuất hơn nữa. Bởi hiện có trên 70% các nhà sản xuất vào cách mạng thông minh, nhưng tỷ trọng ứng dụng của các doanh nghiệp hỗ trợ Việt Nam là chưa nhiều”- ông Suttisak Wilannan khuyến cáo.
Trước cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu trong thời đại của cách mạng 4.0, hiện nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã có những nhận thức và từng bước thay đổi để thích ứng kịp thời. Ông Nguyễn Quang Tạo - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phẩn Công nghiệp Weldcom cho biết, trong quá trình cung ứng các sản phẩm trong ngành gia công kim loại ông đã nhận thấy rõ sự thay đổi từ doanh nghiệp, khách hàng và đối tác. Điều này thể hiện qua quan điểm đầu tư, sản phẩm, đặc biệt, các doanh nghiệp không đặt nặng vấn đề cạnh tranh mà chủ yếu tập trung đầu tư vào năng suất, xây dựng mô hình mẫu trong sản xuất bằng sự tiếp cận, đầu tư các công nghệ thông minh.
Các công nghệ, giải pháp cũng như kinh nghiệm thực tế về nhà máy thông minh đang được giới thiệu mạnh mẽ tại Việt Nam nhằm hỗ trợ các nhà sản xuất công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vượt qua những thách thức trong giai đoạn đầu chuyển đổi sang ngành công nghiệp 4.0 |