Tiếp sức cho doanh nghiệp miền núi
Công ty TNHH Hà Liên (Thanh Hóa) đầu tư dây chuyền sản xuất gạch bê tông hiện đại, quy mô hàng chục triệu viên/năm |
Tăng kinh phí
Năm 2016, khuyến công Thanh Hóa chỉ triển khai thực hiện được 3 đề án tại khu vực miền núi với kinh phí hỗ trợ 750 triệu đồng. Năm 2017, tỉnh đã thực hiện gấp đôi số đề án với tổng kinh phí 1,2 tỷ đồng.
Tiêu biểu, Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất gạch không nung” thực hiện tại Công ty Cổ phần (CP) gạch không nung Thanh Tâm (huyện Mường Lát), công suất 4 triệu viên gạch/năm. Đề án có tổng kinh phí thực hiện 871 triệu đồng, kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 200 triệu đồng cho hạng mục đầu tư máy ép gạch tự động. Theo đại diện đơn vị thụ hưởng, để bảo đảm công suất theo dự kiến, việc lựa chọn dây chuyền máy tạo hình đồng bộ là cần thiết. Với thiết bị này, nhà máy hoàn toàn chủ động trong việc sản xuất, có thời gian nghỉ bảo dưỡng, thay thế các chi tiết nhanh hỏng. Đề án hoàn thành giúp doanh nghiệp tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, giảm ô nhiễm môi trường và tiết kiệm tối đa điện năng tiêu thụ trong sản xuất.
Tương tự, Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất sản phẩm mỹ nghệ từ gỗ tự nhiên và gỗ công nghiệp” thực hiện tại Công ty CP Xây dựng hạ tầng Hồng Kỳ (huyện Bá Thước) cũng là điểm nhấn của khuyến công Thanh Hóa. Sự đồng hành của công tác khuyến công đã giúp giảm gánh nặng kinh phí và khuyến khích được doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương.
Theo đại diện Trung tâm Khuyến công và Tiết kiệm năng lượng Thanh Hóa, chương trình khuyến công của tỉnh đã phát huy hiệu quả, có sức lan tỏa tốt và nhận được sự hưởng ứng của các doanh nghiệp, cơ sở; giúp sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương và tạo ra được sản phẩm có giá thành hợp lý. Đặc biệt, hoạt động khuyến công đã tác động và khuyến khích được một số cơ sở tại khu vực miền núi mạnh dạn đầu tư thiết bị tiên tiến vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
Vẫn cần trợ sức
Khuyến công Thanh Hóa đã đạt được một số thành công trong việc hỗ trợ và tạo lực đẩy cho các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) khu vực miền núi phát triển. Tuy nhiên, theo đại diện Trung tâm Khuyến công và Tiết kiệm năng lượng Thanh Hóa, nhiệm vụ này còn khó khăn vì cơ sở sản xuất tại khu vực miền núi số lượng ít, nhỏ lẻ, sản xuất thủ công là chính. Do đó, để tìm được đối tượng thụ hưởng đạt tiêu chí theo quy định là rất hiếm. Cùng đó, Thanh Hóa là tỉnh có nguồn tài nguyên phong phú, nhiều cơ sở CNNT đang khai thác và chế biến, tuy nhiên, các cơ sở hoạt động manh mún, nguồn vốn hạn hẹp, công nghệ thiết bị còn hạn chế. Đây cũng chính là các đối tượng mà công tác khuyến công đã chú trọng tiếp cận hỗ trợ, nhưng do địa bàn rộng lớn, 100% các huyện chưa có khuyến công viên, nguồn kinh phí hỗ trợ hạn chế nên cũng ảnh hưởng đến nội dung triển khai.
Để công tác khuyến công của tỉnh thực hiện tốt hơn nữa, Trung tâm Khuyến công và Tiết kiệm năng lượng Thanh Hóa đề nghị Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) quan tâm, hỗ trợ thêm kinh phí hàng năm để triển khai nhiều đề án; hướng dẫn chi tiết nội dung hỗ trợ ứng dụng sản xuất sạch hơn trong sản xuất công nghiệp và hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường cho các cơ sở; phần chi phí xây dựng cơ bản đối với cơ sở thực hiện đề án nên căn cứ vào tình hình đầu tư của đơn vị tại mặt bằng sản xuất thông qua kiểm tra thực tế để triển khai lắp đặt hệ thống thiết bị, máy móc phục vụ cho mô hình trình diễn kỹ thuật...