Tín dụng bất động sản có thể tăng tới 18%
Thông tin từ Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, đến hết quý 3/2015, tín dụng cho lĩnh vực bất động sản tăng 14,59% so với cuối năm 2014, cao hơn 2,5% so với mức tăng của cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản chỉ chiếm tỷ trọng 8,05% tổng dư nợ tín dụng, so với cùng kỳ năm 2014 có tỷ trọng 7,86% và tăng trưởng 11,85% thì mức tăng trên là không đáng kể. Thực tế, dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản tập trung lớn nhất vào phân khúc xây dựng, sửa chữa, mua nhà, xây dựng đô thị, chiếm trên 60%.
Tính từ năm 2012 đến nay, tín dụng trong lĩnh vực bất động sản vẫn liên tục tăng trưởng nhưng mức tăng không cao, tỷ trọng chung của lĩnh vực này so với tổng vốn tín dụng của nền kinh tế cũng không nhiều. Cụ thể, năm 2012 tăng trưởng 14%, năm 2013 tăng 14,7% và năm 2014 đạt 15,2%. Dự báo với tốc độ tăng nguồn vốn vào bất động sản luôn ở mức cao như năm nay thì dư nợ tín dụng của lĩnh vực này có thể đạt từ 18-20% cho cả năm 2015, cao hơn mức trung bình 14-15% cho giai đoạn 2012-2014.
Ông Nguyễn Tiến Đông - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, định hướng cho vay của các tổ chức tín dụng trong lĩnh vực bất động sản là tập trung nguốn vốn vào các dự án có hiệu quả cao, dự án nhà ở xã hội, các dự án nhà ở thương mại đáp ứng nhu cầu thực của người dân; không thực hiện cấp tín dụng đối với các nhu cầu vay vốn để đầu cơ hoặc triển khai thực hiện các dự án tiềm ẩn mức độ rủi ro cao; Ưu tiên xem xét cho vay đối với các dự án dở dang nhưng có khả năng hoàn thiện và có khả năng tiêu thụ tốt, để hoàn thành dự án có nguồn thu trả nợ ngân hàng, giảm nợ xấu; Tích cực triển khai hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội theo định hướng của Chính phủ, đặc biệt là chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02 của Chính phủ đảm bảo an toàn hiệu quả, góp phần cải thiện nhà ở cho người dân.
Thêm chính sách vay vốn ưu đãi xây nhà ở xã hội
Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đã gần kết thúc thời gian cho vay, đến nay nguồn vốn giải ngân đã được hơn 70%. Để tiếp tục có thêm nguồn tiền cho vay tới các đối tượng mua nhà ở xã hội, NHNN Việt Nam vừa ban hành Thông tư 25/2015/TT-NHNN hướng dẫn về việc cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội đối với các TCTD được chỉ định theo quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP.
Cụ thể, đối với xây đựng nhà ở xã hội chỉ để cho thuê: Mức cho vay tối đa bằng 80% tổng mức đầu tư dự án, phương án vay và không vượt quá 80% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay. Thời hạn cho vay tối thiểu là 15 năm và tối đa không quá 20 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên.
Đối với xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê mua, bán: Mức cho vay tối đa bằng 70% và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay. Trường hợp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê mua, thời hạn cho vay tối thiểu là 10 năm và tối đa không quá 15 năm.
Khách hàng vay vốn ưu đãi để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội sẽ được vay tối đa bằng 80% giá trị hợp đồng mua, thuê, thuê mua nhà với thời hạn cho vay tối thiểu là 15 năm; khách hàng vay vốn ưu đãi để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở của mình thì được vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án vay và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay trong thời hạn tối thiểu là 15 năm.
NHNN cũng quy định lãi suất cho vay ưu đãi sẽ do cơ quan này xác định và công bố trong từng thời kỳ nhưng không vượt quá 50% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong cùng thời kỳ. Bên cạnh đó, lãi suât cho vay ưu đãi xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê sẽ thấp hơn vay xây nhà ở xã hội để cho thuê mua, bán.