Tiết kiệm 14.900 tỷ đồng từ cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử
Chiều 6/11, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trả lời chất vấn tại hội trường Quốc hội về một số nội dung liên quan tới cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử.
Theo Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thủ tướng đã đưa ra một thông điệp, đó là quyết tâm của Chính phủ là phải xây dựng một Chính phủ kiến tạo, một Chính phủ hành động, một Chính phủ liêm chính và lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.
Từ tháng 4/2016 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước 65.595 nhiệm vụ, đã hoàn thành được 48.406 nhiệm vụ và chưa hoàn thành 15.953 nhiệm vụ nhưng trong hạn và có 1.236 nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành. Tỷ lệ nợ đọng nhiệm vụ quá hạn đã giảm mạnh từ 25,2% (đầu nhiệm kỳ, khi Tổ công tác của Thủ tướng được thành lập) xuống còn 1,8% hiện nay, giảm 23,4%.
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội |
Bên cạnh đó, đầu năm 2018 Thủ tướng đã ban hành Nghị định 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Đến nay đã có 100% bộ, ngành, địa phương đã có bộ phận một cửa để giải quyết thủ tục hành chính và đã có 58/63 địa phương đã thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công. Như vậy, có thể nói thủ tục hành chính được giải quyết một cửa và liên thông các cấp trong địa phương.
Đặc biệt có địa phương đã thực hiện việc giải quyết thủ tục hành chính theo phương thức “5 tại chỗ” như Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh. Ngoài “điểm sáng” Quảng Ninh còn có Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Đồng Nai, Cà Mau, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh... Đồng thời, rất nhiều bộ, ngành làm tốt công tác này, như Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, cơ quan Thuế, Hải quan, Kho bạc nhà nước, Bảo hiểm xã hội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam..., là những đơn vị tiên phong trong việc đưa ra các dịch vụ công để phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Chia sẻ cụ thể hơn về các điểm nhấn trong cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: Tính từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV đến nay, đã cắt giảm, đơn giản hóa hơn 1.000 thủ tục hành chính, 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh, 6.776/9.926 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành… Theo cách tính toán của Ngân hàng Thế giới, tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm.
Chưa chưa hài lòng với kết quả như vậy, tháng 5/2020, Chính phủ ban hành tiếp Nghị quyết số 68/NQ-CP về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 với mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh. Đây đang là vấn đề mà được Thủ tướng chỉ đạo rất quyết liệt.
Còn trong vấn đề xây dựng Chính phủ điện tử, có các điểm rất thành công trong chỉ đạo của Thủ tướng, trước hết là Trục liên thông văn bản quốc gia khai trương ngày 12/3/2019, đến nay, hơn một năm đã có 3,5 triệu văn bản điện tử, gửi nhận qua Trục. Như vậy, mỗi một năm tiết kiệm 1.200 tỷ đồng vấn đề về in, giấy, bút, mực, vấn đề bưu phí và đặc biệt vấn đề về minh bạch, giảm bớt những vấn đề tiêu cực.
Thứ hai, hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ khai trương ngày 24/6/2019, đến nay đã phục vụ cho 23 phiên họp Chính phủ và 563 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ. Như vậy, đã giúp cho việc tiết kiệm được 210.000 hồ sơ, tài liệu giấy, tiết kiệm 169 tỷ đồng mỗi năm.
Thứ ba, Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khai trương vào ngày 19/8/2020. Dù mới nhưng đã kết nối với 30 bộ ngành với 20 chế độ báo cáo và 106/200 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Đặc biệt, Cổng Dịch vụ công quốc gia kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh, được khai trương ngày 9/12/2019. Sau gần 11 tháng triển khai, đã có hơn 85 triệu lượt truy cập, đã có 363.000 tài khoản đăng nhập một lần, 25 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái và đã cung cấp 2.200/6.790 thủ tục hành chính và phấn đấu từ nay đến cuối năm cung cấp khoảng 2.500 thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Như vậy, mỗi năm tiết kiệm trên Cổng Dịch vụ công quốc gia khoảng 6.300 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đúng như nhận định của đại biểu Quốc hội, việc giải quyết thủ tục hành chính hiện nay vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc nhất định, đặc nhất là tình trạng chậm - muộn, nhũng nhiễu, tiêu cực để cho người dân phải đi lại nhiều lần, chờ đợi không biết hồ sơ này giải quyết đến đâu. "Nhưng đây chỉ là hiện tượng cá biệt xảy ra ở một số ít cơ quan, là “con sâu làm rầu nồi canh”. Trong các phiên họp Chính phủ, Thủ tướng đã yêu cầu phải chấn chỉnh việc này" - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh.
Nguyên nhân của vướng mắc, hạn chế nêu trên, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng - bên cạnh do yếu tố con người còn có các yếu tố sau: Việc tổ chức bộ phận một cửa hiện nay vẫn bị cát cứ do địa giới hành chính, chúng ta chưa liên thông địa phương này với địa phương khác; vấn đề kết nối và chia sẻ dữ liệu còn ở mức độ hạn chế; hạ tầng công nghệ thông tin còn hạn chế, chưa đáp ứng được công việc, yêu cầu của ứng dụng nghệ thông tin, từ đó tạo nguyên nhân dẫn đến việc người dân ít sử dụng dịch vụ công; nhiều thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp. Các đơn vị chưa thực sự quan tâm đến việc đơn giản hóa, tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính để tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.