Đa dạng giải pháp tiết kiệm năng lượng
Ông Trịnh Quốc Vũ – Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Tiết kiệm năng lượng – Tổng cục Năng lượng – Bộ Công Thương cho biết, sau gần 5 năm triển khai, Chương trình MTQG về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2011- 2015 đã thu được nhiều kết quả tích cực. Đã có 585 dự án, nhiệm vụ đã được triển khai trong khuôn khổ Chương trình; Trên 10 ngàn mẫu sản phẩm thuộc 15 nhóm sản phẩm mục tiêu đã được dán nhãn năng lượng. Chương trình Nhãn năng lượng đã triển khai thành công, tạo được thói quen tiêu dùng, mua sắm các sản phẩm hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng (TKNL).
Toàn cảnh hội nghị |
Chương trình cũng hỗ trợ kiểm toán năng lượng, xây dựng các mô hình hiệu quả năng lượng cho gần 700 doanh nghiệp. Trên 100 tòa nhà đã được vinh danh tại cuộc thi "Tòa nhà hiệu quả năng lượng" do Bộ Công Thương phát động qua các năm.
Bằng việc hỗ trợ lắp đặt 30.000 giàn nước nóng năng lượng mặt trời, chương trình đã kích thích và tạo ra một thị trường giàn nước nóng năng lượng mặt trời sôi động với rất nhiều mẫu mã đa dạng của nhiều nhà cung cấp. Theo thống kê, hiện cả nước có trên 700 ngàn giàn nước nóng năng lượng mặt trời đã được lắp đặt, giúp tiết kiệm khoảng 1 tỷ kWh/năm, tương đương 1.600 tỷ đồng.
Các chương trình truyền thông cộng đồng về TKNL đã được triển khai, truyền tải bằng nhiều hình thức đa dạng trên tất cả các loại hình báo chí, tới mọi tỉnh, thành của cả nước. Thông qua các chương trình truyền thông, tuyên truyền về sử sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, chương trình đã tác động tới người dân, cộng đồng, tạo được thói quen thực hiện TKNL một cách tự nguyện nhất...
Ông Trịnh Quốc Vũ phát biểu tại Hội nghị |
Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có hiệu lực từ ngày 1/1/2011, sau gần 5 năm triển khai được đánh giá là đúng thời điểm và giúp thể chế hóa các quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại Việt Nam. Luật đã gỡ bỏ các rào cản, tạo điều kiện thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nói chung và hoạt động của Chương trình MTQG về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2011-2015 nói riêng. Các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành tạo ra các chuyển biến lớn về thực thi các hoạt động tiết kiệm năng lượng.
Ông Đỗ Hữu Hào – Chủ tịch Hội Khoa học công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại Việt Nam chia sẻ thêm, đến nay, sau gần 5 năm triển khai, các Đề án trong khuôn khổ Chương trình MTQG về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành đồng bộ; cả hệ thống chính trị đã vào cuộc vì mục tiêu TKNL; tháo gỡ rào cản, tạo điều kiện thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên phạm vi toàn quốc. Theo ước tính của Viện Năng lượng, trong cả giai đoạn 2011- 2015, mức năng lượng tiết kiệm được đạt gần 11.880 KTOE, tương đương 6% tổng tiêu thụ năng lượng quốc gia.
Đưa hoạt động TKNL đi vào chiều sâu
Đánh giá về những tồn tại của chương trình, ông Trịnh Quốc Vũ cho hay, nguồn kinh phí cấp từ ngân sách nhà nước cho Chương trình hàng năm thường muộn, tổng kinh phí hàng năm còn thấp. Tổng kinh phí từ ngân sách cấp cho Chương trình tính đến hết năm 2015 là 349 tỷ đồng trong khi đối tượng trong khuôn khổ Chương trình rất rộng và đa dạng. Nhận thức của cộng đồng và doanh nghiệp còn hạn chế, chưa sẵn sàng tiếp cận với thông tin về công nghệ và các giải pháp TKNL. Doanh nghiệp không có vốn hoặc không tiếp cận được những khoản vay tín dụng ưu đãi cho các dự án TKNL…
Hội nghị thu hút rất đông các đại biểu là các nhà quản lý, nhà khoa học, Trung tâm TKNL các địa phương |
Ông Trần Viết Nguyên – Phó ban Kinh doanh – Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chia sẻ thêm, công tác quản lý thị trường các loại hàng hóa, thiết bị có hiệu suất cao, TKNL chưa mang lại hiệu quả lớn, khiến người tiêu dùng vẫn dễ dàng mua phải những thiết bị chưa rõ nguồn gốc, hàng nhái, hàng giả. Định mức tiêu hao năng lượng/một đơn vị sản phẩm của các ngành sản xuất công nghiệp chưa được ban hành…
Để hoạt động TKNL đạt được những thành công hơn trong giai đoạn tới, ông Trịnh Quốc Vũ khẳng định, cần đẩy mạnh truyền thông TKNL theo chiều sâu, tập trung vào những hoạt động cụ thể để DN, người dân cùng triển khai.
Ông Trần Viết Nguyên đề xuất thêm, Chính phủ cần có chính sách nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của các công ty dịch vụ ESCO – mô hình TKNL bằng cách các công ty ESCO tự bỏ vốn đầu tư TKNL và thu lại nguồn tài chính từ chính hiệu quả TKNL thu được. Bên cạnh đó hỗ trợ người dân và DN chuyển đổi các thiết bị có hiệu suất cao theo hướng hỗ trợ trực tiếp cho các DN sản xuất; Điều chỉnh giá mua điện hợp lý để khuyến khích các DN phát triển các dạng năng lượng tái tạo…