Theo thống kê chưa đầy đủ của Đại sứ quán Việt Nam tại Angola, hiện có hơn 40.000 lao động Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại đất nước này và 100% là đi theo hình thức bất hợp pháp - Ảnh minh họa.
CôngThương - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội mới đây đã có công văn cảnh báo người lao động có ý định sang Angola làm việc. Văn bản này nói rõ, “hiện Angola là thị trường chưa có ký kết hợp tác lao động với Việt Nam, Bộ cũng chưa cấp phép cho bất cứ doanh nghiệp xuất khẩu lao động nào đưa lao động sang Angola làm việc. Vì thế, môi trường làm việc tại đây không an toàn”.
“Một số lao động Việt Nam đã từng được đưa sang Angola làm việc hợp pháp, đó là các chuyên gia y tế, nông nghiệp và giáo dục. Tuy nhiên, đó là câu chuyện của nhiều năm trước”, một quan chức của Bộ Lao động Thương binh và Xã nói.
Biết rõ là bất hợp pháp, nhưng số lao động Việt sang Angola vẫn ngày càng đông. Theo thống kê chưa đầy đủ của Đại sứ quán Việt Nam tại Angola, hiện có hơn 40.000 lao động Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại đất nước này và 100% là đi theo hình thức bất hợp pháp.
Cũng theo thống kê của Đại sứ quán Việt Nam tại Angola, năm 2012, tai nạn lao động và dịch bệnh đã làm chết 18 lao động Việt Nam. Gần nhất là chỉ trong tháng 4/2013 đã có ít nhất 6 lao động trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh trở thành nạn nhân trong lúc đang mưu sinh tại đất nước Angola.
Nhiều chuyên gia lo ngại, con số chắc chắn chưa dừng lại ở đó khi đã có 600 lao động Nghệ An và 1.200 lao động Hà Tĩnh đang làm việc tại nước này. Số lao động tại các vùng quê nghèo với giấc mơ “đổi đời” cũng không vì thế mà thuyên giảm.
Ông Nguyễn Xuân Thái, Phó trưởng phòng Phòng Việc làm, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh, cho biết, cơ quan này đã thông báo, khuyến cáo về thị trường Angola nguy hiểm về dịch bệnh, tệ nạn và đặc biệt là về cuộc sống bất hợp pháp…
“Nhưng tất cả chỉ là “nước đổ lá khoai” và lao động vẫn bằng mọi hình thức để sang được Angola làm việc theo visa du lịch. Thậm chí, trong một gia đình có đến hai anh em sang Angola theo hình thức này”, ông Thái nói.
Tại Nghi Xuân, Hà Tĩnh, nơi vừa có một lao động bị chết vì sốt rét khi đặt chân lên đất Angola được 3 tháng, thế nhưng nhiều thanh niên ở đây vẫn đang “tìm cửa” để sang vùng đất châu Phi xa xôi này.
“Chúng tôi không hề bị lừa mà biết rõ là sẽ sang Angola bằng visa du lịch. Chúng tôi cũng biết sang đó sẽ cực khổ thế nào, nhưng biết làm sao khi ở nhà không có việc làm”, anh Trần Văn Dũng, xã Xuân An - huyện Nghi Xuân - Hà Tĩnh, cho biết.
Mới đây, tại cuộc tọa đàm về thị trường Angola, do Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam cùng với 10 doanh nghiệp trong lĩnh vực này tổ chức, Angola được đánh giá là thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro, tuy nhiên đây cũng là thị trường mà theo một số lãnh đạo doanh nghiệp, lại khá tiềm năng khi cho thu nhập cao và nhu cầu lao động là có thực.
Đại diện một số doanh nghiệp cho biết, họ đã khai thác được hợp đồng chính thống với các doanh nghiệp bản địa, đã gửi cho Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) thẩm định.
Về điều này, ông Đào Công Hải, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, do hợp đồng của doanh nghiệp chưa đủ các điều kiện bảo đảm quyền lợi về một công việc ổn định, lâu dài và cũng chưa tính đến phương án bảo đảm an toàn cho người lao động, nên phía Cục chưa thể cấp phép.