Tìm giải pháp đưa thực phẩm an toàn vào các nhà hàng, khách sạn
Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp, cơ sở than phiền, việc đưa các loại thực phẩm an toàn vào các nhà hàng, khách sạn hiện nay còn gặp rất nhiều rào cản. Đại diện Hợp tác xã Khởi nghiệp Xanh (tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu) cho biết, mặc dù hiện nay các cơ sở sản xuất được sản phẩm sạch, chất lượng tốt rất ít trên thị trường như sữa chua tổ yến nhưng cũng chỉ tiếp cận đến bộ phận thu mua của các khách sạn, không thể ký hợp đồng dù có đầy đủ các chứng nhận cần thiết. Việc các cơ sở nhỏ tự đi vào khách sạn, nhà hàng để cung cấp thực phẩm mà không quen biết là rất khó khăn.
Ông Nguyễn Công Toại - Giám đốc Sở Công Thương TP. Cần Thơ - chia sẻ, TP. Cần Thơ mặc dù đã tổ chức nhiều chương trình kết nối để doanh nghiệp cung cấp hàng hoá cho nhà hàng, khách sạn nhưng khi các nhà sản xuất đưa hàng được vài lần và đã cung cấp đủ các giấy chứng nhận về an toàn thực phẩm thì các khách sạn lại ngưng không mua tiếp, chuyển sang lấy hàng tại các chợ nhưng vẫn xài các giấy chứng nhận về an toàn thực phẩm của các doanh nghiệp đã cung cấp trước đây. Thực tế, khoảng cách cung cấp thực phẩm sạch giữa cơ sở sản xuất với các nhà hàng, khách sạn còn rất xa và khó thực hiện.
Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, vấn đề thực phẩm an toàn từ chuồng trại, nhà vườn đến được nhà hàng, khách sạn đang tồn tại một khoảng cách rất dài, đường đi gập ghềnh và khá phổ biến. Để có thể giải quyết triệt để vấn đề này, theo bà Lan vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các nhà hàng, khách sạn trong việc quản lý đội ngũ nhân sự và sử dụng nguồn thực phẩm sạch đóng vai trò chính.
Tuy nhiên, đại diện khách sạn Đệ Nhất cho biết, đơn vị này nhập hàng thực phẩm tương ứng khoảng 2-3 tỷ đồng/tháng, thời gian cận tết lượng hàng cần gấp đôi và khách sạn luôn mong muốn các doanh nghiệp cung cấp những sản phẩm có chất lượng cao. Nhưng do việc dự trữ của khách sạn rất hạn chế, chỉ sử dụng từ 1-3 ngày, vì thế còn nhiều khó khăn cho các đối tác cung ứng hàng hoá. Hiện nhà hàng phải nhập tất cả các loại thực phẩm tươi sống qua một đầu mối là tiểu thương, cũng là đại lý đã được các cơ quan quản lý cấp giấy chứng nhận, trong khi nhà hàng của khách sạn không thể kết nối trực tiếp với một đối tác cung cấp từng mặt hàng. Đại diện khách sạn Đệ Nhất đề xuất, chính quyền thành phố cần khuyến khích các siêu thị lập ra một kênh cung cấp tất cả những mặt hàng với số lượng, giá cả ổn định để cung cấp cho hệ thống, nhà hàng, khách sạn một cách chuyên nghiệp và bài bản.
Đại diện khách sạn Times Square, bà Phạm Mỹ Long chia sẻ, quy trình quản lý an toàn thực phẩm của khách sạn tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về an toàn thực phẩm, yêu cầu các nhà cung cấp kiểm nghiệm định kỳ hằng năm về chất lượng của hàng hoá. Tuy nhiên, khó khăn của khách sạn là còn thiếu thông tin về các nguồn cung cấp thực phẩm an toàn, nhất là những lúc thị trường xuất hiện dịch bệnh nên thường vẫn phải nhập khẩu các sản phẩm từ nước ngoài để thay thế nguồn cung trong nước. Ông Nguyễn Hoàng Anh Phi, Giám đốc khách sạn Thiên Hồng nêu, việc tìm nguồn thực phẩm đầu vào của các khách sạn là cực kỳ quan trọng, luôn mong tìm được đối tác có năng lực cung cấp hàng đạt chất lượng.
Bà Nguyễn Khánh Phong Lan thông tin, trong giai đoạn 2017 đến hết tháng 6/2019, Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố đã tiến hành kiểm nghiệm hơn 19.000 mẫu, trong khi giai đoạn năm 2015 và 2016 chỉ kiểm nghiệm hơn 4.000 mẫu. Từ kết quả kiểm nghiệm và thực tế kiểm tra, nhiều đơn vị nhà hàng, khách sạn hiện nay không đáp ứng được yêu cầu về an toàn thực phẩm.
Bà Nguyễn Huỳnh Trang - Phó giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh - cho biết, từ cuối năm 2018 thành phố đã ký kết liên tịch giữa Sở Công Thương, Sở Du lịch và Ban Quản lý An toàn thực phẩm của thành phố để phối hợp giải quyết các khâu cung ứng sản phẩm thực phẩm an toàn cho nhà hàng khách sạn và nhiều giải pháp cũng đã được thực hiện. Trong đó có việc kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm những sai phạm đối với nhà sản xuất, nhà cung ứng và đơn vị cung cấp thực phẩm cho người tiêu dùng nhưng tình hình vẫn còn bất ổn.
Bà Trang nói rằng, Sở Du lịch thành phố vừa qua đã phát đi văn bản gửi đến các nhà hàng, khách sạn nếu không có sự thay đổi trong việc thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm thì sẽ công khai danh tính rộng rãi, nhưng đây chỉ là một giải pháp tình thế, vấn đề chính là trách nhiệm của các ông chủ, nhà hàng, khách sạn quan tâm ra sao đến vấn đề an toàn thực phẩm cung cấp cho người tiêu dùng. "Việc đưa hàng hoá an toàn vệ sinh vào các nhà hàng, khách sạn là một vấn đề khó nhưng chỉ vì khó mà chúng ta cứ bỏ qua thì sẽ không hình thành được mối liên kết cung – cầu hàng hoá, nhất là những mặt hàng có chất lượng", bà Trang đánh giá.
Tính đến nay, Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh đã cấp quyết định công nhận cơ sở kinh doanh đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch cho 150 cơ sở kinh doanh ăn uống, nhà hàng; 76 đơn vị kinh doanh mua sắm. Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh - nhìn nhận, kết nối cung – cầu là giải pháp không thể thiếu đối với nhiều ngành nghề, trong đó có ngành du lịch. Vì vậy ngoài sự hỗ trợ của cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa cần chủ động tham gia chuỗi kết nối cung – cầu để tăng cường năng lực thâm nhập vào thị trường này và hình thành nên mối liên kết cung - cầu hàng hoá một cách chuyên nghiệp trong tương lai.