Tìm hướng phát triển mới
Công nhân Công ty TNHH Hoàn Cầu Granite (Nhơn Hòa - An Nhơn) chế tác các sản phẩm mỹ nghệ từ đá granite.
- Sản lượng giảm
Theo khảo sát, đánh giá của Sở Công Thương, trữ lượng nguyên liệu đá granite toàn tỉnh khoảng 700 triệu m3, trong đó có nhiều chủng loại đá, như màu vàng tổ ong, vân xám nhạt, màu đỏ rubi, màu trắng sáng chấm đen, bazan có màu xám, bazan xám đen đến xám xanh... Ngoài nguyên liệu trong tỉnh, các địa phương lân cận, như Khánh Hòa, Phú Yên, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai… cũng có một trữ lượng lớn đá granite, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho các DN chế biến đá granite trên địa bàn tỉnh hoạt động ổn định.
Ông Nguyễn Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Với các điều kiện thuận lợi về nguyên liệu, thời gian qua, tỉnh ta đã hình thành ngành công nghiệp khai thác và chế biến đá granite hàng đầu cả nước, số lượng DN hoạt động khai thác và chế biến ngày một tăng. Hiện toàn tỉnh có trên 30 DN chế biến đá granite tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, tổng năng lực chế biến 4,5 triệu m2 đá thành phẩm/năm; tổng vốn đầu tư 430 tỉ đồng, giải quyết việc làm cho gần 1.900 lao động, thu nhập bình quân khoảng 2,5-3 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, thời kỳ phát triển mạnh của ngành công nghiệp này là giai đoạn 2001-2011, với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 20,4%/năm.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Công Thương, ngành công nghiệp chế biến đá granite của tỉnh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng vốn có. Nguyên nhân, do một thời gian dài các DN chế biến đá granite trên địa bàn tỉnh còn thụ động, chủ yếu tập trung chế biến các sản phẩm đá ốp lát, chưa quan tâm đến các sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao. Do vậy, từ năm 2012 đến nay, khi thị trường đầu ra của đá ốp lát gặp khó khăn thì các DN chế biến đá trên địa bàn tỉnh đành phải co cụm sản xuất. Cụ thể, với năng lực chế biến 4,5 triệu m2 đá thành phẩm/năm, nhưng trong năm 2012 các DN trong tỉnh chỉ sản xuất trên 1 triệu m2 và lượng hàng tồn kho chiếm trên 12%. 5 tháng đầu năm 2013, sản lượng đá granite sản xuất toàn tỉnh đạt gần 470 m3, giảm 29,3% so với cùng kỳ năm trước và tỉ lệ hàng tồn kho chiếm trên 20%.
Tìm hướng phát triển
Trước thực trạng nêu trên, các DN chế biến đá granite trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực tìm hướng phát triển mới. Một trong những giải pháp được các DN chú trọng là đa dạng hóa sản phẩm, tăng cường tìm kiếm thị trường đầu ra. Qua thời gian nghiên cứu, nhiều DN chế biến đá granite trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn chế biến các mặt hàng mới phục vụ thị trường xuất khẩu. Ngoài sản phẩm đá ốp lát các loại với nhiều kiểu dáng khác nhau dùng để lát nền, ốp tường, các DN còn chế biến các sản phẩm đá thủ công mỹ nghệ, đá trang trí, tượng hình nghệ thuật, đá lát sân vườn, đôn, bàn ghế ngoài trời… Đặc biệt, từ đầu năm 2013 đến nay, một số DN đã ký kết được các đơn hàng cung ứng đá phục vụ các công trình xây dựng ở nước ngoài.
Ông Trần Thanh Hà, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất đá granite Hoàng Minh (Khu công nghiệp Long Mỹ), cho biết: Việc ký kết được các đơn hàng xuất khẩu cho từng công trình xây dựng cụ thể đã đem lại nhiều thuận lợi cho các DN chế biến đá granite trên địa bàn tỉnh. Thứ nhất, giá của các đơn hàng này luôn cao hơn so với việc xuất khẩu qua các nhà phân phối ở nước ngoài. Thứ hai, do đơn hàng mới có bản vẽ với các kích thước cụ thể, nhà sản xuất chủ động và tiết kiệm được nguyên liệu, không gây lãng phí tài nguyên nên hiệu quả kinh tế cao hơn.
Để chủ động nguồn nguyên liệu chế biến ổn định và lâu dài, hiện nay tỉnh đã tiến hành lập quy hoạch thăm dò, khai thác các loại khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh đến năm 2015, có xét đến năm 2020. Theo đó, các mỏ đá granite được tỉnh huy động vào thời kỳ quy hoạch này là 23 mỏ, với trữ lượng dự báo là 66 triệu m3, đảm bảo nguyên liệu cho các nhà máy chế biến đá trong tỉnh phát huy hết công suất. Tuy nhiên, theo đề nghị của các DN, để ngành công nghiệp khai thác, chế biến đá granite trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định, tỉnh cũng như các bộ, ngành có liên quan cần cấp phép khai thác mỏ cho những DN thực sự có năng lực, có thiết kế khai thác với công nghệ tiên tiến, kỹ thuật hiện đại và có nhà máy chế biến đá granite. Việc cấp phép cần phải tính đến thời gian lâu dài để DN mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị khai thác hiện đại hơn.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Khai thác và chế biến đá Bình Định cũng đã hỗ trợ tích cực cho các DN chế biến đá granite trên địa bàn tỉnh. Ông Lê Văn Thảo, Chủ tịch Hiệp hội Khai thác và chế biến đá Bình Định, cho biết: “Hiệp hội Khai thác và chế biến đá Bình Định ra đời đã khắc phục được hiện tượng tranh mua tranh bán và làm tốt vai trò cầu nối giữa hội viên và lãnh đạo tỉnh, các cấp, các ngành hữu quan. Hiệp hội đã xây dựng website riêng để quảng bá, giới thiệu hình ảnh, sản phẩm mới của các DN ngành đá Bình Định đến với khách hàng và cung cấp thông tin về thị trường cho các hội viên. Ngoài ra, thông qua Hiệp hội, các DN thành viên đã liên kết lại, tham gia sâu vào phân công lao động xã hội, nhằm chuyên môn hóa cao; tận dụng lợi thế về quy mô để đầu tư công nghệ mới, tạo thị trường và vị thế cho nhau; từ đó, bổ sung điểm yếu, phát huy thế mạnh của nhau”.
Theo Báo Bình Định