“Hút” nhiều dự án công nghệ cao
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tổng vốn FDI vào Việt Nam trong tháng 1/2021, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là hơn 2 tỷ USD, giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân, theo ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, do có sự chuyển tiếp giữa Luật Đầu tư 2014 và Luật Đầu tư 2020 nên đã ảnh hưởng tới tình hình cấp mới, điều chỉnh các dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Hiện nay, việc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh vốn tại các địa phương đang gặp khó khăn do Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư 2020 chưa ban hành.
Mặc dù giảm, song đây là kết quả khá tích cực trong bối cảnh thu hút FDI trên toàn cầu bị suy giảm do dịch Covid-19. Đáng chú ý, nhiều dự án đầu tư lớn đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam trong tháng đầu tiên của năm mới 2021 và chủ yếu trong lĩnh vực công nghệ cao. Điển hình, dự án 270 triệu USD với mục tiêu sản xuất, gia công máy tính bảng và máy tính xách tay tại Bắc Giang của Foxconn, Dự án công nghệ tế bào quang điện JA Solar PV Việt Nam (Trung Quốc), vốn đầu tư 210 triệu USD; hay Dự án Công ty TNHH Công nghệ Everwin (Hồng Kông), tổng vốn đầu tư 200 triệu USD tại Nghệ An… Hay mới đây, UBND TP. Hải Phòng đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho Dự án LG Display Hải Phòng tăng vốn thêm 750 triệu USD. Mục tiêu dự án là mở rộng sản xuất các sản phẩm màn hình OLED TV, màn hình OLED nhựa cho các thiết bị, màn hình LCD...
Như vậy, các “ông lớn” trong lĩnh vực công nghệ cao trên toàn cầu đều đã chọn Việt Nam làm địa điểm sản xuất chiến lược và điều này được kỳ vọng rằng, chất lượng dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang được cải thiện đáng kể.
Dự án LG Display Hải Phòng tăng vốn thêm 750 triệu USD |
Điểm đến hấp dẫn
Trong xu hướng dịch chuyển đầu tư trên thế giới, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, được các nhà đầu tư quan tâm, với nhiều lợi thế như ổn định chính trị, ổn định kinh tế vĩ mô, vị trí địa lý, điều kiện đất đai môi trường, nhân lực… Hạ tầng của các khu công nghiệp, khu chế xuất và các khu kinh tế trong cả nước tiếp tục được hoàn thiện, nâng cấp để đón dòng vốn đầu tư.
Theo báo cáo mới đây của Đơn vị phân tích kinh tế (EIU) thuộc Tạp chí The Economist, Việt Nam đã trở thành 1 điểm đến thu hút vốn FDI tại châu Á. Báo cáo này đánh giá Việt Nam ghi điểm cao hơn cả Ấn Độ và Trung Quốc trong chính sách về FDI.
Ông Hirai Shinji - Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP. Hồ Chí Minh - cho biết, ngay trước khi dịch Covid-19 bùng nổ, Việt Nam đã nằm trong danh sách các điểm đến đầu tư phổ biến với doanh nghiệp Nhật. Trong các khảo sát của JETRO với các doanh nghiệp thành viên thì Việt Nam luôn nằm trong top 3 và trong lần khảo sát mới nhất thì Việt Nam nằm thứ hai, chỉ sau Trung Quốc và trước cả Thái Lan.
Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã làm ảnh hưởng tới việc đi lại cũng như các quyết định đầu tư mới, mở rộng dự án của các nhà đầu tư. Thậm chí, tại Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) mới đây cũng đưa ra dự báo rằng, đầu tư nước ngoài toàn cầu có thể “chạm đáy” trong năm nay trước khi tăng trở lại vào năm 2022.
Vì vậy, để đón sóng đầu tư ngoại vào Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, cơ quan chức năng cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, hướng tới các tập đoàn đa quốc gia có thế mạnh về vốn và công nghệ. “Chúng ta nên lập đơn vị chuyên trách để hỗ trợ nhà đầu tư, đồng hành và sẵn sàng giải quyết những vướng mắc của họ để rút ngắn quá trình đăng ký, triển khai đưa dự án vào hoạt động, bảo đảm lợi ích của nhà đầu tư” - ông Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài - đề xuất.
Hiện, các địa phương rất chủ động triển khai những giải pháp để thu hút đầu tư, chú trọng đến dự án, doanh nghiệp có công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, có thể kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. |