Tỉnh Quảng Ninh: Khởi tố 2 đối tượng về hành vi cướp tài sản Tỉnh Quảng Ninh sắp đón 2 đoàn khách quốc tế đầu tiên về sân bay Vân Đồn Tỉnh Quảng Ninh: Cửa khẩu Ka Long thông quan trở lại |
Các chủ tàu gặp nhiều khó khăn
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ninh đã rà soát và đưa ra khỏi danh sách quản lý đối với 545 tàu cá do không đủ điều kiện đăng ký, đăng kiểm hoặc đã chuyển đổi mục đích sử dụng, số tàu hiện đang hoạt động còn 7397 tàu. Trước tình hình giá xăng dầu cao, đội tàu khai thác này chịu nhiều ảnh hưởng do phải di chuyển nhiều và thời gian bám biển ngắn dẫn đến sản lượng khai thác không nhiều. Một số tàu bị thua lỗ do doanh thu không đủ bù đắp lại chi phí và nhiều tàu cá đành đỗ bến do không đủ chi phí ra khơi.
Theo anh Phạm Văn Chuyển - một chủ tàu đánh bắt thủy sản trên biển Quảng Ninh: “Mọi năm thì một tháng đi 6 - 7 chuyến. Nhưng năm nay chỉ đi 2 chuyến để duy trì hoạt động, chi phí sinh hoạt cho tàu và giữ người làm”.
Hiện chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 60% của một chuyến đi biển, giá xăng dầu tăng cao kéo theo chi phí sản xuất cũng tăng tùy thuộc loại nghề và công suất tàu. Vì thế các chủ tàu phải tính toán kỹ trước khi ra biển để giảm thiểu rủi ro kinh tế và phải tìm cách giảm chi phí hoạt động sản xuất bằng cách giảm nhân lực lao động ngoài, kéo dài thời gian hoạt động trên biển hoặc chuyển sang hoạt động kiêm nghề…
Các chủ tàu thuyền đánh bắt thủy sản bị ảnh hưởng do giá nhiên liệu tăng cao |
Một số sản phẩm khai thác không tăng so với trước, nhưng tại các chợ bán lẻ tại các huyện, thị xã, thành phố, giá các loại hải sản tư thương bán cho người tiêu dùng lại tăng làm cho hiệu quả sản xuất của các nghề khai thác hải sản giảm. Ngư dân được hưởng rất ít trong chuỗi giá trị sản phẩm, do đó lợi nhuận thấp và đời sống ngư dân gặp nhiều khó khăn.
Hiện Quảng Ninh đặt mục tiêu tổng sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm 2022 đạt 72.921 tấn trong đó sản lượng khai thác đạt 34.834 tấn. Tuy nhiên, trước tình trạng giá xăng dầu tăng cao như hiện nay, mục tiêu này khó có thể thực hiện.
Không chỉ các chủ tàu đánh bắt thủy sản bị ảnh hưởng, nhiều tàu du lịch cũng gặp nhiều khó khăn, bắt buộc phải đồng loạt tăng giá vé sau khi giá xăng, dầu liên tục tăng. Hiện mức giá của một số hãng tàu cao tốc chạy tuyến Vân Đồn đi các đảo Cô Tô, Quan Lạn, Ngọc Vừng… đã tăng từ 10-20%.
Theo các chủ tàu, giá có tăng thì cũng chỉ bằng mức giá vé đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt và đã được thực hiện từ giữa năm 2019 - thời điểm giá xăng dầu còn thấp. Việc tăng giá vé cũng khiến lượng khách du lịch đi tàu giảm, chỉ có những ngày cuối tuần đông khách các chủ tàu mới bán đủ số ghế và tăng thêm chuyến.
Nhiều giải pháp hỗ trợ người dân được đề xuất
Trước thực trạng trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh đề xuất, kiến nghị Tổng cục Thủy sản tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có cơ chế, chính sách hỗ trợ một phần kinh phí mua dầu cho ngư dân khai thác thủy sản; vốn đóng mới, cải hoán nâng cấp, thay máy sang máy ít tiêu hao nhiên liệu… Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng phối hợp với địa phương thường xuyên dự báo ngư trường chính xác, đảm bảo độ tin cậy cao, cung cấp cho các chủ tàu cá, giảm chi phí di chuyển dò tìm các đối tượng đánh bắt để tăng hiệu quả sản xuất trên biển.
Ông Ngô Văn Đạt, Phó Trưởng phòng nghiệp vụ, Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Hiện đơn vị cũng khuyến cáo ngư dân thành lập các tổ đội, nghiệp đoàn nghề cá có tàu dịch vụ chuyển tải sản phẩm về bờ để giảm chi phí xăng, dầu phục vụ sản xuất đồng thời tăng thời gian bám biển”.
Đồng thời, có chính sách chuyển đổi nghề nghiệp cho một bộ phận ngư dân để giảm áp lực đến nguồn lợi ven bờ, chuyển từ nghề đánh bắt hiệu quả thấp sang các ngành nghề khai thác chọn lọc, thân thiện với môi trường, chuyển đổi từ nghề khai thác gần bờ ra xa bờ.
Nhiều tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long phải "nằm" bờ do lượng khách thấp trong khi giá nhiên liệu tăng |
Được biết, thời gian vừa qua, để bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường kinh doanh xăng, dầu và hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế xã hội, ngành Công Thương Quảng Ninh cũng đã phối hợp với các sở, ngành tham mưu báo cáo UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Kế hoạch số 110/KH-UBND ngày 7/4/2022 về việc đảm bảo cung ứng xăng, dầu và tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng, dầu năm 2022 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, thực hiện có hiệu quả 3 nhiệm vụ về cung ứng và dự trữ xăng dầu; kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu; tuyên truyền, thông tin về đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu trên địa bàn tỉnh.
Ngày 10/6/2022, Sở Công Thương Quảng Ninh có Văn bản số 1854/SCT-QLTM1 báo cáo, đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện duy trì giá bán buôn cho thương nhân phân phối, thương nhân nhận quyền thấp hơn giá bán lẻ công bố trên thị trường. Đảm bảo chiết khấu cho thương nhân bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống ở mức đủ bù đắp chi phí kinh doanh tối thiểu như chi phí vận tải, hao hụt, lương cơ bản của nhân công bán hàng trực tiếp.
Đồng thời, thông báo giá bán cho thương nhân phân phối, thương nhân nhận quyền bán lẻ; mức chiết khấu cho thương nhân làm đại lý thuộc hệ thống về cơ quan quản lý nhà nước để có thông tin quản lý. Ngoài ra, công bố công khai số điện thoại đường dây nóng để người dân thông tin, phản ánh hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng, dầu, qua đó có hình thức xử lý kịp thời.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương Quảng Ninh cũng đang đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm cho người dân thông qua các kênh phân phối như cơ sở chế biến, xuất khẩu, cơ sở sản xuất… để nâng cao giá trị sản phẩm cho thủy sản, góp phẩn ổn định cuộc sống của người dân.