Tọa đàm Giải bài toán chi phí kinh doanh - Khơi thông "điểm nghẽn" cung ứng xăng dầu
Toàn cảnh cuộc toạ đàm như sau:
MC, Nhà báo Phương Lan: Kính thưa quý vị!
Có thể nói, thị trường xăng dầuViệt Nam đã và đang trải qua giai đoạn rất khó khăn bởi những biến động khó lường trên thị trường thế giới. Ở thị trường trong nước, chi phí kinh doanh xăng dầu cũng được cho là chưa theo kịp diễn biến thực tế trên thị trường đã khiến nhiều doanh nghiệp đầu mối kinh doanh thua lỗ; nhiều đại lý gián đoạn nguồn hàng, gây nên những khó khăn rất lớn trên thị trường.
Để góp thêm một tiếng nói về những giải pháp tháo gỡ những khó khăn nêu trên, Vuasanca tổ chức Chương trình Chính sách và Đối thoại với chủ đề: “Giải bài toán chi phí kinh doanh - Khơi thông "điểm nghẽn" cung ứng xăng dầu”.
Tham gia chương trình hôm nay, xin trân trọng giới thiệu:
- PGS.TS Ngô Trí Long
- PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh
- TS Vũ Đình Ánh
- Ông Bùi Ngọc Bảo – Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam
Cú sốc thị trường xăng dầu
MC: Trong hơn 40 năm qua, thế giới đã chứng kiến khoảng 9 cuộc khủng hoảng năng lượng như: Khủng hoảng dầu lửa 1973 - 1975 khiến giá tăng vụt và người mua phải xếp hàng dài; Cách mạng Iran và biến động thị trường dầu lửa năm 1979; Giá dầu tụt thê thảm vào những năm 1980; Cơn sốt giá dầu năm 1990; Giá dầu xuống dốc năm 2001; Đợt khủng hoảng giá dầu nghiêm trọng năm 2007 - 2008 và cú sốc dầu lửa 2011.
Vậy xin hỏi PGS, TS Ngô Trí Long, ông so sánh gì về những khó khăn của thị trường xăng dầu Việt Nam trong 2 năm gần đây, so với những cuộc khủng hoảng đó?
PGS.TS Ngô Trí Long:
Trong hơn 40 năm qua, có nhiều nguyên nhân gây ra khủng hoảng xăng dầu, trong đó chủ yếu do những biến động chính trị. Trong 2 năm gần đây, lần đầu tiên trong lịch sử ta thấy giá xăng dầu biến động rất hy hữu.
PGS.TS Ngô Trí Long |
Tôi lấy ví dụ, tháng 4/2020, giá thế giới kỳ hạn giao sau còn -36 USD 1 thùng, chúng ta chưa bao giờ thấy hiện tượng như vậy, có thể nói đây là hiện tượng hy hữu. Một phần do tác động của dịch Covid-19 tới nền kinh tế suy giảm lớn, giãn cách xã hội dẫn đến nhu cầu dầu không có. Một sản phẩm tài nguyên khai thác tự nhiên giá bán ra lại âm.Tiếp sau đó, khi thế giới kiểm soát được dịch bệnh, giá xăng dầu có xu hướng tăng lên 70- 80 USD. Chúng ta dự báo là giá xăng dầu sẽ còn biến động, giá xăng dầu có xu hướng tăng. Giá tăng tại sao? Vì sau giai đoạn bị khủng hoảng kinh tế, các nước đã có hướng hỗ trợ phục hồi, chính sách tài chính… cho nền nhu cầu nhằm thúc đẩy tăng trưởng sẽ cao.
Đồng thời, đầu năm 2022, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina khiến căng thẳng về năng lượng rất lớn. bởi Nga chiếm 40% cung cấp năng lượng cho Châu Âu, có nguồn khí đốt rất lớn, cho nên lượng cung lớn như vậy mà bị tác động thì các nước phương Tây liên kết lại và ra những lệnh trừng phạt sắp đặt nhằm đánh vào túi tiền vào Nga (chính là dầu thô) cũng khiến làm cho gián đoạn đứt gãy nguồn cung.
Các cuộc khủng hoảng nguyên nhân về cơ bản giống nhau, đặc điểm cuộc khủng hoảng giống như năm 1973, và kéo dài 2 năm.
Liệu cuộc khủng hoảng này kéo dài bao lâu? Nó phụ thuộc vào khả năng cung ứng, mà vẫn phụ thuộc vào xung đột giữa Nga và Ukraina, và được dự báo kéo dài cả thập kỷ. Trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng của năm 2021 và 2022 gần tương tự cuộc khủng hoảng năm 1973 và 1975 còn bị tác động bởi dịch bệnh. Dù dịch bệnh đã kiểm soát được nhưng vẫn còn tác động và kéo dài vì vậy cuộc khung hoảng năng lượng cũng vẫn còn kéo dài. Nhưng điều khác là cuộc khủng hoảng hiện nay giá không cao, nhưng thị trường trong nước lại gặp rất nhiều khó khăn. Ở đây, chính sách của chúng ta, ngoài cơ chế điều hành, một vấn đề rất quan trọng là giá xăng dầu của bất kỳ 1 quốc gia nào đó phụ thuộc 2 yếu tố là giá xăng dầu thế giới và chính sách tài chính của mỗi quốc gia.
Chính sách tài chính với thuế là chính (1 lít xăng dầu cõng 4 loại thuế). Vậy chúng ta cần phải xem những loại thuế đó đã phù hợp chưa? Như thuế tiêu tiêu thụ đặc biệt, mặt hàng xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đã phù hợp chưa?
Tuy xăng dầu là mặt hàng thiết yếu nhưng được sản xuất từ nguyên liệu hoá thạch có nguồn cung hữu hạn, khuyến khích sử dụng tiết kiệm.
Theo quan điểm các nhân tôi, trong bối cảnh hiện nay, giá xăng dầu sẽ neo ở mức cao nhưng không phải ở mức đỉnh cao, có thể sẽ neo ở mức khoảng 70 - 80 đô thậm chí 90 đô.
MC:Nhiều ý kiến cho rằng, đã lâu lắm rồi thị trường xăng dầu mới trải qua một cú sốc lớn, khó lường và khó dự báo như vậy, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào, thưa PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh?
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Năm 2022 là năm cực kỳ đặc biệt trong khoảng 40 năm qua của thị trường Việt Nam và với cả thị trường thế giới cũng rất đặc biệt. Từ khi bắt đầu bùng phát xung đột tại Ukraina đã tác động đến thị trường xăng dầu khiến giá thế giới tăng đến 60%. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp trong nước lại trong trạng thái lo lắng, về việc bao vây cấm vận của một số nước phương tây...
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh |
Nhưng thực tế cho thấy, Nga vẫn bán, thị trường xăng dầu thế giới tăng đỉnh trong 6 tháng và đảo chiều bắt đầu giảm nhanh, dẫn đến hoạt động cung ứng xăng dầu có những thay đổi. Vấn đề ở đây, là nếu những doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không tỉnh táo “ôm” hàng thì dẫn đến việc hụt hẫng khi giá có thể rơi xuống tới 20% và như vậy là bị lỗ. Và khi đã lỗ, doanh nghiệp sẽ bị thâm hụt vào nguồn vốn, không có tiền để nhập hàng tiếp, nói chung khó khăn nhiều vấn đề.
Trước những cú sốc của thị trường xăng dầu cũng bộc lộ sự yếu kém về cơ chế quản lý, do đó, cần tái cấu trúc lại, cơ cấu lại, đi theo cơ chế thị trường, đáp ứng được nền sản xuất theo cơ chế thị trường chứ không phải quản lý hành chính như từ trước đến nay.
Cụ thể là giữa các doanh nghiệp đầu mối, các doanh nghiệp cung ứng và các doanh nghiệp bán lẻ cần xem xét lại cơ chế. Mỗi doanh nghiệp cần độc lập, tự chủ và nếu kinh doanh lỗ phải chấp nhận.
Ngoài ra, hiện chúng ta cũng đã tự túc được 70-80% tiêu dùng trong nước, vì vậy, chúng ta cần xây dựng thị trường trong nước tự túc mới có thể xuyên suốt, không bị tác động ảnh hưởng, cũng như Nhà nước sẽ không phải can thiệp nhiều.
Khó khăn khác thường
MC:Thưa ông Bùi Ngọc Bảo, dưới góc độ là một người đã gắn bó rất lâu với vai trò lãnh đạo một doanh nghiệp lớn kinh doanh xăng dầu, ông bình luận gì về những khó khăn của doanh nghiệp về nguồn cung và giá trong 2 năm gần đây?
Ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam: Trước hết, chúng ta phải nói về khủng hoảng năng lượng nói chung của năm 2022 và khủng hoảng về xăng dầu nói riêng. Có thể nói, cuộc khủng hoảng này nó khác biệt hẳn với các đợt khủng hoảng trước. Đợt khủng hoảng này bị tác động bởi rất nhiều yếu tố, nhất là do yếu tố chính trị. Rõ ràng chúng ta cũng nhìn thấy, tác động của yếu tố chính trị cộng với thực tế diễn ra sau 2 năm dịch, cộng hưởng với việc nền kinh tế thế giới suy giảm sau thời gian dịch bệnh có cơ cấu phục hồi. Đặc biệt, trong cuộc khủng hoảng này có sự chuyển dịch về cơ cấu năng lượng. Đó là khí gas vốn chủ yếu cung cấp cho các nhà máy điện ở nước châu Âu. Nhưng do tác động của cuộc xung đột giữa Nga – Ucraina đã tác động trực diện đến cơ cấu năng lượng này và ảnh hưởng đến khủng hoảng lớn về dầu.
Ông Bùi Ngọc Bảo |
Đây là cuộc khủng hoảng có những dị biệt: giá dầu thô có lúc lên rất cao và xuống cũng rất thấp. Nhưng vấn đề quan trọng hơn là cơ cấu sản phẩm xăng dầu bị ảnh hưởng bởi tác động này. Do đó, chỉ một mặt hàng diezel là phải thay thế giá gas. Chính vì thế, có những thời điểm giá diezel vọt lên cao nhất mọi thời đại. Giá dầu diezel cộng thêm các loại phụ phí có thời điểm lên cao nhất tới gần 200 USD/thùng.
Ở Việt Nam chúng ta ghi nhận lần đầu tiên sau bao nhiêu năm, giá diezel cao hơn cả giá xăng.
Tháng 7 khi giá dầu lên đỉnh điểm thì giá xăng trở về nhịp độ bình thường, xoay quanh giá dầu thô. Lợi nhuận lọc dầu của xăng có thời điểm thấp hơn dầu thô. Nhưng ngược lại là giá diezel vẫn duy trì ở mức rất cao. Cho đến thời điểm này vẫn ở mức khoảng 40 USD/thùng. Như vậy chúng ta có thể thấy được sự biến động của cơ cấu sản phẩm trong cuộc khủng hoảng này.
Thứ hai là năm 2022 là năm đặc biệt: mức độ tăng, tần suất tăng, giảm là ở mức độ cực kỳ lớn. Cụ thể, trong 1 ngày, giá dầu có thể biển động 10-12 USD trên một phiên giao dịch. Trong khi trước đây, chu kỳ này phải mất 15-20 ngày thậm chí 1 tháng.
Chi phí kinh doanh - điểm nghẽn mấu chốt MC: Vậy còn câu chuyện chi phí kinh doanh xăng dầu, ông chia sẻ gì về những khó khăn của doanh nghiệp xăng dầu trong việc chưa được tính đúng, tính đủ chi phí, gây nên những khó khăn trên thị trường?
Ông Bùi Ngọc Bảo: Chúng ta đang nhầm lẫn, thực tế mà nói trong cấu trúc của nghị định 95, công thức giá cơ sở có hai phần, 1 phần là công thức nhập trong nước và công thức nhập nước ngoài. Nguyên lý thì không có gì khác nhau cả chẳng qua khi xây dựng chúng ta luôn có tư duy nhập trong nước phải rẻ hơn mua nước ngoài, do đó chúng ta đặt ra những cách thức vận hành như thế, cái này hoàn toàn đúng quan điểm của Đảng, của chúng ta mong muốn, nhưng rõ ràng không phải lúc nào mong muốn của chúng ta cũng đạt được.
Chi phí ở đây có 2 phần, về vốn hiện tại bây giờ tôi có cảm tưởng đang lẫn lộn, kể cả cơ quan quản lý nhà nước. Thực chất ra mà nói chi phí chúng ta đang bàn, đang điều chỉnh, đang họp là chi phí tạo nguồn. Chi phí tạo nguồn đồng nghĩa với việc đây là giá vốn đã được doanh nghiệp thực hiện, theo quy định của nghị định 95, những chi phí này được tổng kết lại sau 6 tháng thực hiện của DN. DN báo cáo lên chi phí bao nhiêu, chi phí mua phụ phí mua xăng dầu từ nước ngoài về là bao nhiêu, chi phí đưa tàu về Việt Nam là bao nhiêu sau đó báo cáo lên liên bộ trên cơ sở. Do chúng ta xác định nó phải rẻ như thế là mâu thuẫn rồi. Ông bảo mua ở nước ngoài phải cộng thêm phụ phí là 2 – 3 USD trong khi tôi mua ở đây không được USD nào là ra sao? Vẫn có những phụ phí có thể 0,8 USD hoặc 1 USD nhưng nhưng phụ phí này không được đưa vào công thức nên doanh nghiệp tụt vốn ở đó. Cơ cấu nhập khẩu nó chỉ chiếm 20 - 25%. Như thế ông nào nhập về hòa với 75% kia thì cao lên nữa thì ông ấy bị lỗ. Quy định của chúng ta là 6 tháng 1 lần đưa vào công thức, Bộ Tài chính chuyển sang Bộ Công Thương lắp vào công thức đã được định vị rồi cộng trừ nhân chia, xem chỗ nào thiếu hụt thì điều phối. Công thức đó không thay đổi.
Đến khi bắt đầu từ tháng 6, nhẽ ra đợt điều chỉnh ngày 11/11 này không diễn ra, mà phải từ 1/1/2023 nhưng người ta mới thấy nhập khẩu thực tế về cộng với 11 USD, trong khi công thức hiện trạng duy trì chỉ có 3 USD thì còn 7 USD/thùng thì lỗ nên đề nghị điều chỉnh sớm đi. 3, 4 tháng đi thẩm tra xem như thế nào cộng lại. Cơ chế này liên bộ báo cáo với Thủ tướng, thử tướng đồng ý, vừa rồi mới có việc báo chí phản ánh là cái này. Cái này là đương nhiên doanh nghiệp phải bỏ ra. Do thực tế chi phí cao quá nên nó giảm. Rõ ràng DN nhập khẩu vẫn thiếu khoảng 6 USD, do đó càng khó khăn, càng nhập về lỗ xấp xỉ 1.000 đồng/lít. Đây là vấn đề.
Còn loại chi phí nữa liên quan đến chiết khấu đó là chi phí lưu thông. Cái chúng ta xác định ở năm 2014 khi làm ra nghị định 83, cái đó còn nguyên vẹn là 1.350 đồng. Chi phí đó năm nào Bộ Tài chính cũng rà soát và thực sự nó không vượt cao lên, có nhiều lý do không vượt cao lên, các doanh nghiệp phát triển nên chi phí giảm do tiến bộ khoa học kỹ thuật, kinh doanh tổ chức tài chính tốt, chứ không phải chúng ta giảm chi phí của nó, đâm ra nói không rà soát là không đúng. Rõ ràng chúng ta vẫn để nguyên như thế thì ra kết luận đến năm 2014 chúng ta xác định không đúng, thừa thãi quá đâm ra từ 2014 – 2022 chúng ta tăng mọi thứ nhưng không nó không di chuyển gì. Rõ ràng đây cũng là vấn đề các doanh nghiệp đề nghị rà soát lại, trong khi chúng ta có yêu cầu rất nhiều. Nói thế thôi cũng phải nhìn nhận lại, bây giờ hải quan cũng yêu cầu các đầu mối nhập khẩu tự động kết nối, thuế cũng yêu cầu, chuyển đổi số của hệ thống, thanh toán không tiền mặt… tất cả phải có chi phí, chi phí rất lớn, nguồn ở đâu? Nó chỉ nằm trong chi phí về lưu thông thôi chứ không có chi phí ở đâu khác cả. Đối với chi phí DN đã kiến nghị lên rất nhiều, cần có giải pháp.
Rõ ràng chúng ta nhìn thấy càng có tác động thị trường xăng dầu. Hiện giờ là 10 ngày điều chỉnh 1 lần nhưng có nhiều quan điểm cho rằng 3 ngày, 5 ngày nhưng không ai làm được, chúng ta phải nhớ thế. Chỉ có DN mới điều hành được việc đó, Nhà nước không thể nào làm thay doanh nghiệp được. Bởi cơ sở nào để điều chỉnh? Cơ chế đó không thực hiện được, phải trả lại đúng quy luật thị trường, quy luật cung cầu. Nhà nước chỉ quản lý ở mức chịu đựng khung giá, mức chịu đựng của nền kinh tế. Quy trình báo cáo lên, tổng hợp lại, có đoàn đi từng doanh nghiệp để thẩm tra, chính vì những lý do đó, những chi phí đó phải được kiểm toán thì giá xăng dầu chờ kiểm toán độc lập thì đến bao giờ. Vừa rồi Bộ Tài chính cũng rất tích cực cử đoàn đi xuống các doanh nghiệp thẩm tra, cộng trừ nhân chia rất vất vả. Các bộ, ngành đã thực hiện tròn vai trách nhiệm của mình nhưng không thể thực hiện được, vì không có cơ chế nào phủ được dị biệt của thị trường.
MC: Những chia sẻ từ Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đã cho thấy bức tranh khá toàn diện về chi phí kinh doanh xăng dầu. Ông chia sẻ gì về điều này, thưa PGS Ngô Trí Long?
PGS.TS Ngô Trí Long Trong bối cảnh, trong tình hình thực tế, qua sự phản ánh 1 cách kịp thời của các doanh nghiệp thì các cơ quan chức năng đã nhận thức được các vấn đề đó, và cũng đã sửa đổi. Mà sửa đổi theo quan điểm cá nhân của tôi, những người làm kinh doanh trực tiếp là những người nắm chắc vấn đề và dựa trên cơ sở biên hiển thị giá là bao nhiêu? Xác định bao nhiêu? Hoặc cơ sở báo cáo lên thì dựa vào đó xem có chính xác hay không? Nguồn tin đó có chính xác hay không thì phải dựa vào các quản lý thẩm định xem có chính xác hay không? Và phải dựa trên cơ quan kiểm toán.
PGS.TS Ngô Trí Long |
Từ đó theo tôi nghĩ, cái để bản thân doanh nghiệp và cơ quan chức năng kiểm soát về giá cần làm sao để đảm bảo được lợi ích của các doanh nghiệp, để doanh nghiệp kinh doanh có lợi ích, có lợi nhuận, chứ không phải siêu lợi nhuận để có cơ chế định giá làm sao cho ổn định. Còn qua thực tế vừa qua, tôi thấy là doanh nghiệp bị tổn thất rất lớn và bị thiệt hại rất nhiều. Đến khi doanh nghiệp đã lên tiếng rất mạnh mẽ nếu không doanh nghiệp sẽ phá sản thì mới có đề nghị xem xét điều chỉnh. Theo tôi được biết hiện nay, qua tiếp cận 1 số doanh nghiệp thì mức điều chỉnh này vẫn là chưa thoả đáng. Do vậy, nên cần phải xem xét lại trong bối cảnh 1 năm thị trường xăng dầu dị biến, dị dạng như vậy mà cơ quan quản lý không nắm bắt được, không phải là người thực tiễn trong kinh doanh thì khó có khả năng xử lý để thích ứng đáp ứng được với sự phát triển, tồn tại của các doanh nghiệp.
MC:Nhiều doanh nghiệp cho rằng, do chi phí chưa được tính đúng, tính đủ nên doanh nghiệp đã lỗ đến hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng. Trong bối cảnh DN xăng dầu cũng là DN sản xuất kinh doanh, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
PGS TS Đinh Trọng Thịnh: Phải khẳng định một điều, đã là kinh tế thị trường thì kinh doanh phải có lợi nhuận, không lợi nhuận không kinh doanh. Tuy nhiên có mấy vấn đề cần đề cập, thứ nhất là phải tính đến trách nhiệm của các doanh nghiệp tư nhân xăng dầu chưa phản ánh đầy đủ về các thay đổi, biến động. Bên cạnh đó, vai trò của các hiệp hội trong việc tiếp nhận phản hồi với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính chưa đầy đủ.
PGS TS Đinh Trọng Thịnh |
Nếu như những năm trước thì rất bình thường nhưng riêng năm 2022 hàng loạt khó khăn tác động đến doanh nghiệp, như việc đứt gãy chuỗi cung ứng, chi phí vận tải trong tháng 4 - 5 tăng cao nhưng phản ứng của doanh nghiệp cũng không có.
Nhưng cũng phải nhìn nhận cái khó của các cơ quan quản lý nhà nước, khi vấn đề đặt ra là các báo cáo tài chính, báo cáo số liệu kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp không phản ánh được định mức chi phí trong báo cáo tài chính thì rất khó để đưa ra quyết định trong việc điều chỉnh nâng mức giá đối với doanh nghiệp. Điều này cũng cực kỳ khó cho những người ra quyết định. Do đó, bản thân doanh nghiệp cũng cần phải xem lại.
Thực tế cũng cho thấy, việc Bộ Tài chính thay đổi xem xét điều chỉnh trong 6 tháng 1 lần là một sự thay đổi kịp thời với tình hình, và cũng phải thừa nhận, hiện mức sống của người dân đã lên, trong khi nhà nước vẫn quản lý giá, theo đó, phải nâng mức giá phù hợp với yêu cầu quản lý. Và yêu cầu đặt ra là các doanh nghiệp phải công khai báo cáo tài chính mới có những điều chỉnh thay đổi phù hợp.
Cơ quan quản lý tính toán chi phí chưa đầy đủ MC: Theo Văn bản số 11575/BTC-QLG ngày 8/11/2022 về chi phí định mức để tính giá cơ sở xăng dầu của Bộ Tài chính gửi Bộ Công Thương, ngày 11/11 dự kiến chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về VN sẽ được điều chỉnh tăng, tính toán vào giá xăng dầu để bù đắp chi phí cho DN. Vậy ông cho rằng, mức chi tăng thêm mà Bộ Tài chính công bố đã đủ bù đắp cho chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam chưa? Ngoài mức chi phí này, chi phí kinh doanh định mức; premium và chi phí đưa xăng dầu về đến cảng hiện có biến động nhiều không?
Ông Bùi Ngọc Bảo: Thực tế mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam là chi phí doanh nghiệp đã bỏ ra rồi, đã thực hiện từ tháng 7,8,9 vừa rồi. May mà giai đoạn đấy giá cao hơn giai đoạn trước, còn nếu nó thấp thì Bộ Tài chính sẽ điều chỉnh xuống thôi, chứ không phải Bộ Tài chính điều chỉnh lên hay xuống. Bộ Tài chính chỉ làm công tác tổng hợp lại. Nếu nó thấp hơn cái kỳ tới này thì nó sẽ xuống, nếu nó cao hơn thì nó sẽ cao. Đây là thực tế các doanh nghiệp đã bỏ ra rồi.
Còn về việc điều chỉnh, có điểm đáng ghi nhận là Liên Bộ Tài chính – Công Thương đã quyết định làm sớm hơn, thay vì đợi đến 1/1/2023 mới điều chỉnh, thì liên bộ thấy lên cao nên chỉnh sớm trong ngày 11/11. Việc điều chỉnh sớm lên giúp giải quyết 1 phần khó khăn cho DN.
Ông Bùi Ngọc Bảo |
Còn cái quan trọng nhất vẫn là khoản chênh lệch lắp vào giá kia và phụ phí premium mà người ta mua, những hợp đồng mua từ tháng 11, 12 nó không phải là 5-6 đô mà là 11 đô thì người ta vẫn đang còn lỗ tương ứng với 5-6 USD 1 thùng, đây là vấn đề cần phải xem xét để giải quyết thấu đáo trong thời gian tới. Đây cũng là cái phải tập trung vào để xem xử lý bằng cách thức nào trong thời gian tới. Chúng ta sửa đổi Nghị định cũng cần quy trình, đánh giá NĐ 95 ra làm sao mới sửa đổi. Nó sẽ rất ổn nếu giá thị trường xuống, nhưng nhãn tiền là từ tháng 7 giá đã giảm xuống nhích lên rồi lại giảm xuống. Nhưng đúng là tư duy của chúng ta lầ lấy lúc lãi trừ lúc lỗ, nhưng vấn đề chúng ta không chỉ được lúc lãi là lúc nào, đó mới là quan trọng, doanh nghiệp lỗ 1 quý là nguy rồi. Không ai nói được là cứ yên tâm làm đi, cuối năm nay là nó lên, không ai chỉ ra được cái đó.
Giải bài toán giá xăng dầu và CPI MC: Chúng ta mong muốn đủ xăng dầu, người dân dễ dàng mua xăng mà không phải xếp hàng; mong muốn DN có đủ xăng dầu để bán. Nhưng chúng ta cũng mong muốn CPI được kiểm soát, giá xăng dầu không được tăng cao tác động quá lớn vào giỏ hàng hóa, ảnh hưởng CPI. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
PGS.TS Ngô Trí Long: Trong bối cảnh hiện nay, xăng dầu là mặt hàng rất nhạy cảm tác động trực tiếp, gián tiếp tới mặt bằng giá. Trực tiếp ngành lĩnh vực sử dụng xăng dầu làm cho chi phí tăng. Khi bất kỳ ngành nào ngành kinh tế nào cũng phải đưa từ nơi sản xuất đến tiêu dùng. Khi cho phí giá cước tăng thì giá sẽ tăng. Trong bối cảnh chúng ta vừa mới ổn định thị trường xăng dầu cũng như ổn định nền kinh tế vĩ mô, một trong những mục tiêu quan trọng là kiểm soát được lạm phát, trong khi đó giá xăng dầu quyết định; đồng thời phải làm sao để doanh nghiệp có lãi, đảm bảo mục tiêu chính trị. Để làm sao giá xăng dầu đảm bảo được sự tồn tại được nhưng phải phát triển.
PGS.TS Ngô Trí Long |
Những cái anh Bảo nói là phản ánh tâm tư nguyện vọng, thực trạng ngành kinh doanh xăng dầu, để đảm bảo lợi ích hài hòa lợi ích của tất cả là hơi khó. Đối với người tiêu dùng thì làm sao trong bối cảnh Covid-19, nền kinh tế tác động mạnh như vậy khi giá xăng dầu tăng làm cho phí đầu vào các ngành khác tăng; đồng thời người tiêu dùng cũng có những chi phí phục vụ cho bản thân mình trong lĩnh vực xăng dầu ví dụ như người ta đi lại, sinh hoạt. Vì vậy làm sao để đảm bảo thực hiện được hài hòa 3 mục tiêu Nhà nước – doanh nghiệp – người tiêu dùng. Nhà nước trong điều hành giá xăng dầu trong chính sách xăng dầu phải đảm bảo thuế. Doanh nghiệp là lợi nhuận của họ có tồn tại. Người tiêu dùng khi giá lên tôi phải chịu giá lên, khi giá thấp tôi được hưởng giá thấp. Giá xăng dầu của mỗi quốc gia phụ thuộc vào 2 yếu tố, thứ nhất là phụ thuộc vào giá thế giới. Mỗi một quốc gia có nước này thấp nước kia cao. Ở nước ta có 4 loại thuế, trong bối cảnh tình hình này thì nhà nước cũng phải chia sẻ lợi ích với doanh nghiệp và người tiêu dùng, như thế mới đạt được mục tiêu.
Tôi biết vì sao Bộ Tài chính lại rất đắn đo khi điều chỉnh lại mức chi phí kinh doanh, là vì điều chỉnh mức chi phí kinh doanh nếu tăng lên trong bối cảnh nó phải tăng thì sẽ ảnh hưởng tới mặt bằng giá, xăng dầu là một mặt hàng rất nhạy cảm cho nên người ta cũng sợ trách nhiệm nên phải tính toán hết sức thận trọng, vì chậm điều chỉnh dẫn đến nguồn cung thiếu, cái đó chúng ta phải xem xét lại.
Trong quá trình điều hành giá xăng dầu, Bộ Công Thương cũng thấy những bất cập đó, đã tác động trực tiếp đến yêu cầu Bộ Tài chính. Tuy nhiên với sự nhạy cảm, sự biến động của giá xăng dầu tác động lớn như vậy cho nên cơ quan nào cũng ngại. Nếu thành công thì không vấn đề gia nhưng không may có gì xảy ra thì khi đó lại trở tội.
Với quan điểm như vậy để đảm bảo hài hòa lợi ích thì quan điểm của tôi là trong bối cảnh hiện nay phải xem xét lại các mức thuế điều hành. Chúng ta cũng phải thông cảm cho Bộ Tài chính. Thuế là nguồn lực rất quan trọng để phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, thực hiện chính sách an sinh xã hội. Chúng ta xem xét lại mức thuế hiện nay hợp lý chưa. Còn với chi phí kinh doanh, chi phí tạo nguồn, thực tế của họ trong lĩnh vực sản xuất của họ thì cũng xem cách tính toán như thế nào. Phải chăng từ thực tiến để quy định mức tương đối. Cơ cấu cấu thành của doanh nghiệp sao khoa học nhất. Phối hợp chặt chẽ giữa tất cả các bộ, ngành, sát tình hình thực tiễn… Phải có cơ chế chính sách minh bạch, tránh hiện tượng đưa ra quan điểm chung chung mà không có cơ chế chính sách cụ thể.
Trong bối cảnh giá xăng dầu vừa qua hết sức dị thường từ trước đến nay chưa có nên sự điều hành của các cơ quan chức năng thời gian qua, đặc biệt là Bộ Công Thương phải đáng ghi nhận. Bên cạnh đó cũng phải nói đến tâm lý, do thông tin tuyên truyền cho nên nhiều người có tâm lý phòng còn hơn để xảy ra nên chưa cần cũng đến xếp hàng tạo cảm giác không tốt trong kinh doanh xăng dầu, khiến người ta có cảm giác thiếu nguồn cung xăng dầu kinh khủng quá.
MC: Phải nói lạm phát của nhiều quốc gia trên thế giới đang gây ra những lo ngại lạm phát hoàn toàn có cơ sở cho nền kinh tế Việt Nam, và các cơ quan chức năng nỗ lực giữ giá xăng dầu ở mức thấp là có cơ sở. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, Nhà nước vẫn còn dư địa để điều hành giá xăng dầu không tăng lên quá cao. Xin ông cho biết ý kiến của mình về vấn đề này?
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Hiện tại, giá xăng dầu tại Việt Nam đang chịu 4 loại thuế đó là: thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế nhập khẩu. Thứ nhất với thuế nhập khẩu: hiện thuế nhập khẩu xăng dầu từ các nước ASEAN đang giảm từ mức 8% giảm xuống 5%. Như vậy, đa phần các doanh nghiệp xăng dầu sẽ nhập khẩu từ khu vực ASEAN vì thuế thấp.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh |
Thứ hai với thuế tiêu thụ đặc biệt: khoảng 95% các quốc gia trên thế giới đang đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng dầu. Tôi lấy ví dụ, Thái Lan là nước đánh thuế này cực kỳ cao ko chỉ với mặt hàng xăng mà cả với dầu. Còn hiện tại Việt Nam đang đánh thuế 10% và chỉ với mặt hàng xăng. Đây là mức thuế thấp và khuyến khích doanh nghiệ. Trong khi Thái Lan đánh thuế tiêu thụ đặc biệt này là 15% trên giá xăng dầu, và 5,99 bạt trên 1 lít xăng dầu. Các quốc gia khác như Trung Quốc, Anh, Pháp, châu Âu… cũng đánh thuế tiêu thụ đặc biệt ở mức cao.
Thứ ba là thuế VAT 10%. Nhưng cũng phải nói rõ, chúng ta chỉ đánh thuế trên phần giá trị gia tăng chứ không phải trên toàn bộ giá trị hàng. Thứ tư là thuế bảo vệ môi trường từ 1.000đ đến 4.000đ/lít xăng dầu. Hiện chúng ta đã giảm kịch khung theo Nghị quyết số 20/2022/ UBTVQH15 ngày 6/7/2022 của Ủy ban Thường vụ quốc hội. Hiện tổng các khoản thuế chiếm 18,5% trong giá của xăng A92, 19,2 % đối với xăng A95. Còn với dầu thì từ 7-9%. Mức thuế này của Việt Nam hiện được đánh giá là thấp so với mức bình quân của thế giới. Mức giá xăng dầu của chúng ta so với các nước xung quanh cũng là phù hợp.
Về câu chuyện hỗ trợ giá: Tôi cho rằng Chính phủ hoàn toàn có thể can thiệp được về giá bằng cách bỏ hoặc giảm 50% các loại thuế tùy vào cân đối thu ngân sách nhà nước cho phù hợp. Nhưng tôi cho rằng giá xăng dầu của chúng ta đang thấp. Nếu có cơ chế hỗ trợ, nhà nước cần nghiên cứu xem xét các đối tượng trợ cấp cần thiết thay vì trợ cấp ồ ạt. Cần hoạch định một cách cụ thể làm thế nào để hỗ trợ đúng người, đúng việc, đúng đối tượng và cách thức hỗ trợ sao cho hợp lý.
Tìm giải pháp vượt qua cú sốc MC: Dưới góc độ DN, ông có kiến nghị gì để thị trường xăng dầu vận hành ổn định, tránh được tối đa những “cú sốc” như thời gian vừa rồi?
Ông Bùi Ngọc Bảo: Trước hết tôi xin bổ sung ý của PGS TS Đinh Trọng Thịnh, quan điểm của hiệp hội thực chất đôi khi chúng ta đưa thông tin cũng không đầy đủ, thứ nhất trợ giá đúng cho các đối tượng tài trợ. Theo đó, đối với thị trường Việt Nam chúng ta cũng phải có những quy định kiềm giá. Bởi bản thân doanh nghiệp rất mong muốn tính đúng, tính đủ, còn lại theo tôi chi phí vẫn để cho doanh nghiệp tự quyết định. Như vậy mới tạo ra thị trường cạnh tranh và bình đẳng.
Ông Bùi Ngọc Bảo |
Về mức thuế, xăng là mặt hàng tiêu dùng, theo đó phải chịu Thuế Tiêu thụ đặc biệt. Năm 2022, xăng đã vượt qua mức giá 30.000 đồng/lít và chúng ta đã vượt qua bình thường. Tuy nhiên, còn 1 tháng rưỡi nữa sẽ bắt đầu trở lại việc hoàn Thuế Bảo vệ môi trường, do đó, nếu không xử lý sớm thì việc tăng đột ngột sẽ càng khó cho doanh nghiệp. Theo đó, nguyện vọng của doanh nghiệp, nhãn tiền vẫn là đảm bảo nguồn hoạt động và doanh nghiệp rất mong muốn có những giải pháp kịp thời. Bên cạnh đó, theo luật giá, xăng dầu là một mặt hàng trong danh mục bình ổn nằm trong Luật Giá. Luật Giá quy định, kể cả luật trong danh mục nhà nước định giá thì hiện tại xăng dầu do nhà nước định giá phải đảm bảo chi phí, lợi nhuận hợp lý cho doanh nghiệp. Đấy là nguyên tắc đầu tiên của luật giá, nhưng nằm trong bối cảnh hiện nay chúng ta phải tìm ra phương thức hợp lý.
Chúng tôi có kiến nghị, để đảm bảo các doanh nghiệp nhập khẩu về không lỗ thì sử dụng quỹ bình ổn để bù đắp cho khoản lỗ. Đấy là biện pháp vừa làm dung hoà được giá bán cho người dùng và cũng là biện pháp cam kết với doanh nghiệp. Tuy nhiên, cái băn khoăn là cơ chế xử lý như thế liệu có đúng chưa khi chưa có quy định. Hoặc phương án thứ hai, trích từ những doanh nghiệp mua từ các nhà máy lọc dầu trong nước, DN nhập khẩu thì được chi, như vậy thì người tiêu dùng phải chịu giá cao nhưng nó đảm bảo được một mặt bình đẳng đối với tất cả các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh.
MC: Xăng dầu là mặt hàng quan trọng, được ví là máu của nền kinh tế và đang chịu sự quản lý của nhiều Bộ ngành và các địa phương, theo ông, để thị trường xăng dầu vận hành ổn định hơn trong bối cảnh hiện nay, cần giải pháp gì?
PGS.TS Ngô Trí Long: Tôi cho rằng, trong cơ cấu giá bán xăng dầu hiện nay, chúng ta phải xác định cho sát với thực tế, cho hợp lý… Như vậy doanh nghiệp mới có thể đảm bảo tồn tại được. Và trong bối cảnh hiện nay, người tiêu dùng cũng cần phải chia sẻ. Đồng thời, với tình hình giá xăng dầu thế giới có chiều hướng tăng cao, chúng ta cũng phải xem xét lại chính sách thuế của mình để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên. Một điều quan trọng nữa để đảm bảo cho thị trường xăng dầu vận hành ổn định đó là sự phối hợp giữa các bộ, ban ngành phải hết sức nhịp nhàng và có sự đồng thuận cao, quyết liệt, khẩn trương.
MC: Với quan điểm của PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, ông có hiến kế gì cho thị trường xăng dầu Việt Nam vận hành ổn định thời gian tới?
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Chúng tôi cho rằng trước mắt chúng ta nên rà soát lại tất cả các kế hoạch từ nhập khẩu đến tiêu thụ của các địa phương trong những tháng cuối năm và đầu năm 2023 để từ đó có những kế hoạch nhập khẩu hoặc nhập hàng để đáp ứng nhu cầu nhằm thỏa mãn đến mức tối đa nhu cầu về sản lượng tránh tình trạng như thời gian vừa qua cái này là điều đầu tiên chúng ta phải làm.
Cái thứ 2 là để các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh xăng dầu có thể có được chi phí hợp lý rõ ràng cùng với việc Bộ Tài chính có xem xét sửa đổi cái định mức chi phí kinh doanh xăng dầu, các bộ ngành cũng nên có kế hoạch dài hạn để từ đó chúng ta đưa ra quá trình điều chỉnh các định hướng này phù hợp theo thời gian để đảm bảo doanh nghiệp có chi phí kinh doanh phù hợp với thực tiễn. Chúng ta cần phải có bài toán lâu dài hơn, đó là xem xét lại mối quan hệ giữa các chủ thể trong hệ thống kinh doanh xăng dầu hiện nay. Nếu như nhập khẩu anh cần phải có cái gì? Cần phải điều chỉnh như thế nào để đảm bảo tính công bằng đối với những doanh nghiệp được mua của các doanh nghiệp và sản xuất trong nước, đảm bảo chi phí hợp lý nhất cho hai bên.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh |
Chúng tôi cho rằng nếu cần thiết thì chúng ta phải có điều chỉnh để giá nhập về phải tương xứng với giá anh mua trong nước để các doanh nghiệp bình đẳng với nhau. Phải có cơ chế cụ thể giữa doanh nghiệp đầu mối và doanh nghiệp cung ứng, bán lẻ để từ đó chúng ta có hoạt động tương đối độc lập của các doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp là doanh nghiệp độc lập thì anh phải tự chịu trách nhiệm trong kinh doanh cũng như lãi lỗ từ đó đảm bảo tính cạnh tranh tốt hơn. Để không có chuyện như chúng ta nói là ông này đổi cho ông kia.
ề lâu dài phải hướng đến kinh tế thị trường, ở đó nhà nước chỉ định ra cái khung còn doanh nghiệp dần dần phải nới rộng ra để họ có quyền hoạt động độc lập, quyền quyết định về giá, quyền quyết định về chi phí. Nếu ông nào tiết kiệm được chi phí thì ông đó được hưởng. Rõ ràng chúng ta phải xây dựng thị trường xăng dầu từng bước từng bước một.
MC:Thực tế cho thấy, nguồn cung xăng dầu bị thiếu hụt là tình trạng chung của nhiều quốc gia và để hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại COP26, vấn đề sử dụng tiết kiệm năng lượng, đa dạng hóa các nguồn năng lượng lại “nóng” hơn bao giờ hết. Xin được hỏi ý kiến các diễn giả về vấn đề này?
PGS.TS Ngô Trí Long: Trong bối cảnh xăng dầu còn nhiều biến động và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, việc thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng xanh, năng lượng tái tạo là một trong những giải pháp cần thiết. Việt sử dụng các nguồn năng lượng xanh, năng lượng tái tạo có thể ban đầu cao, nhưng lâu dần với việc thu hút đầu tư nhiều, chi phí đầu tư sẽ giảm nhiều, điều này sẽ giúp chúng ta tận dụng được nguồn năng lượng vô hạn, tuy nhiên cũng cần cơ chế chính sách sử dụng tiết kiệm năng lượng kể cả người sản xuất, cũng như người sử dụng.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Chúng ta thấy rằng việc đảm bảo cải thiện cam kết của Việt Nam tại COP26, các doanh nghiệp phải sử dụng tiết kiệm các nguồn năng lượng không tái tạo được. Chính vì thế, về lâu dài, các doanh nghiệp phải có định hướng chuyển sang sử dụng năng lượng xanh, sạch. Tuy nhiên, mỗi doanh nghiệp phải có cách thức để sử dụng nguồn năng lượng xanh bởi chi phí cho nguồn năng lượng này không hề rẻ. Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp cũng đang muốn chuyển đổi sang sử dụng nguồn năng lượng xanh, sạch những thiếu nhiều kiến thức và không biết chuyển đổi bắt đầu từ đâu? Tôi cũng cho rằng trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ các tổ chức quốc tế để có thể có kinh phí cho công tác chuyển đổi này.
Ông Bùi Ngọc Bảo: Trước hết phải nói đây là vấn đề lớn, chúng ta đã có rất nhiều thông điệp liên quan đến COP 26 và những chương trình khác đến bảo vệ môi trường, nhưng đã đến lúc Chính phủ phải giao cho 1 đơn vị, 1 cơ quan cụ thể để có chỉ đạo tập chung đối với lĩnh vực tiết kiệm chuyển đổi sang năng lượng xanh, mà nó phải đi vào đời sống 1 cách thực thụ, đó là từ những việc tổ chức chương trình cụ thể đối với xăng dầu, với xăng sinh học, Quyết định 53, Quyết định 49... Nếu không có các bộ phận chỉ đạo cụ thể, hiện thực thì không bao giờ thành hiện thực được cả. Tại sao phải có cơ quan chuyên trách về vấn đề này? Bởi lẽ thuộc tính của doanh nghiệp khi chỉ thấy chi phí thôi mà không thấy quyền lợi, bằng chứng là doanh nghiệp không có kiến thức về vấn đề này, thiếu vắng sự hướng dẫn, sự chỉ đạo nên khó thực hiện. Rõ ràng, để hướng tới thực hiện COP26 như cam kết thì phải có 1 chỉ đạo cụ thể để hướng tới mọi giai tầng trong xã hội để hoàn thành được chương trình này.
Thưa quý vị!
Xăng dầu được coi là “máu” của nền kinh tế. Với một nền kinh tế có độ mở cao và đang trong quá trình phát triển mạnh mẽ như Việt Nam, nguồn xăng dầu lại càng có vai trò quan trọng trong phát triển nền kinh tế và đời sống dân sinh.
Trong câu chuyện kinh doanh xăng dầu, để tháo gỡ khó khăn cho thị trường, thiết nghĩ, bài toán cần lời giải không chỉ nằm ở nguồn cung, chi phí kinh doanh, mà còn nằm ở rất nhiều yếu tố khác như quản lý chất lượng, hệ thống phân phối… Để ổn định thị trường xăng dầu, cần tổng hòa các giải pháp, song trước mắt, vẫn là tính đúng, tính đủ chi phí kinh doanh để giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt, từ đó ổn định sản xuất kinh doanh, giữ cho dòng chảy xăng dầu được thông suốt.
Một lần nữa xin cảm ơn các vị khách mời đã dành thời gian cho chương trình Chính sách và Đối thoại của Vuasanca !
Xin trân trọng cảm ơn sự theo dõi của quý vị!
Xin kính chào và hẹn gặp lại!