Tọa đàm Hợp tác thương mại và đầu tư Việt Nam - Kazakhstan
Trang thông tin Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ Công Thương 17/05/2024 00:43
Ngày 16/5/2024, tại thủ đô Astana, nhân dịp Khoá họp lần thứ 11 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Kazakhstan về hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học và kỹ thuật, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại và Hội nhập quốc tế Kazakhstan đã phối hợp tổ chức Tọa đàm Hợp tác thương mại và đầu tư Việt Nam - Kazakhstan.
Tham dự Tọa đàm, về phía Việt Nam có Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Kazakhstan Phạm Thái Như Mai, đại diện Văn phòng Chính phủ Việt Nam và đại diện các đơn vị thuộc Bộ Công Thương cùng đại diện một số Bộ, ngành.
Về phía Kazakhstan, có Thứ trưởng Bộ Thương mại và Hội nhập quốc tế Kazakhstan Kairat Torebayev, đại diện Công ty Xúc tiến thương mại Kazakhstan (Bộ Thương mại và Hội nhập quốc tế) và một số doanh nghiệp Kazakstan.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Thứ trưởng Bộ Thương mại và Hội nhập quốc tế Kazakhstan Kairat Torebayev |
Toàn cảnh Tọa đàm Hợp tác thương mại và đầu tư Việt Nam - Kazakhstan |
Khuyến khích doanh nghiệp hai nước đẩy mạnh đầu tư sang nhau
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Thương mại và Hội nhập quốc tế Kazakhstan Kairat Torebayev đánh giá cao việc hai Bộ phối hợp tổ chức Tọa đàm, đây là cơ hội tuyệt vời để hai Bộ, cộng đồng doanh nghiệp hai nước thiết lập các mối liên hệ kinh doanh mạnh mẽ. Thứ trưởng Kairat Torebayev cho biết, khu vực Đông Nam Á là điểm đến đầu tư, thương mại hấp dẫn và đầy hứa hẹn đối với Kazakhstan. Năm 2023 kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Kazakhstan với các nước khu vực Đông Nam Á tăng trưởng mạnh mẽ, như với Trung Quốc tăng 8%, Hồng Kông tăng 30%, Hàn Quốc tăng 20%, Việt Nam tăng 46%...
Thứ trưởng Kairat Torebayev nhấn mạnh, Việt Nam luôn là một trong những đối tác quan trọng của Kazakhstan tại châu Á. Năm 2023 kim ngạch thương mại hai chiều đạt 979,2 triệu USD, cao hơn 85,4% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu của Kazakhstan sang Việt Nam tăng 43,7% và đạt 180,2 triệu USD.
“Xuất khẩu của Kazakhstan sang Việt Nam đang tiếp đà tăng trưởng. Quý I/2024, Kazakhstan xuất khẩu sang Việt Nam đạt kim ngạch 62,5 triệu USD, tăng 4,8% so với cùng kỳ 2023” - Thứ trưởng Kairat Torebayev thông tin.
Thứ trưởng Bộ Thương mại và Hội nhập quốc tế Kazakhstan Kairat Torebayev: Kazakhstan không chỉ cung cấp chế độ đầu tư ổn định mà còn cung cấp các dịch vụ vận tải và hậu cần. Đây là động lực quan trọng để tăng cường dòng chảy thương mại hai quốc gia |
Cũng theo Thứ trưởng Kairat Torebayev, năm 2023, nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Nguyên thủ quốc gia K. Tokayev đến Việt Nam, lãnh đạo hai nước đã ký kết, thống nhất ra Kế hoạch hành động chung nhằm tăng tốc phát triển hợp tác kinh tế thương mại giai đoạn 2023-2025. Kế hoạch hành động chung này là kim chỉ nam để hai bên thực hiện các biện pháp nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế và thương mại song phương trong các lĩnh vực như thương mại, đầu tư, nông nghiệp... Song song đó, cơ chế Ủy ban liên Chính phủ cũng đã và đang tạo điều kiện cho hai bên đẩy mạnh quan hệ hợp tác.
Thứ trưởng Kairat Torebayev nhận định, Kazakhstan có tiềm năng xuất khẩu sang Việt Nam với trên 70 mặt hàng, trị giá khoảng 495 triệu USD thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Tháng 3/2023, sau khi đến Việt Nam đoàn doanh nghiệp Kazakstan đã quan tâm hợp tác với các công ty Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như: Sản xuất đồ uống (có cồn và không cồn), bánh kẹo, sản phẩm thịt (theo chứng chỉ Halal), trong lĩnh vực vận chuyển, logistics, lĩnh vực hàng không...
Đáng chú ý, trong lĩnh vực hàng không, Thứ trưởng Kairat Torebayev nhấn mạnh, đây là lĩnh vực hợp tác đầy triển vọng. Hiện nay, mỗi tuần có 13 chuyến bay giữa Kazakhstan và Việt Nam, điều này đã giúp đẩy nhanh thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước, cho phép tăng cường vận chuyển hàng hóa có lợi nhuận cao từ Kazakhstan và ngược lại.
“Kazakhstan không chỉ cung cấp chế độ đầu tư ổn định mà còn cung cấp các dịch vụ vận tải và hậu cần. Đây là động lực quan trọng để tăng cường dòng chảy thương mại hai quốc gia Việt Nam - Kazakhstan” - Thứ trưởng Kairat Torebayev giới thiệu và khẳng định, Kazakhstan sẵn sàng mở rộng hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực mà hai bên có tiềm năng, thế mạnh.
Tại Tọa đàm Hợp tác thương mại và đầu tư Việt Nam - Kazakhstan, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên chính thức gửi lời mời đến các doanh nghiệp Kazakhstan và các doanh nghiệp khu vực Trung Á, Đông Âu hãy đến với Việt Nam để tìm hiểu cơ hội đầu tư, hợp tác đầu tư |
Cùng phát biểu khai mạc Tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Việt Nam và Kazakhstan có quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp từ thời Liên Xô, và tái thiết lập quan hệ vào năm 1992. Hai nước có vị trí quan trọng và có ảnh hưởng tích cực trong khu vực và trên thế giới.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, Việt Nam có thể là cửa ngõ để Kazakhstan tiến sâu hơn vào các nước trong khu vực ASEAN và châu Á - Thái Bình Dương. Ở chiều ngược lại Kazakhstan là cửa ngõ để Việt Nam vào Trung Á, Đông Âu và Kazakhstan cũng là quốc gia có khả năng cung cấp nguồn nguyên liệu, khoáng sản cho sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam.
Thông tin về tình hình phát triển kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Việt Nam là một quốc gia bước ra khỏi chiến tranh và thoát khỏi bao vây cấm vận trong gần 40 năm qua. Từ một nền kinh tế có quy mô nhỏ với GDP trên 100 tỷ USD, nay Việt Nam đã vươn lên trở thành nền kinh tế đứng thứ 39 trên thế giới với GDP trên 440 tỷ USD.
Không những vậy, Việt Nam là nước với nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao, ổn định; là nền kinh tế có độ mở lớn, kim ngạch xuất nhập khẩu gần gấp đôi GDP. Kim ngạch thương mại quốc tế của Việt Nam là hơn 730 tỷ USD mỗi năm. Cùng đó, Việt Nam duy trì quan hệ thương mại với hầu hết các nước thuộc Liên hợp quốc và có 16 Hiệp định thương mại tự do với hầu hết các nước phát triển và nền kinh tế lớn trên thế giới.
Đáng chú ý, trong 8 năm qua, Việt Nam luôn được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong 20 nước có thương mại quốc tế lớn nhất thế giới, 1 trong 15 quốc gia có độ hấp dẫn đầu tư nước ngoài nhất (với tổng vốn đầu tư nước ngoài lũy kế gần 470 tỷ USD từ 141 quốc gia và vùng lãnh thổ).
Việt Nam cũng là nước có dân số đông (trên 100 triệu người trong độ tuổi lao động), trong đó 65% người lao động đang ở độ tuổi lao động. Việt Nam có 54 dân tộc anh em sống hòa thuận với bản sắc văn hóa rất độc đáo; có cảnh quan đẹp, khí hậu bốn mùa; nhiều danh lam và kỳ quan thế giới.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, Việt Nam đã và đang được gọi là “công xưởng của thế giới”, vì vậy, Việt Nam rất cần hợp tác với các quốc gia (nhất là các quốc gia giàu tiềm năng) để được có nguồn cung ổn định về nguồn nhiên liệu, vật liệu cho sản xuất, xuất khẩu; hợp tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng.
Với những lợi thế kể trên, các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam sẽ không chỉ sử dụng cơ chế chính sách thông thoáng, ưu đãi, sử dụng nguồn nhân lực trẻ, tay nghề cao, cần cù, năng động và hội nhập; không chỉ khai thác thị trường tại chỗ (với hơn 100 triệu dân) mà còn có cơ hội khai thác thị trường ASEAN với 600 triệu dân và thị trường các nước mà Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại từ do (với dân số từ 5-6 tỷ dân).
Bên cạnh hợp tác đầu tư, các doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam còn như những khách du lịch dài ngày bởi Việt Nam với cảnh vật và ẩm thực vô cùng đa dạng, hấp dẫn và không khí sản xuất kinh doanh sôi động, náo nhiệt.
“Tại Tọa đàm, chúng tôi chính thức gửi lời mời đến các doanh nghiệp Kazakhstan và doanh nghiệp khu vực Trung Á, Đông Âu hãy đến với Việt Nam để tìm hiểu cơ hội đầu tư, hợp tác đầu tư. Chính phủ, các Bộ ngành, chính quyền địa phương Việt Nam nhiệt tình ủng hộ các bạn. Chúng tôi luôn tin rằng “Thành công của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là thành công của Việt Nam” và ngược lại” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chia sẻ và hoan nghênh, khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam nhanh chóng và quyết tâm hơn để tìm kiếm cơ hội đầu tư, hoạt động đầu tư ở Kazakhstan và khu vực Trung Á.
Khẳng định vai trò của các cơ quan kết nối, xúc tiến thương mại
Tại Tọa đàm, chia sẻ cơ hội hợp tác kinh doanh - đầu tư và xúc tiến thương mại Việt Nam - Kazakhstan, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) nhận định, để tăng cường kim ngạch xuất nhập khẩu và đầu tư giữa hai quốc gia, thì vai trò của các cơ quan liên quan tới thương mại, đầu tư là vô cùng quan trọng.
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phát biểu tham luận tại Tọa đàm Hợp tác thương mại và đầu tư Việt Nam - Kazakhstan |
“Bộ Công Thương có Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Liên bang Nga kiêm nhiệm Kazakhstan, phụ trách theo dõi thị trường, tìm kiếm các cơ hội xuất nhập khẩu/đầu tư song phương, hỗ trợ doanh nghiệp hai nước kết nối, trao đổi thông tin, tìm kiếm đối tác.... Cùng đó, Bộ Công Thương Việt Nam đang nghiên cứu thành lập cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Kazakhstan nhằm theo dõi thị trường, kết nối các cơ hội hợp tác một cách chặt chẽ hơn.
Ở trong nước, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ thuộc Bộ Công Thương Việt Nam phụ trách theo dõi chung về mặt chính sách thương mại, thị trường Liên minh Kinh tế Á - Âu trong đó có Kazakhstan. Cục Xúc tiến thương mại thuộc Bộ Công Thương Việt Nam phụ trách thực hiện đa dạng các hoạt động xúc tiến thương mại như cung cấp thông tin thị trường phục vụ xúc tiến thương mại thông qua các sự kiện hội nghị, hội thảo, tổ chức, tổ chức tham gia các hội chợ, triển lãm, tổ chức các phái đoàn giao dịch thương mại và đầu tư, đào tạo nâng cao năng lực thực hành xúc tiến thương mại và đầu tư cho các tổ chức, doanh nghiệp...” - Cục trưởng Vũ Bá Phú thông tin và kỳ vọng, sau Tọa đàm, các cơ quan hai nước nước sẽ tích cực hợp tác, tổ chức đa dạng các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư để nâng tầm hợp tác kinh tế Việt Nam - Kazakhstan.
TS. Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương |
TS. Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương cũng khẳng định, Việt Nam đã xây dựng và hoàn thiện những cơ chế, chính sách về công nghiệp và thương mại theo hướng ngày càng tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các nhà đầu tư từ Bulgaria nói riêng đến hoạt động sản xuất và kinh doanh tại Việt Nam. Những cơ chế, chính sách về công nghiệp và thương mại của Việt Nam ngày càng thông thoáng, minh bạch và phù hợp với các cam kết quốc tế song phương và đa phương.
Ông Trịnh Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương Việt Nam) trình bày tham luận tại Tọa đàm Hợp tác thương mại và đầu tư Việt Nam - Kazakhstan |
Đánh giá cao giá trị, ý nghĩa Tọa đàm xúc tiến thương mại đầu tư Việt Nam - Kazahkstan mang lại, ông Trịnh Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương Việt Nam) cho biết, cho đến nay, giữa Việt Nam và khối EAEU chưa phát sinh vụ việc điều tra phòng vệ thương mại nào liên quan đến hàng hóa của nhau và đang nỗ lực tạo điều kiện để hàng hóa của nhau tiếp cận được với người tiêu dùng hai nước. Cục trưởng Trịnh Anh Tuấn ủng hộ và nhất trí việc xây dựng mối quan hệ hợp tác về phòng vệ thương mại giữa Cục Phòng vệ thương mại Việt Nam và Ủy ban Kinh tế Á - Âu để cùng trao đổi, thảo luận, nâng cao sự hiểu biết và tăng cường mối quan hệ giữa hai cơ quan trong lĩnh vực này.
Ông Lê Triệu Dũng - Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia Việt Nam |
Liên quan đến pháp luật cạnh tranh, ông Lê Triệu Dũng - Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia Việt Nam cũng khẳng định, cùng với việc mở cửa thị trường, Việt Nam đã nỗ lực hoàn thiện khuôn khổ pháp luật cạnh tranh theo hướng tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, không phân biệt đối xử cho các doanh nghiệp trên thị trường. Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia hi vọng sẽ có thể tăng cường hơn nữa các hoạt động hợp tác với cơ quan cạnh tranh của Cộng hòa Kazakhstan để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và học hỏi từ nhau; từ đó giúp tăng cường môi trường cạnh tranh bình đẳng, hiệu quả và thúc đẩy các cơ hội thương mại và đầu tư cho các doanh nghiệp của cả hai nước.
Cũng tại Tọa đàm, rất đông các doanh nghiệp Việt Nam và Kazakhstan đã trao đổi, thảo luận. Nhiều lĩnh vực được cộng đồng doanh nghiệp hai nước quan tâm và đề nghị mở rộng hợp tác như: Hàng không, du lịch, hợp tác phát triển ô tô điện, năng lượng và công nghệ xanh...
Chia sẻ mong muốn được kết nối với các doanh nghiệp Kazakhstan trong lĩnh vực hàng không, du lịch, đại diện hãng hàng không VietjetAir cho biết, hàng không và du lịch có thể nói là điểm sáng trong quan hệ hợp tác thương mại, du lịch giữa hai nước. Việc hai nước miễn thị thực nhập cảnh cho hộ chiếu phổ thông đã mở ra cơ hội mới cho ngành hàng không, du lịch của Việt Nam - Kazakhstan và các đường bay thẳng giữa Việt Nam và Kazakhstan, kết nối thủ đô Astana và thành phố Almaty với thành phố biển Nha Trang hiện đang được Vietjet khai thác kể từ tháng 10/2022, với tần suất hiện tại 3 chuyến bay khứ hồi/tuần mỗi đường bay đã đem lại những sự thuận lợi chưa từng có cho hoạt động du lịch, giao thương, hợp tác kinh tế giữa hai nước.
Cùng đó, đường bay thẳng này đã góp phần quan trọng trong mối quan hệ phát triển quan hệ kinh tế - thương mại - du lịch giữa Việt Nam với Kazakhstan và các quốc gia trong khu vực. Thời gian tới, để mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Kazakhstan, đại diện VietjetAir cho biết, VietjetAir hiện đang tìm kiếm các đối tác trong lĩnh vực hàng không, logistics, xuất nhập khẩu hàng hóa... để mở rộng quy mô. Việc đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp Kazakhstan trong lĩnh vực hàng không sẽ góp phần vào quá trình phát triển kinh tế thương mại hai nước.
Ông Đỗ Xuân Hoàng - Giám đốc điều hành Mareven Holdings đánh giá cao sự đồng hành, hỗ trợ của cơ quan chức năng hai nước trong quá trình tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư kinh doanh |
Đánh giá cao sự đồng hành, hỗ trợ của cơ quan chức năng hai nước trong quá trình tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư kinh doanh, ông Đỗ Xuân Hoàng - Giám đốc điều hành Mareven Holdings cho biết, Mareven Holdings đã đầu tư kinh doanh 6 năm tại Kazakhstan, tuy có những khó khăn nhất định, nhưng chúng tôi doanh nghiệp cùng nhiều doanh nghiệp khác luôn nhận được sự đồng hành hỗ trợ rất tích cực từ của Chính phủ Việt Nam cũng như Chính phủ của Kazakhstan. Tiềm năng hợp tác của hai nước hiện nay rất lớn, và có nhiều triển vọng phát triển mạnh mẽ trong các lĩnh vực mới mà hai bên có thế mạnh. “Thị trường Kazakhstan có hơn 20 triệu dân nhưng Trung Á có hơn 800 triệu dân. Tốc độ phát triển kinh tế trung bình vào khoảng 5%/năm là triển vọng rất lớn nhưng thách thức cũng rất nhiều. Đặc thù của Kazakhstab là mọi vấn đề có thể giải quyết nhưng chúng ta cần sự ủng hộ từ phía Việt Nam, các bộ ngành, nhất là Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Kazakhstan và các nhà lãnh đạo cao cấp…” - ông Đỗ Xuân Hoàng nói.
Trong khi đó, một số doanh nghiệp, Tập đoàn Kazakhstan có thế mạnh trong phát triển các ngành công nghiệp, đặc biệt là các ngành kinh tế xanh cũng đã chia sẻ và gửi lời mời hợp tác. Một số doanh nghiệp cho biết mong muốn hợp tác với Việt Nam để sản xuất, phát triển xe điện, các dòng xe tiết kiệm năng lượng; đầu tư phát triển trong lĩnh vực tài chính, sản xuất rượu bia, vận tải, logictics…
Tọa đàm Hợp tác thương mại và đầu tư Việt Nam - Kazakhstan, một số doanh nghiệp Kazakhstan trao đổi, đề xuất các lĩnh vực hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam |
Phát biểu kết luận Tọa đàm, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao các ý kiến phát biểu, đề xuất của đại diện các đơn vị chức năng, của cộng đồng doanh nghiệp hai nước Việt Nam - Kazakhstan. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn, do vậy, các cơ quan chức năng của hai nước, các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng của hai bên cần tăng cường hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau để cùng phát triển.
“Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chia sẻ và cam kết, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại và Hội nhập quốc tế Kazakhstan sẵn sàng tiếp nhận các thông tin, sẵn sàng lắng nghe ý kiến từ các doanh nghiệp hai nước, từ đó xem xét, nghiên cứu chỉnh sửa các cơ chế chính sách, nỗ lực tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp hai nước hợp tác đầu tư, vì một mục tiêu chung là tăng cường, phát triển hợp tác kinh tế - nâng cao kim ngạch thương mại của hai nước Việt Nam - Kazakhstan.
Cơ chế Ủy ban Liên Chính phủ về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học – kỹ thuật giữa Việt Nam và Kazakhstan được tổ chức luân phiên tại Việt Nam và Bulgaria. Cho đến nay đã trải qua 10 khóa họp. Đây là cơ chế quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại song phương, là kênh thảo luận thiết thực nhằm nêu ra và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, mục tiêu và lĩnh vực hợp tác mới tại nhiều vấn đề mà hai Bên cùng quan tâm. Khóa họp gần nhất là Khóa họp lần thứ 10 được tổ chức vào tháng 9/2022 tại Việt Nam. Khóa họp ngoài các nội dung thuộc chức năng nhiệm vụ của Bộ Công Thương còn có sự tham gia và đóng góp nội dung của các Bộ: Ngoại giao; Kế hoạch và Đầu tư; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Giao thông vận tải; Thông tin Truyền thông, Y tế, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo. Khóa họp lần thứ 11, tổ chức trong bối cảnh hai bên đang triển khai Kế hoạch hành động chung nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Kazakhstan giai đoạn 2023 – 2025, được kỳ vọng sẽ mở ra những không gian hợp tác mới cho hai nước, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch thương mại hai bên. Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, năm 2023, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Kazakhstan trong năm 2023 đạt 401,8 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Kazakhstan đạt 391,0 triệu USD. Nhập khẩu của Việt Nam từ Kazakhstan đạt 10,8 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Kazakhstan bao gồm: Điện thoại các loại và linh kiện (thị phần khoảng 65% trong năm 2023); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đi kèm, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; hàng rau quả, hạt điều, giày dép, sản phẩm dệt may. Việt Nam nhập khẩu từ Kazakhstan các sản phẩm: Sắt thép các loại; kim loại thường khác; lúa mì; bông các loại… |