Việt Nam-Kazakhstan: Có thể nâng kim ngạch thương mại lên 2 tỷ USD trong năm 2024 Kazakhstan sẽ là cầu nối để hàng hoá Việt Nam tiếp cận thị trường các nước Trung Á |
Cam kết của Kazakhstan về một tương lai thống nhất và thịnh vượng
Ngày 25/10/1990, Kazakhstan tuyên bố về chủ quyền tự chủ và chính trị, đây là điểm khởi đầu cho việc đạt được nền độc lập hoàn toàn của Kazakhstan sau này. Cùng với ngày 25/10, Kazakhstan còn có ngày 16/12 – Ngày Độc lập.
Theo Đại sứ Kazakhstan tại Việt Nam, những tiến bộ mà Kazakhstan đã đạt được kể từ khi tuyên bố chủ quyền không chỉ là minh chứng cho quá khứ mà còn là nền tảng vững chắc cho tương lai. Ảnh: Đại sứ quán Kazakhstan tại Việt Nam |
Đại sứ Kazakhstan tại Việt Nam Kanat Tumysh cho biết, Kazakhstan có truyền thống văn minh kéo dài hàng thiên niên kỷ, bao gồm các thời kỳ Đế chế Hung Nô, Đế chế Turkic, Đế chế Kim Trướng Hãn quốc và Hãn quốc Kazakh, được tổ tiên người Kazakh thành lập trên vùng đất thiêng liêng của họ. Đặc biệt, các nhà khảo cổ học tin rằng con người đã lần đầu tiên thuần hóa ngựa ở các thảo nguyên rộng lớn của Kazakhstan. Ngoài ra, lãnh thổ Kazakhstan là thành phần quan trọng của Tuyến đường Thảo nguyên thương mại Á-Âu, tiền thân của con đường tơ lụa trên cạn.
Đối với người dân Kazakhstan, Đại sứ Kazakhstan tại Việt Nam Kanat Tumysh nhấn mạnh: Ngày Cộng hòa (25/10) không chỉ là sự hoài niệm về quá khứ mà còn là hiện thân cho cam kết của Kazakhstan về một tương lai thống nhất và thịnh vượng. Ngày này là ngày tôn vinh khả năng phục hồi và tầm nhìn của người dân Kazakhstan, một tầm nhìn đã đưa Kazakhstan từ một nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ trở thành ngọn hải đăng của tiến bộ và ngoại giao trên trường quốc tế.
Lời hứa về tương lai, được soi sáng bởi những thành tựu của ngày hôm nay, đảm bảo rằng Ngày Cộng hòa không chỉ là ngày tôn vinh chủ quyền mà còn là ngày tôn vinh những khả năng vô tận. “Đất nước chúng tôi đề xuất giải phóng hành tinh khỏi tai họa của các cuộc xung đột bạo lực, chủ nghĩa khủng bố và vũ khí hủy diệt hàng loạt, bao gồm cả vũ khí hạt nhân và sinh học, và xây dựng lại lòng tin toàn cầu thông qua đối thoại”- Đại sứ Kanat Tumysh khẳng định.
Theo Đại sứ Kazakhstan tại Việt Nam, những tiến bộ mà Kazakhstan đã đạt được kể từ khi tuyên bố chủ quyền không chỉ là minh chứng cho quá khứ mà còn là nền tảng vững chắc cho tương lai. Nền tảng này là mảnh đất màu mỡ mà từ đó những sự cải tiến mới, các mối quan hệ ngoại giao sâu sắc hơn và những tiến bộ hơn nữa trong mọi lĩnh vực - xã hội, chính trị và kinh tế - chắc chắn sẽ nảy sinh. Động lực từ những thành tựu này sẽ thúc đẩy Kazakhstan tiến xa hơn nữa trong những thập kỷ tới, củng cố vị thế là ngọn hải đăng toàn cầu về tăng trưởng và phát triển.
Việt Nam - Kazakhstan đang trên đà đạt được kim ngạch thương mại 2 tỷ USD
Đề cập đến quan hệ Việt Nam – Kazakhstan, theo Đại sứ Kazakhstan tại Việt Nam Kanat Tumysh, vào năm 2022, hai nước đã kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong hơn ba thập kỷ, hai nước đã thiết lập quan hệ đối tác dựa trên sự tin cậy cũng như mối quan hệ hữu nghị bền chặt và sự hiểu biết lẫn nhau.
Và hiện tại, ông Kanat Tumysh nhấn mạnh Việt Nam là đối tác kinh tế quan trọng của Kazakhstan tại Châu Á. Năm 2023, thương mại song phương tăng 85,1% so với năm 2022. Trong 8 tháng năm 2024, thương mại song phương của hai nước đã đạt 626,3 triệu USD. "Chúng ta đang trên đà đạt được kim ngạch thương mại trị giá vài tỷ USD" ông Kanat Tumysh nói.
Đại sứ Kazakhstan tại Việt Nam Kanat Tumysh. Ảnh: Hoa Quỳnh |
Chia sẻ thêm, theo Đại sứ Kazakhstan tại Việt Nam, hợp tác kinh tế, thương mại là những nội dung mà Tổng thống Kazakhstan Tokayev đã trao đổi với các nhà lãnh đạo của Việt Nam trong chuyến thăm chính thức tới Hà Nội vào tháng 8/2023. Trong số những vấn đề được đưa ra để thảo luận, người đứng đầu Nhà nước Kazakhstan cũng đã đề cập đến triển vọng phát triển hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, kinh tế, đầu tư, năng lượng, vận tải và logistics, công nghiệp hóa nông nghiệp, văn hóa và nhân đạo.
Với hàng chục hiệp ước liên chính phủ song phương và hợp đồng thương mại đã được ký kết, đánh dấu thành quả từ cuộc gặp giữa hai lãnh đạo hai nước. Đặc biệt, trong số những hiệp định đã được ký kết, chúng ta đã đạt được các thỏa thuận thiết yếu nhất như sau: Thỏa thuận miễn thị thực cho người sở hữu hộ chiếu phổ thông; Chương trình Hành động chung về Hợp tác Thương mại và Kinh tế giai đoạn 2023-2025; Các văn bản hợp tác trong các lĩnh vực du lịch; đầu tư; thương mại; bưu chính và công nghệ tài chính; ngành dầu khí; đường sắt; vận tải hàng không…
Đặc biệt, hai bên đang tập trung thúc đẩy hợp tác du lịch và trao đổi văn hóa. Đại sứ Kazakhstan tại Việt Nam cho rằng, chúng ta tự hào thiết lập các chuyến bay thẳng giữa hai nước. Hiện tại, có các chuyến bay do VietJetAir và công ty Scat Airlines của Kazakhstan khai thác từ Astana và Almaty đến các thành phố Nha Trang và Phú Quốc.
Ông Kanat Tumysh nhấn mạnh thêm, một quốc gia có uy tín như Việt Nam, là một thành viên tích cực của Liên Hợp Quốc, Phong trào Không liên kết, Hội nghị về các biện pháp tương tác và xây dựng lòng tin ở châu Á và ASEAN sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc cùng nhau thực hiện các nhiệm vụ cấp bách. “Tôi có một niềm tin vững chãi rằng chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng một thực tiễn mới về một thế giới công bằng, thịnh vượng và an toàn hơn và vì mục đích này, chúng ta cần khôi phục đối thoại toàn cầu thông qua việc sử dụng các Biện pháp xây dựng lòng tin, đặc biệt là giữa các cường quốc”- ông Kanat Tumysh cho hay.
Dẫn chứng lời nhà triết học Hồi giáo thời trung cổ người Kazakhstan nổi tiếng Al Farabi "Xã hội gắn kết bằng tình yêu thương, sống bằng công lý và tồn tại bằng lao động lương thiện" và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói một cách sâu sắc: "Hãy nhớ rằng, cơn bão là cơ hội tốt để cây thông và cây bách thể hiện sức mạnh và sự ổn định của chúng", Đại sứ Kanat Tumysh nêu: Bất chấp những nghiêm trọng do thiên tai gây ra trong năm nay, cũng như sự khủng hoảng kinh tế, chính trị trên thế giới, nền kinh tế của nước sẽ vẫn đang phát triển, thể hiện sức mạnh bất chấp bão tố.