Tổng kết dự án hỗ trợ kỹ thuật An ninh năng lượng đô thị Việt Nam tại Đà Nẵng
Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng vừa phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Lễ Tổng kết Dự án hỗ trợ kỹ thuật An ninh năng lượng đô thị Việt Nam tại Đà Nẵng.
Dự án hỗ trợ kỹ thuật An ninh năng lượng đô thị Việt Nam tại Đà Nẵng đã hỗ trợ TP. Đà Nẵng tổ chức thành công Giải thưởng Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn thành phố Đà Nẵng năm 2022 và 2023 |
Được khởi động từ tháng 6/2021, Dự án hỗ trợ kỹ thuật An ninh năng lượng đô thị Việt Nam tại Đà Nẵng đặt ra 3 mục tiêu chính gồm: Cải thiện môi trường chính sách ở địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các giải pháp năng lượng phân tán, tiên tiến; huy động nguồn lực nhà nước và tư nhân đầu tư vào các hệ thống năng lượng phân tán, tiên tiến; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, tập quán, mô hình kinh doanh và đầu tư sáng tạo, đột phá trong việc triển khai các giải pháp năng lượng phân tán, tiên tiến.
Về cải thiện môi trường chính sách ở địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các giải pháp năng lượng phân tán, tiên tiến, dự án đã hỗ trợ xây dựng các chính sách và quy định trong lĩnh vực năng lượng sạch, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, cụ thể như: Góp ý Đề án phát triển điện mặt trời trên mái nhà thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035; Kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2020 - 2030; Kế hoạch của UBND thành phố Đà Nẵng thực hiện Chương trình hành động của Thành uỷ Đà Nẵng theo Nghị quyết số 55-NQ/TW; dự thảo Nghị quyết về Quy định chính sách hỗ trợ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2023-2030… Bên cạnh đó, tổ chức các khóa tập huấn, các sự kiện nhằm nâng cao ý thức và hiệu quả trong sử dụng năng lượng tiết kiệm; hỗ trợ và phối hợp tổ chức Giải thưởng Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn thành phố Đà Nẵng năm 2022 và 2023.
Ngoài ra, dự án đã hỗ trợ thực hiện phân tích tác động của điện mặt trời mái nhà đối với lưới điện; đánh giá giảm khí thải carbon với phương tiện xe bus điện và đề xuất khung MRV cho hoạt động xe bus điện tại Việt Nam;…
Về huy động nguồn lực nhà nước và tư nhân đầu tư vào các hệ thống năng lượng phân tán, tiên tiến, dự án đã tổ chức 12 khóa tập huấn về trái phiếu xanh, dự án điện mặt trời, dự án điện rác, về môi trường, xã hội và quản trị trong hạ tầng năng lượng, cho các quỹ và các tổ chức tài chính.
Triển lãm giới thiệu một số giải pháp đổi mới sáng tạo thử nghiệm và thương mại hóa các giải pháp năng lượng phân tán cho đô thị |
Về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, tập quán, mô hình kinh doanh và đầu tư sáng tạo, đột phá trong việc triển khai các giải pháp năng lượng phân tán, tiên tiến, dự án đã hỗ trợ trình diễn các giải pháp đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố; tổ chức 2 buổi hội thảo kết nối (một buổi tại thành phố Đà Nẵng và một buổi online), qua đó mang giải pháp sáng tạo đến với doanh nghiệp sử dụng, cũng như tìm kiếm nguồn vốn đầu tư để phát triển và nhân rộng các giải pháp này. Tại hai buổi hội thảo kết nối này, đã có 12 giải pháp của 12 đơn vị khởi nghiệp được giới thiệu với 12 doanh nghiệp công nghiệp và thương mại.