Tổng kho xăng dầu Nhà Bè: Phát huy tự động hóa trong sản xuất, kinh doanh |
Ngày 13/4/1956, Công ty Xăng dầu khu vực I (Petrolimex Hà Nội) được ra đời với sự giúp đỡ về mặt thiết kế của các chuyên gia Trung Quốc và Liên Xô, trong đó Tổng kho Xăng dầu Đức Giang được xem là "trái tim" với sức chứa 20.000 m3 và 5 điểm cấp phát xăng dầu tại Hà Nội. Thời điểm ấy, Tổng kho Xăng dầu Đức Giang của Petrolimex Hà Nội được xem là nơi dự trữ chiến lược, có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm xăng dầu cho toàn miền Bắc, chi viện cho miền Nam trong cuộc chiến chống đế quốc Mỹ, thống nhất nước nhà.
Cũng chính vì nhiệm vụ chiến lược ấy mà trong những năm tháng chiến tranh chỗng Mỹ cứu nước, Tổng kho Xăng dầu Đức Giang trở thành một trong những “mục tiêu số 1”, “yêu thích” của máy bay địch. Chẳng thế mà, trong cuốn Biên niên sử của Công an Thủ đô đã ghi lại chi tiết kế hoạch của quân địch: "Ném bom các khu dự trữ xăng dầu của Bắc Việt Nam sẽ gây tổn hại nhiều hơn đến khả năng vận chuyển các đồ chi viện chiến tranh ở trong nước và các đường vào Nam Việt Nam hơn là bắn phá bất kỳ một hệ thống riêng biệt nào".
Tổng kho Xăng dầu Đức Giang hiện nay - Ảnh Tạp chí Công Thương |
Song vượt qua “mưa bơm, bão đạn” Tổng kho Xăng dầu Đức Giang vẫn kiên cường đứng vững, đều đặn cung cấp hàng triệu lít nguyên liệu phục vụ cho quá trình sản xuất từ các nhà máy tới các công trường. Không những thế, hàng triệu lít xăng dầu ra đi từ Tổng kho Xăng dầu Đức Giang cũng theo những “Đoàn tàu Không số” trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại đã đến được với chiến trường miền Nam, góp phần không nhỏ cho ngày toàn thắng.
Để góp phần dệt lên những trang sử hào hùng ấy, những cán bộ, công nhân viên Tổng kho Xăng dầu Đức Giang cũng đã không ít lần phải “lao vào biển lửa” để cứu cho được cơ sở sản xuất trước sự bắn phá điên cuồng của đế quốc Mỹ. Chắc hẳn những cán bộ, công nhân viên của Tổng kho Xăng dầu Đức Giang sẽ không bao giờ quên đúng 12h18' ngày 29/6/1966, 3 tốp máy bay của Mỹ đã thay nhau ném bom liên tiếp khu vực Hà Nội, Đức Giang và đã khiến cho Tổng kho Xăng dầu ở đây bốc cháy dữ dội. Nhiều bể chứa và đường ống dẫn xăng bị trúng bom vỡ tan tác hoặc bị xuyên thủng lỗ chỗ khiến xăng tràn ra, bốc cháy ngùn ngụt và tạo thành những cột lửa, khói khổng lồ, cao ngút. Hôm đó ở Hà Nội, đặc biệt là tại khu vực Gia Lâm, Đông Anh, bầu trời tối sầm vì đen kịt khói. Nhìn từ xa, Tổng kho Xăng dầu Đức Giang như một biển lửa đỏ rực.
Tổng cộng, đã có 36 lượt chiếc máy bay địch đã thay nhau ném hàng trăm quả bom xuống Đức Giang. Cùng với tiếng còi báo động từ Nhà hát lớn thành phố, tiếng kẻng báo máy bay địch của Bí thư Đoàn Thanh niên Trần Sĩ Lục đã thôi thúc tất cả cán bộ, công nhân viên xông ra cứu lấy xăng dầu, cứu lấy Đức Giang. Sau gần 17 giờ (từ 12h giờ ngày 29/6 đến 5 giờ ngày 30/6) chiến đấu với những cột khỏi khổng lồ đen đặc một góc trời Hà Nội, đám cháy khổng lồ đã bị dập tắt, cứu chữa được 12 bồn xăng lớn, hàng nghìn phuy chứa xăng... Tính ra 23 triệu lít xăng trong tổng số 25 triệu lít đang dự trữ tại kho đã được các chiến sĩ bảo vệ an toàn. Cùng với sự chiến đấu của không quân Việt Nam, 4 máy bay cường kích của địch đã bị hạ.
Với chiến công xuất sắc trong việc chữa cháy kho xăng Đức Giang, bảo vệ an toàn hàng chục triệu lít xăng được quý như máu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cán bộ công nhân viên Tổng kho Xăng dầu Đức Giang, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Công an Hà Nội đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi, động viên. Bác viết: "... Trong việc phòng cháy chữa cháy, các đồng chí đã bình tĩnh, tích cực và dũng cảm. Các đồng chí đã phối hợp tốt với lực lượng quần chúng. Do đó, các đồng chí luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, dù trong những điều kiện khó khăn...".
Không đạt được mục tiêu đánh phá, tháng 4 năm 1972, trước thất bại to lớn ở chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ lại dùng B.52 ném bom trở lại miền Bắc. Khoảng 9h30 ngày 16/4/1972 máy bay Mỹ đã tấn công Tổng kho Đức Giang rất dữ dội. Hôm đó là ngày chủ nhật, toàn thể cán bộ, công nhân viên của Tổng kho Xăng dầu Đức Giang đang đi lao động đào hầm hào phòng không. Bom Mỹ bất ngờ lao tới đã đánh cháy bể số 8 với nguy cơ lan rộng. Phó chủ nhiệm Công ty lúc đó là đồng chí Trần Thục đã chỉ huy tổ trực chiến nhanh chóng có mặt để chặn lửa, cứu xăng dầu. Sau 15 giờ chiến đấu dũng cảm, ngọn lửa khổng lồ đã bị dập tắt vào lúc 1 giờ 30 phút ngày 17/4. Trong trận chiến đấu này, đã có 2 cán bộ làm nhiệm vụ bảo vệ là đồng chí Trương Xuân Lộc và đồng chí Lê Xuân Ba đã hi sinh nhưng phần lớn xăng dầu đã được giữ an toàn. Đảng và Nhà nước đã trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cho Petrolimex Hà Nội, trong đó chủ yếu ghi nhận thành tích của Tổng kho Xăng dầu Đức Giang.
Tổng kho Xăng dầu Đức Giang hiện đang đóng góp vai trò quan trọng trong việc ổn định lưu thông "mạch máu" của nền kinh tế |
Hòa bình lặp lại, hòa mình vào “dòng chảy kinh tế” Petrolimex Hà Nội nói chung và cán bộ, công nhân viên tại Tổng kho Xăng dầu Đức Giang đã không ngừng phát huy truyền thống cách mạng, tiếp tục mở rộng mạng lưới trên cơ sở bám sát định hướng phát triển kinh tế xã hội của Đảng và Chính phủ, của thủ đô Hà Nội.
Hiện Tổng kho Xăng dầu Đức Giang đã được xây dựng, mở rộng trên khu đất có tổng diện tích mặt bằng là 8,5 ha với tổng sức chứa hơn 80.000 m3, cụ thể, có 26 bể chính gồm: 02 bể 15.000 m3; 06 bể 3000 m3; 16 bể 2000 m3; 02 bể E100. Ngoài ra có 04 bể sự cố; 02 giàn xuất ô tô xi téc. Tại Kho cảng H101 có 22 bể (04 bể 80 m3; 18 bể 100 m3).
Cũng chính từ đây, hơn 5 triệu lít xăng dầu mỗi ngày đã được xuất ra theo chân các thiết bị chuyên dụng đưa đến các cửa hàng xăng dầu, hệ thống phân phối, khách hàng công nghiệp trên địa bàn Hà Nội, Bắc Ninh và Vĩnh Phúc, Quảng Ninh… Đồng thời thực hiện chức năng đảm bảo nguồn cho các công ty tuyến sau trong hệ thống Petrolimex: Lai Châu, Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, Thái Nguyên, Cao Bằng… góp phần không nhỏ phục vụ phát triển kinh tế xã hội.