Nhiều tiềm năng lớn hợp tác thương mại, đầu tư Việt Nam - Kazakhstan Khoá họp lần thứ 10 Uỷ ban liên Chính phủ Việt Nam - Kazakhstan về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật |
Chiều 20/8, chuyên cơ chở Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev cùng đoàn đại biểu cấp cao Kazakhstan tới Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam 3 ngày (20 - 22/8) theo lời mời của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.
Dự kiến sáng 21/8, Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev sẽ dự lễ đón chính thức và hội đàm tại Phủ Chủ tịch do Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chủ trì. Hai nguyên thủ sau đó sẽ chứng kiến lễ ký và trao đổi văn kiện hợp tác. Chiều cùng ngày, Tổng thống Kazakhstan sẽ chào Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; hội kiến với Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Đặc biệt, trong ngày thứ ba của chuyến thăm, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev thăm quan Làng gốm Chu Đậu tại xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.
Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev kể từ khi nhậm chức năm 2019, cũng là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên trong 12 năm qua của một tổng thống Kazakhstan.
Chiều 20/8, chuyên cơ chở Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev cùng đoàn đại biểu cấp cao Kazakhstan hạ cánh tại sân bay Nội Bài (Hà Nội), bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam 3 ngày (20-22/8) |
Đại sứ Cộng hòa Kazakhstan tại Việt Nam Yerlan Baizhanov cho biết: Các cuộc gặp sẽ đi sâu vào những vấn đề trọng tâm, có thể khẳng định độ tin cậy chính trị cao giữa hai nước và thúc đẩy phát triển quan hệ đối tác trong mọi lĩnh vực. "Việt Nam cũng như Kazakhstan đều đang trong thời kỳ vươn mình mạnh mẽ, phát triển như vũ bão trong lĩnh vực kinh tế. Hai nước chúng ta có rất nhiều vấn đề để thảo luận và đề xuất cho nhau" - Đại sứ Yerlan Baizhanov kỳ vọng.
Chia sẻ về những nét nổi bật trong quan hệ song phương Việt Nam - Kazakhstan, Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Kazakhstan Phạm Thái Như Mai cho biết: Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992, quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Kazakhstan luôn được củng cố và phát triển, đặc biệt là trong những năm gần đây.
Số liệu thống kê cho thấy, bất chấp ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, kim ngạch thương mại song phương đạt gần 622,8 triệu USD vào năm 2021 và 584 triệu USD năm 2022. Đáng chú ý, từ tháng 10/2022, hãng hàng không Vietjet đã mở đường bay thẳng nối Nha Trang với hai thành phố Almaty và Astana, tần suất 4 chuyến/tuần, hiệu suất vận chuyển tốt. Hiện tại, Vietjet đang có kế hoạch tăng chuyến bay hành khách và vận chuyển hàng hóa cargo giữa hai nước.
"Có thể nói, tiền đề cho những bước phát triển quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam - Kazakhstan trước hết xuất phát từ tình hữu nghị truyền thống, gắn bó, hiểu biết lẫn nhau trong suốt chiều dài lịch sử của thời kỳ Liên xô cũ. Các thế hệ lãnh đạo hai nước, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Kazakhstan Kunayev đã dày công xây dựng và vun xới" - Đại sứ Phạm Thái Như Mai nhấn mạnh.
"Chúng ta có nhiều điểm tương đồng, các tiềm năng và thế mạnh bổ sung cho nhau. Việt Nam với Kazakhstan luôn ủng hộ và đồng thuận với nhau trên các diễn đàn quốc tế" - Đại sứ Phạm Thái Như Mai thông tin và cho rằng, Kazakhstan là thành viên của Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU), Việt Nam cũng đã ký Hiệp định thương mại tự do với EAEU, hai bên có thể tận dụng những ưu đãi mà Hiệp định đem lại cho doanh nghiệp hai nước.
Xét về tổng thể, Đại sứ Phạm Thái Như Mai đánh giá, hiện nay, hợp tác giữa Việt Nam và Kazakhstan còn khiêm tốn và chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước. Tuy nhiên, có thể đặt hy vọng là hợp tác song phương đang có những bước chuyển quan trọng, dư địa hợp tác vẫn còn rất lớn, đặc biệt trong các lĩnh vực thế mạnh của hai nước như dầu khí, khai thác khoáng sản, sản xuất nông nghiệp, vận tải, logistics, kinh tế số…
Bên cạnh đó, sau khi khai trương đường bay thẳng Việt Nam - Kazakhstan, các cơ quan hữu quan và doanh nghiệp tiếp tục tích cực kết nối các cơ sở hạ tầng quan trọng phục vụ mục tiêu tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư Việt Nam - Kazakhstan. Cụ thể là, kết nối vận chuyển đường sắt, hậu cần kho bãi, thanh toán ngân hàng, huy động vốn, liên lạc số… Căn cứ vào nhu cầu trao đổi hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước thời gian qua, có khẳng định mục tiêu thương mại hai chiều như trên không phải là khó thực hiện.
Theo Đại sứ, để đạt được mục tiêu thương mại song phương lên 1,5 tỷ USD vào năm 2030, ngoài việc thực hiện tốt các thỏa thuận đã được ký kết, Việt Nam cần tăng cường công tác khảo sát, nghiên cứu, nắm bắt cơ hội; tiếp tục rà soát, cập nhật, bổ sung các hiệp định hợp tác trong các lĩnh vực, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hàng hóa của hai nước có thể xâm nhập vào thị trường của nhau. Đồng thời, thúc đẩy vốn đầu tư trong các lĩnh vực như chế biến thực phẩm, thủy hải sản, dệt may, da giày, bất động sản, hạ tầng cơ sở… cũng như phối hợp chặt chẽ để giải quyết những vướng mắc nảy sinh trong thương mại, đầu tư, góp phần tạo lập môi trường lành mạnh, hiệu quả cho thu hút vốn đầu tư.