Tốt gỗ, tốt cả nước sơn
"Bệ đỡ" sản phẩm CNNT
Do có nhiều nghề và làng nghề truyền thống, cùng lượng lớn cơ sở sản xuất nên sản phẩm CNNT của Bắc Giang khá đa dạng, trong đó nhóm nông sản và nông sản chế biến chiếm ưu thế. Một số sản phẩm đã có tiếng trong và ngoài nước như: Vải thiều, gà đồi, mỳ Chũ… Tuy nhiên, điểm yếu của những sản phẩm này là nhãn mác, bao bì thô sơ, kém sức hút người tiêu dùng.Nhận thức được hạn chế trên, thông qua nguồn vốn khuyến công, Sở Công Thương Bắc Giang đã tích cực hỗ trợ tư vấn thiết kế mẫu mã, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc, bao bì đóng gói cho các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh.
Mẫu mã, bao bì bắt mắt là yếu tố quan trọng quyết định mua hàng của người tiêu dùng |
Số liệu từ Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Bắc Giang cho thấy, từ năm 2015 đến nay, đã có 64 cơ sở CNNT thuộc nhóm ngành sản xuất, chế biến nông - lâm sản và thực phẩm như: Mỳ gạo Chũ, mỳ gạo Kế, bánh đa nem Thổ Hà, bánh đa Kế, rượu làng Vân, trà hoa vàng… được hỗ trợ tư vấn thiết kế mẫu mã nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc, bao bì đóng gói sản phẩm. Đặc biệt, trung tâm cũng đã thiết kế mẫu mã, in ấn thử nghiệm với số lượng hạn chế hộp carton, túi đóng gói sản phẩm vải thiều trọng lượng 5kg nhằm quảng bá, giới thiệu thương hiệu vải thiều của huyện Lục Ngạn; hỗ trợ thiết kế mẫu mã bao bì đóng gói vải thiều xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Australia, Trung Quốc…
Cũng giống như Bắc Giang, nhận thức rõ hình thức bao bì sản phẩm là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của khách hàng, những năm qua, ngoài việc quan tâm đến công tác xúc tiến, quảng bá cho sản phẩm CNNT, tỉnh Bắc Kạn đặc biệt chú trọng hỗ trợ, tư vấn thiết kế mẫu mã, bao bì sản phẩm cho doanh nghiệp, cơ sở CNNT, qua đó góp phần nâng cao giá trị, khẳng định thương hiệu sản phẩm trên thị trường.
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Tân Thành (TP. Bắc Kạn) - chia sẻ: Từ chủ trương của tỉnh về đẩy mạnh phát triển HTX với nhiều chính sách hỗ trợ, tôi đã mạnh dạn thành lập HTX. Tuy nhiên, khi HTX khởi nghiệp, bước đầu làm ra sản phẩm, chúng tôi rất bỡ ngỡ, chưa biết rõ những quy định về đóng gói, xuất xứ hàng hóa... HTX đã được Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương Bắc Kạn) hỗ trợ kinh phí, tư vấn để hoàn thiện mẫu mã, bao bì sản phẩm, với đầy đủ các điều kiện theo quy định. Đến nay, sản phẩm tinh bột nghệ của HTX Tân Thành đã được bán ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Tỉnh Bắc Kạn, từ năm 2014 đến nay, cũng đã tổ chức triển khai thực hiện hơn 70 đề án khuyến công, tập trung hỗ trợ cơ sở CNNT nâng cao công nghệ sản xuất, thiết kế mẫu mã bao bì sản phẩm; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa.
Từ thực tế của hai địa phương nói trên, có thể thấy, cùng với chính sách hỗ trợ cơ sở CNNT phát triển thì hoạt động hỗ trợ tư vấn thiết kế mẫu mã, bao bì trong chương trình khuyến công được ví như “bệ đỡ” cho sản phẩm CNNT, giúp cơ sở CNNT, HTX nâng cao giá trị, quảng bá thương hiệu cho sản phẩm.
Gia tăng giá trị cho sản phẩm
Hỗ trợ các cơ sở CNNT thuê tư vấn thiết kế mẫu mã, bao bì sản phẩm là một trong những chương trình nằm trong Kế hoạch hỗ trợ, phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu của Bộ Công Thương, với mục tiêu xúc tiến thương mại, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân.
Lãnh đạo Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) - cho biết: Kinh tế ngày càng phát triển, việc thu hút thị hiếu của người tiêu dùng không chỉ dừng lại ở chất lượng sản phẩm, mẫu mã, bao bì bắt mắt cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng. Chính vì vậy, chương trình khuyến công nhiều năm nay cũng chú trọng đến hỗ trợ các cơ sở CNNT thuê tư vấn thiết kế mẫu mã, bao bì sản phẩm. Với chất lượng tốt, bao bì bắt mắt, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, sản phẩm CNNT của các địa phương được người tiêu dùng cả nước biết đến.
Hiện nay, mẫu mã bao bì sản phẩm của các cơ sở CNNT, như: Tinh bột nghệ nếp đỏ, tinh bột nghệ nếp đen (HTX Nông nghiệp Tân Thành); bún khô Bắc Kạn (HTX Nông nghiệp Thanh niên Như Cố); gạo nếp Tài (HTX Yến Dương)… của tỉnh Bắc Kạn đã được in, sử dụng đóng gói sản phẩm; bao bì sản phẩm được thiết kế mới, đáp ứng tốt thị hiếu của người tiêu dùng.
Hay, Hội Sản xuất mỳ gạo Châu Sơn, huyện Tân Yên của tỉnh Bắc Giang với bao bì đóng gói sau khi được hỗ trợ thiết kế mới đã thể hiện rõ thông tin nhãn hàng hóa và được thành viên trong hội ứng dụng. Qua đó, hạn chế được nạn hàng giả, hàng nhái; từng bước mang lại lợi ích, sự tin tưởng cho khách hàng…
Với việc đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ tư vấn thiết kế mẫu mã tem, nhãn mác, bao bì đóng gói cho các cơ sở sản xuất của khuyến công đã gia tăng đáng kể giá trị sản phẩm CNNT. Hoạt động này cũng đã khuyến khích cơ sở chủ động, chú trọng hơn tới bao bì sản phẩm - vốn là điểm yếu của sản phẩm CNNT các địa phương nhiều năm qua. |