TP. Hồ Chí Minh: Khả năng tham gia vào chuỗi giá trị của công nghiệp hỗ trợ còn hạn chế
Ông Nguyễn Phương Đông - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh - cho biết, từ đầu năm đến nay, sản xuất công nghiệp tháng sau tăng trưởng cao hơn tháng trước cho thấy tín hiệu tích cực từ thị trường tiêu thụ. Các DN vẫn giữ được sản xuất ổn định, dù việc tăng giá điện, giá xăng thời gian qua có ảnh hưởng, nhưng chưa tác động đến mức DN phải điều chỉnh giảm quy mô sản xuất.
Đối với 4 ngành công nghiệp trọng yếu của TP. Hồ Chí Minh, một số lĩnh vực có mức tăng trưởng cao gồm ngành sản xuất hàng điện tử tăng 28,3%, cao hơn mức tăng cùng kỳ (tăng 10,15%); ngành sản xuất đồ uống ước (7,2%); ngành sản xuất thiết bị điện (3,6%)… Trong hoạt động sản xuất công nghiệp, theo ông Nguyễn Phương Đông, ngành Công Thương thành phố đã nỗ lực triển khai các nội dung hỗ trợ phát triển nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng, lĩnh vực này đã đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng của ngành công nghiệp thành phố nhưng vẫn chưa phát triển được như mục tiêu mong đợi.
Cho đến nay, Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp thành phố đã cấp phép 42 dự án đầu tư sản xuất các sản phẩm thuộc danh mục “Nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và Nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của thành phố giai đoạn 2018 - 2020”. Hiện tại, các khu chế xuất, khu công nghiệp còn quỹ đất khoảng 428ha để sẵn sàng thu hút đầu tư đối với các dự án sản xuất có sản phẩm theo danh mục nêu trên.
Công nghiệp chủ lực của TP. Hồ Chí Minh tăng trưởng nhưng khả năng tham gia vào chuỗi giá trị còn thấp |
Để hỗ trợ cho các DN sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ lực, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh phối hợp Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hồ Chí Minh và 16 ngân hàng thương mại tổ chức kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Các ngân hàng đã ký cam kết hỗ trợ tín dụng cho DN phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực với nguồn vốn không giới hạn đối với những dự án phát triển sản xuất khả thi.
Để lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ phát huy hiệu quả, ông Trần Anh Hào - Trưởng phòng Quản lý công nghiệp Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho hay, từ đầu năm đến nay, Sở Công Thương thành phố đã tổ chức 3 cuộc hội thảo và tổ chức ký hợp tác giữa các DN với các đơn vị nghiên cứu như Trường đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia, Khoa học Tự nhiên, Đại học Bách Khoa để hỗ trợ phát triển nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng.
Cùng với Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư, Ban quản lý Khu công nghệ cao thực hiện “Chương trình xúc tiến đầu tư và thương mại tại Hoa Kỳ - Canada năm 2019” dành cho nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố. Thực hiện chương trình kết nối DN cho nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố, kết hợp trong chương trình “Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2019”. Tổ chức thực hiện “Xây dựng bộ tài liệu quảng bá cho nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố” và hiện đã thu thập thông tin 30 DN có sản phẩm chủ lực ngành sản xuất điện tử và cơ khí chế tạo để xây dựng bộ tài liệu quảng bá. Sở Công Thương thành phố cũng đã tham mưu cho chính quyền thành phố xem xét 5 dự án kích cầu đầu tư công nghiệp hỗ trợ và thành phố đã phê duyệt 3 dự án của Công ty Vĩ Nam Việt, Công ty Văn Lang và Công ty Tài Ký, 2 dự án còn lại đề nghị điều chỉnh bổ sung hồ sơ.
“Để các DN kết nối với đối tác, mở rộng thị trường, Hội nghị kết nối cung - cầu công nghiệp hỗ trợ năm 2019 sẽ được tổ chức từ ngày 11 - 14/12/2019 với 500 gian hàng về máy móc thiết bị công nghiệp và chi tiết linh kiện sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Đây là cơ hội để các DN thành phố tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu khi có nhiều DN, tập đoàn kinh tế lớn của các nước tham dự”, ông Hào thông tin thêm.
Ông Nguyễn Phương Đông cho rằng, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của TP. Hồ Chí Minh ngày càng được quan tâm phát triển; hoạt động khởi nghiệp đang được nhân rộng cả về số lượng DN, lĩnh vực và quy mô hoạt động. Các chương trình hỗ trợ đổi mới công nghệ hiện đại, mở rộng nhà xưởng sản xuất, tăng cường khả năng cạnh tranh; công tác tiếp xúc, tháo gỡ khó khăn cho DN được thực hiện quyết liệt và có sự phối hợp đồng bộ với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố và bước đầu đã phát huy hiệu quả. Tuy sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kỳ nhưng chất lượng, hiệu quả tăng trưởng, sức cạnh tranh của DN, hàng hóa dần được cải thiện nhưng chưa nhiều; khả năng tham gia vào chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu còn rất hạn chế, sản xuất công nghiệp chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia vẫn còn tăng thấp.