Tối đa công suất, phục hồi sản xuất
Thời gian qua việc giãn cách xã hội, phong toả diện rộng và kéo dài tại TP. Hồ Chí Minh và các địa phương lân cận để phòng, chống dịch Covid-19 khiến các DN đã và đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn chưa từng có tiền lệ. Tuy nhiên, hầu hết các DN ngành lương thực thực phẩm (LTTP) đều chủ động ứng phó, tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất bình thường, ổn định, đảm bảo cung ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu cho người dân Thành phố (TP).
Ngành lương thực thực phẩm đảm bảo cung ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu cho người dân TP. Hồ Chí Minh |
Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh (FFA) - cho biết, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn TP đã tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành LTTP, nguyên phụ liệu đầu vào cho sản xuất lương thực thực phẩm đều tăng cao từ 20-50%... nhưng hầu hết các DN thành viên FFA tập trung duy trì sản xuất ổn định, cung ứng đầy đủ các mặt hàng LTTP thiết yếu hàng ngày cho người dân. Đồng thời cùng nhau duy trì không tăng giá bán theo chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP. Hồ Chí Minh, chia sẻ khó khăn cùng người dân, tạo niềm tin và sự an tâm, ổn định trọng cộng đồng xã hội, DN, góp phần cùng TP chống dịch hiệu quả.
TP. Hồ Chí Minh đang từng bước mở cửa, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới, nên cộng đồng các DN nói chung và DN ngành LTTP nói riêng cũng đã chuẩn bị các kịch bản sản xuất, bắt đầu khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh sớm nhất.
Bà Lý Kim Chi cho biết, đến nay, hầu hết các DN chủ lực ngành lương thực thực phẩm đã vào tâm thế sẵn sàng đi vào sản xuất ngay với năng lực sản xuất có thể đến 70-80%, với nhóm sản phẩm ăn liền như: bún, mì phở… và đến 100% ở các nhóm chế biến rau củ quả, sữa; thực phẩm tươi sống như: thịt gia súc, gia cầm… Các DN sẽ tiến nhanh, làm việc tối đa công suất cho phép để phục hồi sản xuất một cách nhanh nhất.
Kiến nghị nhiều giải pháp phục hồi sản xuất nhanh nhất
Tuy nhiên, để làm được điều trên, Chủ tịch FFA đề nghị Chính phủ, chính quyền TP. Hồ Chí Minh cần tiếp tục mạnh dạn đưa chính sách dài hơi và giữ vững lập trường tiến tới bình thường mới. Đồng thời, đề nghị Chính phủ, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Quốc gia cần khẩn trương ban hành sớm hướng dẫn tạm thời “Thích ứng, linh hoạt với Covid” phù hợp với tính chất đặc thù của TP. Hồ Chí Minh. Trong đó, không áp dụng phong tỏa theo diện rộng, quy định rõ quy trình khi có F0 để xử lý, cho phép DN tự chủ động và tự chịu trách nhiệm về xây dựng và triển khai các phương án sản xuất đảm bảo an toàn phòng chống dịch, Nhà nước thực hiện hậu kiểm… để DN nhanh chóng sớm có thể sản xuất và phục hồi sản xuất.
Hầu hết các doanh nghiệp chủ lực ngành lương thực thực phẩm sẵn sàng đi vào sản xuất ngay với năng lực sản xuất có thể đến 70- 100% công suất |
Theo Bà Lý Kim Chi, từ nay cho đến tết, DN còn phải đối mặt với rất nhiều áp lực, từ giá nguyên vật liệu tăng cho tới thiếu nhân công. Do đó, ngay trong giai đoạn đầu mở cửa, cần có những gói hỗ trợ “tiền tươi thóc thật” trực tiếp cho các DN TP như: Giảm, miễn các loại thuế VAT, thu nhập DN, tiền thuê đất… để giúp DN mau chóng vực dậy. Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục ưu tiên vắc xin để TP. Hồ Chí Minh đẩy mạnh việc hoàn thành tiêm mũi 2 cho người dân, kể cả cho phép người lao động tại 4 tỉnh lân cận TP tiêm phủ mũi 2 để họ có cơ hội sớm quay trở lại TP làm việc.
Với đặc thù kinh tế TP. Hồ Chí Minh luôn gắn kết với các tỉnh thành phía Nam, nhất là trong lĩnh vực sản xuất các mặt hàng LTTP thiết yếu, trong đó hầu hết các nguyên phụ liệu phục vụ cho ngành đều đến từ các tỉnh thành trong khu vực. Do đó, đề nghị Chính phủ cần ưu tiên tiêm phủ diện rộng cho các đối tượng ưu tiên tham gia trong chuỗi cung ứng tại các khu vực này để trước mắt giữ cho chuỗi cung ứng hàng hóa được ổn định, DN mở cửa sản xuất, kinh doanh an toàn.
Các quy định không thống nhất giữa các tỉnh, thành trong việc áp dụng các biện pháp kiểm soát phòng chống dịch gây rất nhiều khó khăn cho DN, nhất là ở hoạt động vận chuyển, lưu thông hàng hóa, nguyên phụ liệu sản xuất. Do đó, FFA đề nghị Chính phủ quán triệt tất cả các tỉnh, thành, nhất là các tỉnh Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam triển khai nhất quán các quy định từ Trung ương.
Đặc biệt, các tỉnh, thành phố không được tự ý quy định trái với các quyết định của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Quốc gia, cũng như trao quyền tự chủ cho DN lên phương án phòng chống dịch để sản xuất và không cực đoan đóng cửa DN khi xuất hiện ca F0. Vì DN sản xuất mặt dù ở TP. Hồ Chí Minh nhưng các nhà cung cấp lại nằm rải rác ở các tỉnh, nếu các đơn vị này phải đóng cửa DN sản xuất cũng khó hoạt động thuận lợi…