Mục tiêu dài hạn
Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, TP. Hồ Chí Minh đã đề ra kế hoạch đến năm 2020, cụ thể, thực hiện 95% cơ sở sản xuất, thương mại, dịch vụ có lưu lượng nước thải từ 10m3/ngày/đêm trở lên phải có hệ thống xử lý đạt quy chuẩn về môi trường; 100% khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 55% lượng nước thải sinh hoạt đô thị được xử lý đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường. Giảm 70% ô nhiễm về không khí; 90% nguồn khí thải công nghiệp được xử lý đạt quy chuẩn môi trường; phấn đấu đạt 100% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt được xử lý hợp vệ sinh.
Về rác thải sinh hoạt, sẽ áp dụng công nghệ xử lý chất thải rắn đạt 40%, chôn lấp hợp vệ sinh 60% tổng lượng chất thải. Xây dựng 100% số bãi rác chôn lấp chất thải hợp vệ sinh; giảm 65% lượng túi ni-lông khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị, giảm 50% lượng túi ni -lông tại các chợ dân sinh, thu gom và tái chế 55% lượng túi ni-lông khó phân hủy ngoài môi trường so với năm 2010...
Tuyên truyền cho người dân phân loại rác từ nguồn là giải pháp hữu hiệu |
Về giải pháp giảm thiểu khí thải từ phương tiện giao thông, ông Trần Xuân Đức - đại diện Phòng Cảnh sát đường bộ - đường sắt Công an TP. Hồ Chí Minh - phân tích: Theo Luật Giao thông, quỹ đất dành cho giao thông từ 16 - 26% nhưng hiện chỉ chiếm khoảng 6,5% nên thường xuyên xảy ra ùn ứ giao thông vào giờ cao điểm, sinh ra lượng khí thải lớn. Để giảm thiểu tình trạng này, ông Đức đề xuất, cần hạn chế phương tiện cá nhân; nâng cao năng lực thông xe trên các tuyến đường, nâng cấp hạ tầng; phát triển phương tiện giao thông công cộng; khuyến khích sản xuất, sử dụng các phương tiện sử dụng nguồn nhiên liệu sạch kèm theo đánh thuế, tăng mức phí sử dụng dịch vụ khi tham gia giao thông tại thành phố đối với các phương tiện sử dụng xăng khoáng; quy định niên hạn sử dụng đối với tất cả các loại phương tiện tham gia giao thông, cũng như kiểm tra định kỳ về điều kiện an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường; kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về bảo vệ môi trường; tăng cường trang bị hệ thống đo khí thải, đo tiếng ồn cho lực lượng kiểm tra, xử lý.
Tuy nhiên đó mới chỉ là những mục tiêu, giải pháp dài hạn và cần rất nhiều nguồn lực mới có thể thực hiện được, còn các vấn đề cấp bách của người dân hiện nay như nước ngập, nước thải ra môi trường vẫn chưa thấy giải pháp nào thực sự hữu hiệu?
Cần giải pháp mạnh
Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh - cơ quan chịu trách nhiệm quản lý về các vấn đề môi trường của thành phố lại đang khá lúng túng trong việc tìm giải pháp quyết liệt cho các “vấn nạn” về môi trường ảnh hưởng đến người dân trên diện rộng hiện nay.
Tại sao kiến nghị của người dân khu đô thị Phú Mỹ Hưng phản ánh đề nghị kiểm tra khu xử lý nước thải hơn 1 tháng qua không có câu trả lời?. Với bãi rác Đa Phước, thành phố và sở Tài nguyên và Môi trường cần có những giải pháp quyết liệt hơn nữa để sớm trả lại bầu không khí cho người dân.
Để tránh các hệ lụy từ ô nhiễm môi trường gây ra, giải pháp cấp bách là mỗi người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, giảm thiểu xả rác, sử dụng bao nilon, có ý thức phân loại rác ngay từ trong gia đình… góp phần xử lý rác triệt để.
Bác sĩ Huỳnh Minh Thu - Phó trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp - Bệnh viên Nhi Đồng II - đề xuất: Để giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường, trước mắt người dân phải ý thức trong việc hạn chế xả rác và phân lọai rác từ nguồn. Về lâu dài, nhà nước cần có chính sách cải tạo môi trường một cách bài bản và nhanh chóng, nhất là chuyện ngập nước, rác thải sinh hoạt, bầu không khí dày đặc khói bụi để đảm bảo sức khỏe cho người dân.
TIN LIÊN QUAN | |