Chiều nay, ngày 1/10, phiên họp thường kỳ về tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 năm 2024 và 9 tháng đầu năm 2024 TP. Hồ Chí Minh do Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi chủ trì.
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, ông Phan Văn Mãi đánh giá chung về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng cho thấy, thành phố vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng nhưng chưa có đột phá. Trong kết quả này, giải ngân đầu tư công vẫn thấp, mới đạt 20% kế hoạch năm. Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh đề nghị, phiên họp cần tập trung thảo luận, xác định được các giải pháp trọng tâm cần triển khai, các giải pháp đột phá cho phát triển kinh tế xã hội quý IV năm 2024 và năm sau.
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu khai mạc Phiên họp - (Ảnh: UBND TP.HCM) |
Theo dự báo, tăng trưởng của thành phố chỉ hơn 7%, để năm 2024 chỉ số tăng trưởng tăng 7,5% thì quý IV thành phố phải đạt tăng trưởng 9%. Vì vậy, TP. Hồ Chí Minh cần tìm được những giải pháp trọng tâm, đột phá để đạt được mục tiêu trên.
Theo báo cáo tại Hội nghị, tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp tục phục hồi và duy trì đà tăng trưởng tích cực. Trong tháng 9/2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tính tăng 3,4% so với tháng trước và tăng 11,2% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng cao nhất trong quý III năm 2024.
Cụ thể, trong tháng 9, khai khoáng tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 38,6% so với cùng kỳ; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 11,3% so với cùng kỳ; sản xuất và phân phối điện giảm 2,4% so với tháng trước và tăng 5,1% so với cùng kỳ; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 3,0% so với cùng kỳ.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, IIP trên địa bàn tăng 6,9% so với cùng kỳ. Bao gồm, ngành khai khoáng tăng 46,5%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,7%; sản xuất và phân phối điện tăng 7,2%; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 1,4%.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 9/2024 của TP. Hồ Chí Minh tăng 3,4% so với tháng trước và tăng 11,2% so với cùng kỳ - (Ảnh minh họa) |
Về đầu tư và xây dựng, TP. Hồ Chí Minh hiện đang tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực và đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng của các dự án. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm của thành phố trong những tháng cuối năm 2024. Tính chung 9 tháng năm 2024, tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trên địa bàn ước thực hiện tăng 6,7% so với cùng kỳ.
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố trong 9 tháng năm 2024 ước tăng 14,3% so với cùng kỳ. Trong đó thu từ các khu vực kinh tế đều tăng khá góp phần thu nội địa tăng 22,2% và đặc biệt thu từ xuất, nhập khẩu đã tăng 1,2%. Chi cân đối ngân sách địa phương tăng 22,2%, chi thường xuyên tăng 14,1% so với cùng kỳ.
Tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước 9 tháng năm 2024 ước thực hiện 371.307 tỷ đồng, đạt 76,9% dự toán và tăng 14,3% so với cùng kỳ.
Tổng chi ngân sách địa phương (trừ tạm ứng) 9 tháng năm 2024 ước thực hiện 56.254 tỷ đồng, đạt 37,5% dự toán và giảm 0,5% so với cùng kỳ. Tổng chi cân đối ngân sách địa phương (trừ tạm ứng) ước thực hiện 55.047 tỷ đồng, đạt 37,7% dự toán và tăng 22,2% so với cùng kỳ.
Tổng vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước tính đến ngày 30/9/2024 đạt 3.717,5 nghìn tỷ đồng, tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 10,3% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn huy động bằng VNĐ ước đạt 3.380 nghìn tỷ đồng, chiếm 90,9% tổng vốn huy động, tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 8,8% so với cùng kỳ. Vốn huy động bằng ngoại tệ ước đạt 337,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 9,1% tổng vốn huy động, tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 28,7% so với cùng kỳ.
Hoạt động thương mại dịch vụ trên địa bàn tiếp tục tăng trưởng ổn định, mặc dù doanh thu lưu trú, lữ hành giảm do thời tiết không thuận lợi, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu tiêu dùng tháng 9/2024 ước tăng 4,8% so với tháng trước, tăng 13,5% so với cùng kỳ và tính chung 9 tháng năm 2024 tăng 10,5%.
Về vận tải hành khách và hàng hóa, doanh thu vận tải 9 tháng năm 2024 tăng 36,9% so với cùng kỳ. Riêng quý III tăng 41,5% so với cùng kỳ. Trong đó, vận tải hành khách giảm 13,7%, vận tải hàng hóa tăng 11,9%.
Ngoài ra, chỉ số giá tiêu dùng (CPI), bước qua tháng 9, học phí năm học mới 2024 – 2025 được điều chỉnh, giá dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tăng là một trong những nguyên nhân làm chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,45% so với tháng trước và tăng 2,71% so với cùng kỳ. Trong đó, 8/11 nhóm hàng có chỉ số giá tăng so với tháng trước, mức tăng cao nhất là nhóm giáo dục (+4,85%), các nhóm còn lại đều giảm, giảm nhiều nhất là nhóm giao thông (-3,03%).
CPI bình quân quý III năm 2024 tăng 2,99% so với cùng kỳ và bình quân 9 tháng tăng 3,17%.