Sau vụ gãy nhánh cây tại Công viên Tao Đàn, đã có những phương án đề xuất khắc phục “mối nguy” từ cây xanh như lập tổ chuyên gia đánh giá rủi ro cây, sử dụng flycam để hỗ trợ trong công tác kiểm tra, đánh giá cây...
Vụ gãy nhánh cây ở Công viên Tao Đàn. Ảnh: TNO |
Vào mùa mưa, giông lốc hay những cơn gió mạnh có thể khiến hàng loạt cây xanh trên các tuyến phố ở các đô thị lớn bị bật gốc, gãy cành, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống người dân.
Sự việc đáng tiếc vừa mới xảy ra ngày 9/8, tại Công viên Tao Đàn, khiến 2 người chết, 3 người bị thương vẫn là nỗi đau chưa thôi nguôi ngoai.
Tại Công viên Tao Đàn, không phải lần đầu tiên xuất hiện sự cố liên quan tới cây xanh. Trước đó, năm 2016, một người phụ nữ (sinh năm 1956) cũng đã tử vong vì thương tích quá nặng do nhánh cây ở công viên này gãy đè trúng.
Hay mới đây, trong cơn mưa tối ngày 3/8, cây xanh cao gần 15 mét trên đường Lý Chính Thắng (quận 3) bất ngờ bật gốc đè nam thanh niên đang lái xe máy bị thương. Hôm 14/7, nhánh cây dầu dài gần chục mét ở đường Ngô Gia Tự, quận 10 đã rơi trúng một ô tô 7 chỗ gây hư hỏng nặng.
Đầu năm nay, một người đàn ông (36 tuổi) trong lúc bán túi xách tại vỉa hè đường Nguyễn Trãi (quận 5), bất ngờ bị nhánh cây rơi trúng đầu. Dù được đưa đến Bệnh viện để cấp cứu, nhưng người này không qua khỏi.
Một vụ tai nạn từ cây xanh khác xảy ra vào tháng 4/2023, khi cây me lớn ở sân Trường THPT Trần Văn Ơn (quận 1), bất ngờ bật gốc làm 6 người bị thương. Dù cây xanh này trước đó được kiểm tra và ghi nhận vẫn ra hoa, phát triển bình thường.
Chỉ cần điểm lại những vụ tai nạn mới xảy ra trong năm nay, có thể thấy được mối nguy từ cây xanh luôn chực chờ. Sau nhiều vụ cây đổ, gãy cành, Công ty Công viên Cây xanh TP. Hồ Chí Minh đã đưa ra những giải pháp nhằm khắc phục những sự cố đáng tiếc từ cây xanh có thể xảy ra.
Theo đó, để hạn chế các sự cố về cây xanh trong thời gian sắp tới, đơn vị này đề xuất bổ sung quy trình triển khai thuê ca máy loại xe 35 - 40m để thực hiện thu gọn cành nhánh cấp 1 có dấu hiệu khiếm khuyết, nguy hiểm đối với các cây xanh loại 3 trên đường phố và trong các công viên.
Tăng cường lực lượng lao động, thành lập các tổ liên quân từ các xí nghiệp phụ thuộc để thực hiện công tác quy trình bổ sung. Thực hiện thí điểm neo cáp các cành nhánh cấp 1 có kích thước lớn vào thân cây đối với các chủng loại cây sao đen, dầu...
Cùng với đó là sử dụng flycam để hỗ trợ kiểm tra, đánh giá cây xanh. Việc thực hiện công tác này có sự phối hợp hỗ trợ của các chuyên gia trong lĩnh vực cây xanh. Đồng thời, thành lập tổ chuyên gia đánh giá rủi ro cây xanh để kịp thời đề xuất xử lý cây xanh, thành phần bao gồm đội ngũ cán bộ kỹ sư chuyên môn lâu năm và công nhân lành nghề.
Được biết, TP. Hồ Chí Minh đang có hơn 200.000 xanh trồng trên hơn 1.200 tuyến đường, được chia thành 4 loại, gồm: cây mới trồng, loại 1, 2, 3. Trong đó, những cây loại 2 và 3 thuộc diện trồng lâu năm, có kích thước lớn và cũng là nhóm tiềm ẩn nguy cơ gãy, đổ. Những cây loại này cũng đang là tập trung nhiều ở các tuyến đường trung tâm thành phố, trường học, cơ quan, công sở...
Hệ thống cây xanh là một bộ phận hợp thành của cấu trúc hạ tầng đô thị hiện đại thông qua vai trò tạo ra cảnh quan thiên nhiên, làm đẹp bộ mặt mỹ quan đường phố, cải thiện khí hậu và môi trường sống của cư dân đô thị. Chính vì vậy, cần thiết bảo tồn và phát triển mạng lưới cây xanh. Cùng với đó, cần có giải pháp ngăn chặn những hiểm họa, nguy cơ gãy đổ của cây xanh, để những tai nạn đáng buồn không còn hiển hiện.