Trà sữa và mối liên quan tới bệnh tiểu đường, tim mạch
Phân tích giá trị dinh dưỡng trong trà sữa cho thấy, một cốc trà sữa có thể cung cấp lên đến 200 calo, trong trà sữa cũng có folate, canxi, sắt và selen, vì vậy khi sử dụng trà sữa có thành phần trà xanh cũng có tác dụng giúp cho chỉ số huyết áp giảm xuống; đồng thời các cholesterol xấu cũng giảm theo.
Bên cạnh đó, việc uống trà sữa cũng có tác dụng làm bớt căng thẳng hơn trong bất kỳ tình huống nào, do trong trà sữa cũng có caffein giúp cơ thể sảng khoái hơn.
Trà sữa có mối liên quan tới bệnh tiểu đường, tim mạch. Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, nếu uống trà sữa thường xuyên lại gây ra những tác hại vô cùng lớn cho sức khỏe. Một trong những tác hại rõ rệt đó là nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Sở dĩ do trà sữa chứa kem hoặc bột béo sữa cũng có hàm lượng chất béo tương đối cao, trung bình là 66 kcal/100 gram, nếu tính dựa trên trọng lượng trung bình của một cốc 535 gram thì lượng calo nạp vào là 353 kcal, tương đương với lượng calo của một bát rưỡi cơm trắng (260 kcal/bát 200 gram). Ngoài ra, các cuộc thử nghiệm cho thấy một cốc trà sữa trân châu lớn chứa tới 44 gram đường.
Mới đây, Hangzhou Daily đã đưa tin về trường hợp Xiao Gao (19 tuổi, sống tại Hàng Châu) là nhân viên giao hàng. Mặc dù Xiao luôn gọi trà sữa không đường hoặc 30% đường vì nghĩ như vậy sẽ tốt hơn cho sức khỏe, nhưng sau một thời gian dài uống loại thức uống này, một lần đang đợi đồ ăn gọi về thì Xiao bất ngờ bị đau bụng dữ dội và nhanh chóng lịm dần. Sau khi đến bệnh viện, các bác sĩ đã nghi ngờ tình trạng của Xiao Gao có liên quan đến hệ thống nội tiết và ngay lập tức kiểm tra lượng đường trong máu. Kết quả xét nghiệm hiển thị "HI", nghĩa là lượng đường trong máu của bệnh nhân lớn hơn 33,3 mmol/l, nằm ngoài phạm vi phát hiện của máy đo đường huyết nhanh, gấp 6 lần bình thường.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, một ly trà sữa tưởng chừng vô hại nhưng thực chất lại chứa lượng đường và chất béo đáng báo động. Trung bình, một ly trà sữa cỡ vừa có thể chứa tới 50-70g đường, vượt xa mức khuyến nghị hàng ngày của WHO (khoảng 25g). Lượng đường này chủ yếu đến từ đường tinh luyện, siro fructose, và các loại topping ngọt như trân châu, thạch, pudding...
Bên cạnh đó, việc duy trì thói quen uống trà sữa quá nhiều khiến không ít người trẻ có nguy cơ lão hóa sớm; da xỉn màu, xuất hiện nếp nhăn. Theo giới chuyên gia, đây là phản ứng của cơ thể khi nạp quá nhiều đường, gây ra "phản ứng glycation" ở da và lão hóa sớm. Phản ứng glycation đẩy nhanh quá trình mất collagen trong da và khiến các sợi duy trì độ đàn hồi của da trở nên giòn, da trở nên lỏng lẻo và thiếu độ đàn hồi.
Bên cạnh đó, trà sữa còn chứa hàm lượng chất béo cao, đến từ sữa béo, bột kem, và các loại topping béo như phô mai, kem cheese... Việc tiêu thụ quá nhiều đường và chất béo trong thời gian dài có thể dẫn đến tăng cân, tăng nguy cơ gan nhiễm mỡ và các bệnh lý tim mạch.