Hỗ trợ Đắk Lắk trở thành trung tâm của vùng
Tại Đắk Lắk, UBND tỉnh cho biết, hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 8.720 tỷ đồng, tăng 20,28%; sản lượng nông sản chế biến cao; các dự án thủy điện hoạt động hết công suất; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 49.500 tỷ đồng, tăng 4,3%…
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh làm việc với lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk |
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hải Ninh - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, một số mặt hàng xuất khẩu như cà phê nhân, hạt tiêu, mật ong… đều đã giảm cả lượng và giá; phát triển công nhiệp, thương mại tổng thể nói chung của tỉnh còn chậm, gặp vướng mắc, khó khăn, thách thức. Lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk đã kiến nghị Bộ Công Thương tạo điều kiện giới thiệu các nhà đầu tư có năng lực vào Đắk Lắk chế biến các mặt hàng nông, lâm sản như cà phê, ca cao, bơ, sầu riêng, mật ong, gỗ…; đề nghị Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ cho kéo dài thời gian hưởng chính sách giá điện 9,35 cent/kwh đến hết 2020 với các dự án năng lượng tái tạo; sớm phê duyệt quy hoạch điện mặt trời đến 2020 và tầm nhìn 2030; bố trí vốn tiếp tục triển khai dự án cấp điện nông thôn giai đoạn 2016-2020; hỗ trợ kinh phí từ nguồn xúc tiến thương mại quốc gia giúp Đắk Lắk tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ VII trong năm 2019…
Đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế-xã hội của Đắk Lắk, song Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng thẳng thắn, chân thành trao đổi, làm rõ những vấn đề tỉnh quan tâm kiến nghị, đồng thời định hướng, gợi mở những giải pháp góp phần giúp Đắk Lắk khai thác các tiềm năng kinh tế, công nghiệp, thương mại trên địa bàn. Khẳng định, Bộ Công Thương sẽ thực hiện chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước nói chung cũng như của Đắk Lắk và các tỉnh Tây Nguyên nói riêng, ngay tại cuộc làm việc, Bộ trưởng đã chỉ đạo lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị chức năng trực tiếp trao đổi, phối hợp với tỉnh Đắk Lắk để rà soát những vấn đề vướng mắc, xây dựng các phương án tham mưu cho lãnh đạo Bộ theo chức năng, quyền hạn để xem xét, hỗ trợ cho tỉnh Đắk Lắk phát huy hiệu quả tốt nhất những tiềm năng, lợi thế phát triển công nghiệp (chế biến nông, lâm sản, năng lượng tái tạo…), mở rộng thị trường cho các sản phẩm hàng hóa sản xuất tại địa phương, góp phần giúp Đắk Lắk hướng tới trở thành trung tâm của vùng Tây Nguyên theo định hướng phát triển của Đảng, Nhà nước...
Kết nối, hỗ trợ Kon Tum phát triển có trách nhiệm
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Kon Tum |
Tại tỉnh Kon Tum, ông Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn 9 tháng đầu năm đạt 5.185 tỷ đồng, tăng 9,25% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng cao 16,21% so với cùng kỳ, các lĩnh vực công nghiệp khai khoáng, chế biến tinh bột sắn, sản xuất vật liệu gạch không nung, gạch tuy-nen… tăng trưởng rất cao. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ đạt 12.465 tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu đạt 151,1 triệu USD, tăng mạnh 37,6% so với cùng kỳ với các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là cao su thô, cà phê nhân, bàn ghế các loại, tinh bộ sắn…
Tuy nhiên, tỉnh Kon Tum cũng cho rằng, điều kiện phát triển công nghiệp, thương mại còn gặp khó khăn và đã kiến nghị Bộ Công Thương có các cơ chế, chính sách giúp địa phương phát huy tiềm năng. Tỉnh Kon Tum đề nghị Bộ Công Thương hỗ trợ phát triển các loại năng lượng tái tạo, phát triển các dự án điện mặt trời dọc biên giới để góp phần phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng; tiếp tục đưa điện về nông thôn giúp đồng bào vùng sâu, vùng xa yếu thế được hưởng những thành quả phát triển điện năng...
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Kon Tum cũng còn có những khoáng sản quý hiếm như vàng, vonfram, sắt… có tiềm năng phát triển, tỉnh đã có điều tra cơ bản, lãnh đạo tỉnh Kon Tum cho biết, sẽ báo cáo cụ thể với Bộ Công Thương, đồng thời kiến nghị Bộ quan tâm giúp địa phương khai thác thế mạnh này.
Tỉnh Kon Tum đồng thời kiến nghị Bộ Công Thương ưu tiên vốn hỗ trợ phát triển thương mại nông thôn, đưa hàng Việt về nông thôn, xác định các sản phẩm chủ lực đặc trưng của tỉnh, hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm sâm Ngọc Linh, cà phê… ra thị trường ngoài nước, phát triển thị trường xuất khẩu cho đồ gỗ, cao su, cà phê, hỗ trợ các doanh nghiệp của tỉnh tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước…
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế, xã hội của Kon Tum thời gian qua, đồng thời cho rằng, dù còn nhiều khó khăn về địa lý, giao thông, dân trí, liên kết khu vực, trình độ sản xuất công nghiệp và dịch vụ, thương mại còn yếu, song tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, sở, ngành, nhân dân phát tốt huy nội lực, thúc đẩy đầu tư, kinh doanh, phát triển lĩnh vực công nghiệp, thương mại tăng trưởng khá cao.
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách từ các kiến nghị của tỉnh, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo các vụ, cục, đơn vị chức năng thuộc Bộ trao đổi trực tiếp, làm rõ những vấn đề có liên quan, chủ động kết nối với địa phương để rà soát, xây dựng các phương án giúp lãnh đạo bộ quyết định, nếu vượt quá thẩm quyền Bộ sẽ báo cáo Chính phủ xem xét. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, Bộ sẽ tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho Kon Tum phát huy tốt nhất tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo; tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng đưa điện về nông thôn; hỗ trợ phát triển các sản phẩm công nghiệp có thế mạnh trên địa bàn... Đồng thời, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với tỉnh Kon Tum để xây dựng, triển khai các dự án, chương trình phát triển các sản phẩm có thế mạnh, đặc trưng, mở rộng phát triển thị trường cho các sản phẩm.
Để phát triển thị trường nội địa, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị tỉnh Kon Tum quan tâm công tác qui hoạch phát triển thương mại có tính liên kết khu vực gắn với phát triển loggistics, đẩy mạnh thu hút và kết hợp các nguồn lực xã hội với nguồn lực nhà nước để nâng cấp các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia vào các chương trình phát triển thương mại nông thôn. Về phía Bộ Công Thương, Bộ trưởng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng xây dựng các chương trình cụ thể phát triển hệ thống thương mại nông thôn, xây dựng thương hiệu sản phẩm, chương trình xúc tiến thương mại để hỗ trợ Kon Tum nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung về nguồn lực, cơ chế cũng như các yếu tố về chuyên môn giúp các địa phương phát triển thị trường nội địa.
Chủ động đề xuất cơ chế tương tác với Gia Lai
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tại buổi làm với với lãnh đạo tỉnh Gia Lai |
Tại tỉnh Gia Lai, ông ông Bùi Khắc Quang - Giám đốc Sở Công Thương nêu vấn đề địa phương là một tỉnh có diện tích rộng thứ 2 cả nước chỉ sau Nghệ An, nhưng Gia Lai vẫn còn nghèo do công nghiệp không phát triển, kinh tế chủ yếu là dựa vào nông nghiệp, trong khi 45% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số trình độ dân trí và canh tác còn lạc hậu, hạ tầng còn yếu kém. Năm 2018, Gia Lai đặt mục tiêu phấn đấu thu ngân sách 4.500 tỷ đồng, xuất khẩu đạt 450 triệu USD…, song lãnh đạo tỉnh Gia Lai cho rằng, nếu đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra trong năm thì giá trị phát triển vẫn thua kém một số địa phương khác có điều kiện tương tự.
Thực tế Gia Lai cũng có những lĩnh vực rất có tiềm năng phát triển liên quan đến chức năng, nhiệm vụ quản lý của Bộ Công Thương, đặc biệt là phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời); chế biến cao su, cà phê, hạt tiêu… xuất khẩu. Định hướng của Gia Lai trong thời gian tới là phát triển mạnh sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, khai thác hiệu quả tiềm năng nguồn năng lượng tái tạo..., UBND tỉnh Gia Lai kiến nghị Bộ Công Thương xem xét theo thẩm quyền những vấn đề liên quan, hoặc đề xuất với Chính phủ những cơ chế, chính sách ưu đãi phù hợp giúp địa phương thu hút đầu tư phát triển hiệu quả hơn các lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh địa phương.
Bộ trưởng Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền tỉnh Gia Lai đối với các sở, ngành có liên quan trong việc phát triển công nghiệp, thương mại, quản lý thị trường… trên địa bàn. Đồng thời khẳng định, mục tiêu làm việc của Bộ Công Thương với Gia Lai là nhằm lắng nghe, nắm bắt, trao đổi cùng địa phương những vấn đề cần quan tâm giải quyết từ thực tiễn đặt ra, cùng bàn bạc với tỉnh phối hợp trong công tác quản lý, điều hành để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, công nghiệp, thương mại… hiệu quả, ổn định, bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng.
Hầu hết các vấn đề kiến nghị liên quan đến phát triển công nghiệp, thương mại tỉnh Gia Lai đề ra đã được trực tiếp Bộ trưởng cùng trao đổi, làm rõ, đồng thời chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ trao đổi, góp ý, giải đáp, phối hợp, hỗ trợ giúp đỡ Gia Lai thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh và giá trị gia tăng cho các sản phẩm.
Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định sẽ quan tâm hỗ trợ Gia Lai với trách nhiệm cao nhất theo thẩm quyền, đồng thời chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan giải quyết những vấn đề vướng mắc, khó khăn tại địa phương. Bộ trưởng đã chủ động đề xuất Bộ Công Thương sẽ ký kết chương trình hợp tác hỗ trợ phát triển thị trường, sản phẩm một cách toàn diện với tỉnh Gia Lai và các tỉnh Đắk Lắk, Kon Tum… nhằm hỗ trợ khu vực Tây Nguyên tạo sự liên kết vùng, cộng hưởng sức mạnh, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển của mỗi tỉnh và ở khu vực Tây Nguyên. Lãnh đạo tỉnh Gia Lai cảm ơn và đánh giá cao những tâm huyết của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đối với sự phát triển của tỉnh Gia Lai cũng như của vùng Tây Nguyên./.
Nhân chuyến công tác của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tại Đăck Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Bộ Công Thương đã hỗ trợ 3 tỉnh này mỗi tỉnh 500 triệu đồng nhằm góp phần cùng địa phương giải quyết những vế đề an sinh, xã hội trên địa bàn. |