CôngThương - Trong các phiên thảo về kinh tế- xã hội 5 năm và năm 2012 những ngày gần đây, về cơ bản, các đại biểu (ĐB) nhất trí với Báo cáo của Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế năm 2011 - 2015 cũng như Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2011 - 2012, Báo cáo thẩm tra của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và cho rằng, Chính phủ đưa về những giải pháp trong điều hành kinh tế những tháng cuối năm, tiếp tục thực hiện Nghị quyết 11 là hợp lý.
Khó nhất là đầu tư công
Nghị quyết 11 triển khai với 6 nhóm giải pháp đã đem lại kết quả rõ nét, thể hiện qua nhiều yếu tố, đặc biệt là chỉ số lạm phát giảm dần, xuất khẩu tăng rất mạnh. ĐB Lịch nhận xét, Nghị quyết 11 đề ra 6 nhóm giải pháp, trong đó có 2 nhóm giải pháp rất quan trọng là chính sách tiền tệ và tài khóa. Đây là sự đồng bộ trong điều hành của Chính phủ. "Nhưng khi triển khai, chúng ta vẫn bị cái bệnh kinh niên là triển khai thiếu đồng bộ", ĐB Lịch nói và dẫn chứng, so với đầu năm, tín dụng tăng khoảng 12%, khung tiền cao 12,5%. Còn đầu tư công, theo báo cáo của Ủy ban Tài chính và Ngân sách, thì vẫn tăng 15%, số tuyệt đối 23 nghìn tỷ đồng. Ông Lịch chia sẻ: "Cái khó nhất là giải quyết đầu tư công. Chúng ta không thể nào sắp xếp với một năm trên 20 nghìn dự án, trong đó hơn 15 nghìn dự án tiếp tục đầu tư, 5.400 dự án mới. Tôi cũng không nghĩ rằng, một vài đoàn của Bộ kế hoạch và đầu tư đi thực tế có thể điều chỉnh được vấn đề này".
Nhấn mạnh về tái cấu trúc đầu tư, ĐB Lịch đề nghị tập trung tái cấu trúc đầu tư ngân sách nhưng phải định hướng rằng: "Đầu tư nhà nước là công cụ thúc đẩy thị trường và doanh nghiệp tái cấu trúc lại đầu tư phải hiệu quả, chứ không phải chỉ đơn giản là phần của nhà nước". Do đó, ĐB Lịch đề nghị: Thứ nhất, trong các tiêu chí định hình cho đầu tư phải tuân thủ 2 nguyên tắc rất quan trọng. Một là, phí tổn cơ hội, tức là đồng tiền có hạn bỏ vào đâu là hiệu quả nhất. Hai là, đầu tư đó kích thích cho xã hội tăng đầu tư. Vấn đề này tôi đề nghị đặt một chỉ tiêu, có nghĩa là đồng tiền đầu tư nhà nước kích thích tăng đầu tư xã hội. "Chính phủ cần xác định rõ vấn đề ưu tiên trong năm 2012" - ĐB Trần Du Lịch nói.
Gỡ khó cho nông sản
Trước tình trạng tư thương làm giá dẫn đến nông dân và người tiêu dùng bị thua thiệt, chi phí đầu vào của các doanh nghiệp tăng, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa nước ta, còn tư thương hưởng lợi chính. ĐB Nguyễn Cao Phúc (đoàn Quảng Ngãi) - kiến nghị, Chính phủ trong thời gian tới cần chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý giá và bình ổn giá, mà trọng tâm là các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu như: Vật tư nông nghiệp, thức ăn gia súc, thuốc chữa bệnh. Có như vậy, mới thúc đẩy sản xuất và cải thiện đời sống của nhân dân.
Theo ĐB Trần Du Lịch, hiện nay chỉ số giá cả giảm do việc chúng ta thực hiện chính sách tiền tệ, chính sách chi tiêu. Việc giảm do sức mua giảm, thì trong báo cáo là tổng doanh thu dịch vụ và bán lẻ tăng 22,8 nhưng không nhắc tới giá cả còn bao nhiêu. "Vừa qua chúng ta chưa đánh giá hết trên tất cả các mặt của những tác dụng phụ đặc biệt chính sách", ĐB Lịch đặt vấn đề: "Nếu giảm giá cả do giảm sức mua, sẽ tái diễn tình trạng năm 2008, đây là vấn đề cần phải nhận định và phân tích để chúng ta có thể dự báo năm 2012".
Việt Nam là đất nước nông nghiệp. Sản lượng nông sản xuất khẩu rất lớn, các nhóm sản phẩm như: gạo, cà phê, cao su, hạt điều luôn dẫn đầu thế giới. ĐB Phạm Thị Mỹ Lệ (đoàn Bình Phước) - cho hay, năm 2010 xuất khẩu cao su đạt trên 2,1 tỷ USD, cà phê đạt trên 1,7 tỷ USD, nhân hạt điều đạt trên 1 tỷ USD... Nhưng thực tế ở địa phương cho thấy, tình trạng một số cá nhân sử dụng tạp chất để tăng trọng lượng, thời gian bảo quản trái cây, hải sản xuất khẩu của VN ngày càng gia tăng, trong khi hiện nay, các quy định còn lỏng lẻo. Chúng ta không xác định rõ ai, đơn vị nào là người chịu trách nhiệm về những vụ việc này và mức xử phạt cho các loại vi phạm này rất thấp không tương xứng với lợi nhuận nên không đủ sức răn đe. Điều này đã làm ảnh hưởng đến uy tín hàng hóa, chất lượng sản phẩm, tác động xấu đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp và nền kinh tế.
Để bảo vệ thương hiệu hàng hóa Việt Nam, quyền lợi người nông dân, ĐB Lệ đề nghị, Chính phủ cần có quy định cụ thể, chặt chẽ và chế tài nghiêm khắc. Xử lý tận gốc tình trạng sản xuất hàng hóa kém chất lượng, tình trạng tranh mua, tranh bán, gian lận trong sản xuất thương mại.
Nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và khuyến khích xuất khẩu, ĐB Nguyễn Văn Thanh (đoàn Vĩnh Long) - kiến nghị, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương cần quan tâm đề xuất các chính sách cụ thể, nâng cao thu nhập cho người dân trồng lúa, nhằm giữ cho được mục tiêu 3,8 triệu ha lúa, góp phần ổn định, an ninh lương thực quốc gia, đồng thời chú trọng hơn đến việc đầu tư nâng cao chất lượng chế biến nông sản xuất khẩu. Về lâu dài, "Chính phủ và các bộ liên quan cần chỉ đạo tập trung rà soát lại quy hoạch vùng phát triển, cơ cấu lại mùa vụ, hạ tầng kỹ thuật, nhất là thủy lợi vàtổ chức sản xuất gắn chế biến và thị trường tiêu thụ có sự phối hợp liên kết các tỉnh để khai thác hiệu quả sản xuất và sản phẩm trong vùng" - ĐB Thanh đề xuất.